Đèn biển do kỹ sư người Pháp là Chnavat thiết kế, bắt đầu khởi công từ tháng 2/1897, đến năm 1899 thì hoàn thành.
Ngọn đèn biển này có công suất lớn bán kính quét sáng xa đến 22 hải lý (khoảng 40 km). Hầu hết du khách sau khi đi hết 183 bậc thang xoắn ốc, sẽ theo một cánh cửa nhỏ ra phía ngoài bao lơn đài quan sát. Từ đây khách có thể phóng tầm mắt nhìn ra biển cả mênh mông hay nhìn vào đất liền có những resort nghỉ dưỡng ven bờ.
Đèn biển (hải đăng) Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: Ngọc Lân |
Trạm đèn biển Kê Gà trực thuộc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Nam bộ. Quản lý trạm là một đội ngũ cán bộ, công nhân gồm 6 người. Khi tôi lên đảo, Trạm trưởng Nguyễn Văn Sáu cùng mấy công nhân khác đi công tác vắng, chỉ còn trạm viên Lương Hữu Phúc và Trương Đại Phước trực trạm. Hữu Phúc cho biết trạm trưởng quê ở Quy Nhơn, Phúc người Sài Gòn, còn Phước thì quê Phan Rí. Những người khác cũng đều ở tỉnh xa. Đặc điểm chung của đội ngũ quản lý ngọn đèn biển đều là người quê xa nhận Bình Thuận làm quê hương.
Được biết Lương Hữu Phúc năm nay 39 tuổi, làm nghề giữ đèn biển Kê Gà này đã 19 năm. Trong câu chuyện anh mấy lần nhắc nhiều tài liệu ghi không đúng về chiều cao của tháp đèn là 35m. Phúc cho biết nếu tính từ tâm ngọn đèn cho đến chân tháp, thì chiều cao đúng 41,5m. Anh cũng cho biết ngọn đèn của Pháp đã thôi sử dụng từ năm 2005. Ngọn đèn hiện nay do Mỹ sản xuất, loại bóng halogen và chạy bằng pin mặt trời. Đèn biển vận hành tự động bằng hệ thống nhật quang. Khi mặt trời đủ nắng, ngọn đèn sẽ tự động tắt và khi chiều xuống, ánh nắng không còn hải đăng sẽ tự động bật sáng.
Nhiệm vụ của những người giữ đèn biển là quản lý, bảo trì, bảo đảm đèn vận hành tốt. Đèn biển về đêm không được mất sáng quá 15 phút. Nếu quá 15 phút mất sáng mà không khắc phục sự cố được, thì phải bật ngay ngọn đèn phụ.
Phúc kể một sự cố: Nhiều năm trước, một đêm khuya anh em trong trạm nghe có tiếng động bên ngoài. Sau đó thì phát hiện một người đàn ông trần trụi người ướt đẫm lên đảo. Hỏi ra mới biết đó là một người dân chài. Anh hụt chân khi bước từ tàu cá của anh sang tàu bạn và rơi xuống biển. Bạn trên tàu không ai hay biết. Địa điểm anh rơi xuống biển cách đèn biển chừng 1 cây số. Tàu thì cứ tiếp tục chạy mất. Một mình giữa biển, anh vượt sóng nhắm ngọn hải đăng mà bơi đến.
Sau đó tàu của anh phát hiện mất người và quay lại. Anh em trên trạm dùng đèn pin phát tín hiệu và tàu đã đến đón người bạn lên tàu.
Từ ngày du lịch Bình Thuận phát triển, khách tham quan đến thăm đèn biển nhiều, nên anh em ở trạm cũng có thêm niềm vui được tiếp xúc với nhiều người. Nhưng vui nhất là trạm luôn hoàn thành nhiệm vụ giữ cho ngọn đèn biển đêm đêm phát sáng, bảo đảm có một tín hiệu đèn cho tàu, thuyền lưu thông qua vùng biển Kê Gà.
Võ Hoàng Minh