Theo dõi trên

Mùa của nắng tháng 5!

19/05/2022, 04:40

Vùng đất Tuy Phong những ngày này nắng gắt, hanh hao khó tả. Nó khiến những ai thi thoảng ghé qua sẽ có cảm giác không hề dễ chịu. Nhưng chính cái nắng gió ấy đã gắn bó, rèn giũa nên những con người ở vùng “chảo lửa” sự chịu khó, tìm tòi hướng phát triển. Những nông sản ở đây, nhờ nắng cũng trở nên đặc trưng hơn…

Bán… tận ngọn

Hôm ấy, chuyến xe đò chở tôi từ TP. Phan Thiết dừng lại ở ngã ba xã Phước Thể, Tuy Phong. Khác với sự yên ắng của đợt phong tỏa toàn xã Phước Thể do dịch Covid-19 một năm trước, địa điểm này giờ đây đã nhộn nhịp trở lại. Từng nhóm người lúi húi với những kiện hàng hóa lỉnh kỉnh, đang đứng bên đường chờ xe để gửi hàng. Trong lúc chờ người quen đến đón, tôi tò mò lại bắt chuyện. Thì ra, họ là nông dân “chính gốc”, đang chở trái cây sau thu hoạch gửi vào Sài Gòn, Bình Dương bán. Nghe tôi kể, anh Võ Ngọc Tân, chủ vườn táo ở xã Phong Phú chia sẻ rằng, gần đây nhiều bà con trồng táo nói riêng và nông sản trong xã, trong huyện nói chung đang rủ nhau “nhà nhà đi buôn, người người đi buôn”. Táo, mít… từ các xã, sau khi thu hoạch, một số hộ kêu thương lái đến bán tận vườn với giá thị trường định sẵn (táo từ 10.000 - 12.000 đồng/kg). Nhưng có nhiều hộ lại tự đóng gói, chở xuống ngã ba Phước Thể, đón xe khách gửi vào TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, các khu công nghiệp để con em, họ hàng nhận và bán trực tiếp với giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg.

z3422955506538_d457e5da1721b1807ee067377555ad55.jpg
Vườn táo của anh Võ Ngọc Tân.

“Táo vườn nhà cũng bán theo cách đó. Vì táo mình trồng theo chuẩn của VietGAP mà. Dù không có giấy tờ công nhận nhưng nếu ai rành ăn táo sẽ cảm nhận đó là táo sạch”, anh Tân nói một cách khẳng định. Vì thực sự, năm ngoái, lúc dịch bệnh đang bùng phát ở Tuy Phong, tôi về huyện công tác và có ghé qua vườn táo của anh, được tận tay hái những trái táo to màu xanh nhạt, ăn nghe mùi thơm và giòn ngọt mà không sợ thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ vì tôi chứng kiến cả vườn táo được bao lưới để tránh sâu bệnh xâm nhập và dưới từng gốc táo là phân bò nuôi dưỡng cây táo mạnh khỏe để cho trái ngọt. Khi ấy dù việc vận chuyển nhiều trở ngại vì dịch bệnh nhưng người tiêu thụ ở các tỉnh Bình Dương, TP.HCM vẫn cần ăn nên giá táo vườn của anh cũng đứng ở 12.000 đồng/kg, mua sỉ, bằng giá táo của thời điểm hiện tại.

Nghĩ lại từ đầu năm đến giờ, khi thị trường Trung Quốc gần như không thể xuất, vì các cửa khẩu đóng mở bất chợt, nông sản Bình Thuận cũng chịu chung số phận tồn ứ, rớt giá thảm hại, các sở, ngành khuyến khích tiêu thụ nội địa thì cách thức tiêu thụ táo của người dân nơi này quả là đặc biệt. Nhưng đâu chỉ táo Phong Phú, Tuy Phong còn có các sản phẩm đặc trưng, gắn liền với địa danh khác như nho Phước Thể, ớt chim Bình Thạnh. Rồi thanh long và một số cây ngắn ngày như củ cải, đậu, hành tím… Điều đáng nói, những sản phẩm này đều mang những nét riêng, có độ ngon đặc biệt mà ai thưởng thức được sẽ hình dung phần nào việc hình thành và phát triển cách thức bán nông sản không qua trung gian, tức đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng. Chắc chắn cách bán ấy được bắt đầu từ việc người tiêu dùng ăn ngon rồi truyền miệng qua người khác. Cứ thế, đã hình thành một thị trường riêng của những sản phẩm nông sản của vùng nắng to, gió mạnh, ít mưa Tuy Phong.

Vì sao “quả ngọt” được đón nhận?

