Theo dõi trên

Môn lịch sử tự chọn: Nguy cơ bị “biến mất” trong trường học

29/04/2022, 05:56

Từ năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 bậc trung học phổ thông được triển khai ở lớp 10.

Điểm mới của chương trình là ngoài những môn học bắt buộc, học sinh được chọn thêm 5 môn học khác từ 3 nhóm môn. Lịch sử đã trở thành môn học lựa chọn.

thuyet-trinh-hoc-mon-lich-su-2567.jpg
Có nhiều cách dạy học môn lịch sử gây thích thú cho học sinh.

Điều này, đã làm không ít người tâm tư vì từ trước đến nay học sinh vốn ít yêu môn lịch sử. Nay, môn học này trở thành môn tự chọn, liệu có bao nhiêu học sinh sẽ chọn học lịch sử?

Sự cần thiết phải học lịch sử

Chúng ta vẫn thường nghe nói, con người có tổ có tông. Học lịch sử sẽ giúp cho các em biết được gốc rễ, cội nguồn của dân tộc mình.

Hiểu được những năm tháng lầm than, cuộc đời nô lệ của ông cha nhưng người dân vẫn luôn giữ mãi tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường để vùng lên giành độc lập.

Có biết bao cuộc kháng chiến trường kỳ đã xảy ra, biết bao người đã dũng cảm hy sinh, những tấm gương anh hùng quên mình vì nghĩa lớn để có được cuộc sống thanh bình cho con cháu hôm nay.

Học lịch sử còn để đúc kết những bài học kinh nghiệm về sự thành công và thất bại của quá khứ để phục vụ hiện tại và xây dựng cuộc sống mới trong tương lai.

Hiểu lịch sử dân tộc để biết yêu, biết trân quý cuộc sống hơn, biết tự hào về truyền thống vẻ vang của cha ông thuở trước để thấy mình có trách nhiệm phải bảo vệ, giữ gìn quê hương đất nước.

Chẳng ai có thể vui được khi học sinh đã học đến bậc trung học cơ sở nhưng nói rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là 2 anh em, không biết Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du là ai hay Lê Lợi là vị vua tài giỏi của nhà Thanh bên Trung Quốc…

Học sinh vốn đã không yêu môn lịch sử. Tại nhiều trường học, nhiều em có thái độ coi thường môn học này khi thường xuyên không chịu học bài, trong giờ học luôn làm việc riêng (thậm chí ngồi học môn học khác).

Dù nhiều năm đã qua, nhưng hình ảnh một số điểm thi như Trường THPT Yên Thành II (huyện Yên Thành), THPT Thái Hòa (thị xã Thái Hòa), THPT Phan Đăng Lưu (huyện Yên Thành), THPT Đặng Thúc Hứa, THPT Quỳnh Lưu I… chỉ có từ 1 – 2 thí sinh đăng ký dự thi môn lịch sử.

Như vậy tại những điểm thi này, cả hội đồng thi chỉ phục vụ cho 1 – 2 thí sinh trong suốt buổi thi kéo dài 180 phút làm nhiều người tâm tư.

Vốn là môn học không được học sinh yêu thích, nay lại trở thành môn học lựa chọn thì sự lo sợ có trường học sẽ “xóa sổ” môn lịch sử là điều có thể xảy ra.

Có khá nhiều ý kiến của thầy cô cho rằng môn lịch sử nên đưa vào nhóm môn học bắt buộc, là con người thì phải hiểu biết về nguồn gốc, quốc gia mình sinh sống và thế giới xung quanh. Còn các môn như khoa học tự nhiên, hay khoa học xã hội khác thì nên để các em tự chọn theo sở thích và năng lực của mình.

Nếu lịch sử trở thành môn bắt buộc

Lịch sử là môn học tự chọn, nhiều người cũng sợ rằng môn học này sẽ bị “xóa sổ” trong trường học vì khi đó sẽ có rất ít học sinh chọn học.

Nhưng nếu lịch sử là môn học bắt buộc thì sao? Lúc đó, mọi người sẽ đối xử với môn học một cách bình đẳng như toán, Anh văn. Từ đó, học sinh cũng sẽ chịu học hơn khác hẳn sự coi thường, học đối phó như hiện nay.

Sẽ không còn tình trạng nhầm lẫn một cách ngô nghê như Quang Trung, Nguyễn Huệ là 2 anh em hay Nguyễn Du chính là Quang Trung nữa. Học sinh sẽ hiểu hơn về cội nguồn dân tộc, về trang sử vẻ vang hơn 4 ngàn năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Từ đó, các em cũng sẽ biết trân quý hơn cuộc sống này.

PHAN TUYẾT


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tập huấn các phần mềm quản lý thi và tuyển sinh
BTO - Chiều 25/4, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tập huấn phần mềm Quản lý kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2022, phần mềm xét công nhận tốt nghiệp THCS năm 2022 và phần mềm tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập năm học 2022 – 2023 cho lãnh đạo, cán bộ, giáo viên phụ trách phần mềm quản lý kỳ thi.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Môn lịch sử tự chọn: Nguy cơ bị “biến mất” trong trường học