Theo dõi trên

Mùa hoa xuân

03/02/2023, 05:42

Mùa xuân gọi những bông hoa nở hay những bông hoa nở gọi xuân về?

Đôi lần tôi bâng khuâng tự hỏi thế, bởi có những loài hoa con người tác động để ra hoa đúng tết, nhưng cũng có những loài hoa chỉ nở mỗi độ xuân về, chẳng thể nào can thiệp để ép nở lần thứ hai trong năm được. Những loài hoa ấy không dùng để trang trí tô điểm cho tết, chúng cứ âm thầm nở, âm thầm rực rỡ rồi khi tàn kết trái ngọt chờ người thưởng thức…

233a7037-1673952269.jpg

Rực rỡ nhất trong những loài hoa chỉ nở mùa xuân là hoa xoài. Mùa này cứ thử quan sát dọc đường xem, cây xoài nào cũng vàng hoa, dày ken nhau, phủ tán cây tròn to bằng một màu vàng nghệ nhức mắt, rủ lũ ong bay tới tíu tít vo vo. Từ xa, nếu nhìn không kỹ, cứ tưởng đó là cây dù khổng lồ nàng xuân vô tình đánh rơi. Tới gần mới nhận ra đó là hoa xoài, chỉ biết ồ lên ngạc nhiên thích thú. Cứ theo mức độ ken dày của hoa cũng dễ dàng đoán được trái sẽ nhiều đến đâu. Chẳng mấy chốc lũ xoài non lại tíu tít tắm nắng, phơi màu áo xanh non mới nhìn đã chảy nước miếng vì nghĩ đến món xoài non chấm mắm đường.

Tôi lại nhớ cây xoài trước sân nhà ngoại, tán to mấy người ôm mới xuể. Mỗi độ xuân về, hoa xoài rụng đầy trước sân, theo gió bay cả vào nhà, chui xuống gầm tủ, chơi trò trốn tìm với ngoại. Những bông hoa nhỏ li ti vương cả vào tóc ngoại lúc ngoại cặm cụi quét sân mỗi sáng. Tôi bực bội quạu mỗi khi gỡ hoa trên tóc cho ngoại:

- Hoa gì mắc ghét, rụng tùm lum hết chơn hà.

Ngoại cười hiền biểu:

- Kệ tụi nó đi con, có rụng nhiều mới có trái nhiều, mốt bây về có xoài chín thơm lừng để ăn. Nó mà không rụng mới mệt mỏi à bây.

Nghe ngoại giải thích có lý quá chừng nên tôi im re. Bao nhiêu năm rồi, cây xoài vẫn sừng sững đứng đó, đung đưa tán lá mừng mỗi khi tôi ghé về thăm ngoại. Và, mỗi độ xuân về, vẫn rụng bông đầy sân. Có điều ngoại nay đã già, lưng còng, sức khỏe giảm sút chẳng còn quét sân mỗi sáng nữa. Người sáng sáng thay ngoại quét sân là mợ Tư, nên lũ hoa xoài thi nhau vương tóc mợ như muốn trang điểm cho mái tóc dài đen mượt ấy thêm phần đẹp hơn. Quét sân xong, mợ không ngồi gỡ hoa bỏ vào chậu sứ trước hiên mà gỡ kẹp tóc dùng tay phủi mạnh cho hoa rớt ra. Thấy bộ dạng nghiêm túc của mợ mỗi lần giũ hoa xoài trên tóc, tôi chợt thèm được ngồi gỡ hoa trên tóc ngoại như hồi xưa, nghe ngoại rù rì kể chuyện hồi nhỏ của ngoại, cười khúc khích vì những trò nghịch ngợm của ngoại giống y mình bây giờ.

Mé bờ ao nhà ngoại còn có một cây keo me to thiệt to. Hồi tôi còn bé xíu cây keo còn thanh niên, mới chỉ cao hơn mái nhà một chút. Mùa xuân nào cũng nở trắng, hoa li ti từng chùm e ấp nép vào nhau như cô thôn nữ ngại ngùng nép mình trong tà áo bà ba nhìn khách lạ ghé chơi. Hoa keo cũng thơm nhưng không thơm nồng, chỉ dìu dịu nhè nhẹ, phải tới gần mới ngửi thấy mùi hương rất ngọt. Hèn gì lũ ong rủ nhau bay về hút mật, giành nhau vo ve chí chóe. May nhờ lũ ong ồn ào tôi mới để ý thấy cây keo đã ra bông, không thì nhìn tán lá xanh um ấy từ xa cũng chẳng thể nào phát hiện ra những chùm bông trắng bé xíu ấy đã nở.

Hồi xưa hay chờ đợi keo chín để hái ăn, giờ nói trái keo chắc chẳng đứa trẻ nào biết đến. Thời giờ người ta phá loài cây này gần hết, bởi lẽ để cũng chẳng đem lại lợi nhuận gì. Gỗ keo chỉ dùng để hầm than chứ không thể đóng đồ gỗ được, bán chẳng nhiêu đồng, để lại chỉ tổ tốn đất. Bởi vậy người ta đã phá bỏ hết những bụi keo để trồng vào đó hàng dừa hay hàng xà cừ mốt bán gỗ. Thành ra trái keo chỉ còn trong ký ức tuổi thơ của những người ngấp nghé nửa đời người trở lên thôi. Nên giờ hông có chuyện vin cành keo ráng chịu gai đâm đau nhói để hái trái chín làm le với bạn gái đâu ha…

Xuân về cũng là lúc keo lá tràm rủ nhau bung nở những chùm hoa vàng rực rỡ. Nếu hoa xoài vàng nghệ thì hoa tràm lại vàng tươi, rực rỡ hơn hẳn. Nhìn từ xa đã thấy màu hoa in lên nền trời xanh biếc, nổi bật, hút ánh nhìn. Độ nổi bật càng được nhân lên khi càng nhiều cây tràm đứng gần nhau, tạo thành một dải vàng rực nối nhau đến chói mắt. Chẳng thế mà du khách đổ xô về cung đường 706B để chụp ảnh check in rừng keo lá tràm mỗi độ hoa bung nở.

Mỗi độ xuân về cũng là lúc hoa bưởi trong vườn nồng ấm mỗi đêm. Thiệt lạ, ban ngày hương hoa bưởi không bay xa lắm nhưng đêm về thì lại lan rất xa. Ngồi ngoài hiên nhà thôi đã sực nồng hương hoa rồi. Hồi ông ngoại còn sống khi pha trà hay cho thêm ít bông bưởi cho thơm. Giờ ông mất rồi, bà ngoại vẫn giữ thói quen cũ phơi hoa khô để dành. Chẳng phải để pha trà, thời giờ ít người còn giữ nếp uống trà hai cữ sáng chiều, bà dành để nấu nước gội đầu. Chiều qua ngoại nấu một nồi nước bồ kết và hoa bưởi thiệt to biểu để tụi bây gội chung chớ ngoại thấy tóc bây xơ xác quá. Ngồi bên giếng gội đầu cho ngoại, nghe hương thơm bén vào tóc ngoại, dịu dàng như những chuyện cổ tích xưa cứ âm thầm nuôi lớn tâm hồn bao thế hệ trẻ thơ…

MỸ MY


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đón hơn 1.400 lượt khách đến Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận
Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và trong tháng 1, Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ tại xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) đón hơn 1.400 lượt khách đến du xuân, trải nghiệm.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa hoa xuân