Tháng 5, giữa mùa hè cũng mùa chín rộ của nhiều loại trái cây từ mọi miền nhưng cũng những sản phẩm ấy mà trồng ở Tuy Phong thì ai ăn cũng cảm nhận nét riêng. Các lão nông phân tích, nếu xưa khi chưa có nước thủy lợi phủ như bây giờ, nắng to, gió mạnh ở Tuy Phong là bất lợi cho nông sản. Nhưng khi có nước, đã tạo ra sự hòa hợp rất lạ và từ táo, nho, thanh long cho đến hạt lúa trồng tại vùng đất này khi xay xát ra hạt gạo nấu ăn cũng rất ngon. Chính trong tháng 5, khi cái nắng đặc biệt trong năm phủ khắp vùng khiến bao loại cây chịu đứng trên đất này cho quả với vị ngọt thanh hơn nơi khác. Còn ông Nguyễn Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong thì khẳng định địa phương đã và đang phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu hiện có để chọn loại cây trồng phù hợp.

z3422955519275_f7d239210aa23cf630cefd4415e8f856.jpg

Nói phù hợp, phải nhắc đến sản phẩm ớt chim Bình Thạnh. Cũng giống ấy nhưng đi trồng ở vùng đất khác, thiếu ánh nắng chói chang, thiếu làn gió của Bình Thạnh, bỗng nhiên ớt không còn vị cay thơm dịu. Hay có bí quyết nào nữa trong chăm sóc cây mà dân địa phương không tiết lộ? Thịnh - một công dân đang sống và làm việc tại địa phương cho biết: “Không có bí quyết nào ngoài trồng tự nhiên trong điều kiện riêng của vùng đất, cho sản phẩm sạch. Ớt chim thu hoạch quanh năm. Thời điểm này bà con bán với giá khoảng 500.000 đồng/kg. Dù có giảm hơn ít nhiều so cùng thời điểm năm ngoái, nhưng vẫn là mặt hàng được săn đón nhiều nhất”.

Còn nho Phước Thể cũng thế, sau bao lần đổi giống mới vẫn giữ độ giòn, ngọt và thanh. Không ai biết bí quyết gì, ngoài lý do nhờ thổ nhưỡng, khí hậu. Nhưng nhà vườn ở đây bảo phải trồng sạch nên hầu như đều bao lưới cả vườn để hạn chế sâu bệnh, hạn chế phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Và bây giờ, thời gian qua nhiều hộ dân trồng nho đã chuyển hướng, kết hợp với dịch vụ du lịch nông nghiệp. Thay vì cách làm truyền thống, đậm chất “nông dân”, một lãnh đạo xã Phước Thể còn bật mí với tôi, nay đã có một chủ vườn đầu tư làm dịch vụ du lịch theo cách chuyên nghiệp. Đó là sắp xếp cho nhân viên mặc đồng phục, phục vụ chu đáo du khách khi ghé tham quan, mua sản phẩm tại vườn, chuyển đổi giống nho năng suất cao… Quả là, sau đại dịch, cách sản xuất, làm ăn của bà con cũng ít nhiều theo xu hướng mới và câu chuyện sản xuất quả ngọt sạch để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng đang lan tỏa.

Đó cũng là mục tiêu mà huyện Tuy Phong nhấn mạnh khai thác đặc trưng thổ nhưỡng, khí hậu để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sản phẩm nông nghiệp có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Một trong những chỉ tiêu phấn đấu của địa phương đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt từ 1-1,5% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha trồng trọt đạt 140 triệu đồng… Để làm được điều đó, chính quyền địa phương đang tập trung quy hoạch phát triển vùng sản xuất cây, con chủ lực để xác định không gian phát triển, đủ các điều kiện như chủ động nước tưới, khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất. Huyện sẽ duy trì ổn định và phát triển các loại cây trồng hiện nay như thanh long, táo, nho phù hợp với quy hoạch và nhu cầu thị trường. Đến năm 2025 phát triển các loại cây ăn quả khác như xoài, quýt, dừa… với diện tích trên 100 ha. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.

Ai không thích nắng to, riêng tôi thích nắng tháng 5 ở vùng đất Tuy Phong, vì đẩy độ ngon đặc biệt của trái cây nơi đây lên cao hơn những nơi khác. Nhờ vậy, nó đã tạo ra một mùa riêng ở đây với nhiều loại cây trái có thương hiệu - mùa của nắng tháng 5.

Một trong những chỉ tiêu phấn đấu của địa phương đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt từ 1-1,5% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha trồng trọt đạt 140 triệu đồng…

GHI CHÉP: KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Thuận Bắc: Người trồng “mệt mỏi” với thanh long
Từ loại trái cây lợi thế từng giúp người trồng có của ăn của để, thì nay không ít vườn thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc bị bỏ mặc, thậm chí “dứt tình” sau thời gian dài gắn bó…
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa của nắng tháng 5!