Theo dõi trên

Bình Thuận, vài chuyện thời mở đất

03/02/2023, 05:28

Bình Thuận (và Ninh Thuận) nguyên là vùng đất Panduranga - phần lãnh thổ cuối cùng của vương quốc cổ Champa (hay còn gọi là Chiêm Thành). Đầu năm 1693, khi những đạo quân của chúa Nguyễn do Nguyễn Hữu Cảnh chỉ huy tiến vào. Đất Bình Thuận được mở ra từ đó, với tên gọi ban đầu là Thuận Thành trấn. Trên cơ sở tham khảo sách Đại Nam thực lục (tập 1, bản dịch 2002), bài viết dưới đây xin được lược thuật lại vài chuyện diễn ra cách nay đúng 330 năm trước.

Sự ra đời của trấn Thuận Thành…

Đến cuối thế kỷ XV, lãnh thổ của nước Đại Việt chỉ kéo dài đến địa phận tỉnh Bình Định ngày nay. Sau khi vào Nam ổn định tình hình, năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) cho quân đánh lấy và đặt ra phủ Phú Yên. Năm 1653, nhân việc vua Chăm xâm lấn, chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) sai quân đánh dẹp, lãnh thổ Phú Yên vì thế được mở rộng đến sông Phan Rang.

z4075366991027_562ceb427defc1645ee0ca359b57402d.jpg
Tháp Po Sah Inư do người Chăm xây dựng khoảng cuối thế kỷ VIII đến đầu thế kỷ IX, là di tích thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan - Ảnh: Lê Duy Tân.

Tháng 8 năm Nhâm Thân (1692), quân Champa lại nổi dậy mong khôi phục lại những phần đất đã mất nên chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) sai Nguyễn Hữu Cảnh (hay còn gọi là Kính) làm Thống binh tiến đánh. Tháng Giêng năm Quý Dậu (1693), quân Champa bị đánh bại, vua nước ấy là Kế Bà Tranh bỏ chạy. Đến tháng 3, Bà Tranh cùng bầy tôi bị bắt sống. Chúa Nguyễn cho sáp nhập đất ấy vào lãnh thổ xứ Đàng Trong, đổi Panduranga làm trấn Thuận Thành. Tháng 7 năm đó, Nguyễn Hữu Cảnh áp giải chiến tù về Phú Xuân (Huế), sau khi nghe chúa Nguyễn hạch tội, Bà Tranh bị giam ở núi Ngọc Trản, hàng tháng được cấp tiền, gạo và vải lụa để dùng. Tháng Giêng năm sau (Giáp Tuất 1694), Bà Tranh qua đời. Chúa Nguyễn ban cho 200 quan tiền và gấm vốc để hậu táng.

Trấn Thuận Thành có địa giới từ nam sông Phan Rang trở vào đến hết tỉnh Bình Thuận ngày nay và được chia thành 3 khu vực. Để đề phòng dư đảng Champa nổi dậy, chúa sai Cai đội Nguyễn Trí Thắng giữ Phú Hài, Cai cơ Nguyễn Tân Lễ giữ Phan Rí và Cai đội Chu Kiêm Thắng bảo vệ Phan Rang.

Tháng 8 (tức 1 năm sau ngày Nguyễn Hữu Cảnh khởi binh trấn áp), chúa Nguyễn đổi trấn Thuận Thành thành phủ Bình Thuận. Như vậy, tên gọi Bình Thuận ra đời từ năm Quý Dậu (1693), tức cách nay đúng 330 năm. Với mong ước các dân tộc (nhất là Việt – Chăm) cùng chung sống hòa thuận trên vùng đất mới được bình định này.

Là phần đất mới sáp nhập, lại rất đông người Chăm sinh sống nên chúa Nguyễn đã chủ trương sử dụng những quan chức cũ của Champa. Theo đó, cho Kế Bà Tử (em Bà Tranh) giữ chức Khám lý đứng đầu phủ Bình Thuận; 3 người con của Bà Ân làm Đề đốc, Đề lãnh và Cai phủ. Điều đáng chú ý là, chúa Nguyễn yêu cầu những quan chức này phải mặc trang phục theo lối của người Kinh.

… và phản ứng của dân bản địa

Việc đổi trấn Thuận Thành làm phủ Bình Thuận và những chính sách của chúa Nguyễn, cộng với tinh thần phản kháng sẵn có của người Chăm nên đã xảy ra một cuộc nổi loạn chống lại chúa Nguyễn.

Theo Đại Nam thực lục, trước đây ở Thuận Thành có một người gốc Hoa tên A Ban đi lại rất thân với Ốc Nha Thát. Từ lúc Bà Tranh bị bắt thì 2 tên này cũng bỏ chạy về đất Đại Đồng (?), A Ban đổi tên thành Ngô Lãng, rồi tự xưng mình có phép thuật hô phong hoán vũ, gươm đao không thể làm bị thương. Do vậy y đã lôi kéo được Chế Vinh và rất đông người Chăm đi theo. Tháng 12 năm Quý Dậu (1693), nhóm người Chăm do A Ban đứng đầu đã nổi dậy đánh chiếm các vị trí xung yếu, có lúc chiếm tới 2 phần 3 phủ Bình Thuận.

Ban đầu nhóm A Ban cướp Phú Hài. Nguyễn Trí Thắng đem quân chống lại, A Ban bèn giả thua bỏ chạy. Trí Thắng truy đuổi nên bị phục binh giết chết. Hay tin, Cai đội dinh Bà Rịa là Dực và thư ký Mai đem quân đến cứu viện nhưng cũng không thành, đều bị giết chết cả. Thừa thắng A Ban tiến ra đánh Phan Rí. Lo sợ quân của Nguyễn Tân Lễ quá mạnh nên y đã sai một phụ nữ người Chăm dùng thuốc đầu độc. Kết quả Tân Lễ không chết nhưng bị câm. Không những thế, y còn dùng tiền bạc để mua chuộc thuộc hạ của Tân lễ làm nội ứng. Đến khi đánh, Tân Lễ bị bọn phản binh đâm chết, dinh trại của cải ở Phan Rí bị đốt và cướp gần hết.

Sau đó A Ban lại kéo quân vây Phan Rang. Chu Kiêm Thắng hay tin, nhưng vì quân ít nên không ra đánh trả mà đóng cửa thành tự thủ, và bắt Kế Bà Tử làm con tin, dọa sẽ đem chém nếu A Ban tiếp tục vây thành Phan Rang. Được sự tư vấn của Ốc Nha Thát, A Ban cho lui binh.

Không lâu sau đó, tháng Giêng năm Giáp Tuất (1694), A Ban lại tiến đánh thành Phan Rang. Chu Kiêm Thắng hỏa tốc báo tin lên nên chúa Nguyễn cử Trấn thủ Nguyên Hữu Oai và Lưu thủ Nhuận (không rõ họ) tiến binh theo thượng đạo cứu viện, quân A Ban rút lui, vì thế Phan Rang được giải vây. Tháng 2 năm đó, quân A Ban lại nổi lên, Lưu thủ Nhuận và các Cai cơ Tống Tuân và Nguyễn Thành chia quân giáp đánh. A Ban bỏ chạy, sau bị quân của Cai cơ Nguyễn Thắng Hổ dẹp yên.

Chính sách của chúa Nguyễn đối với trấn Thuận Thành

Trước sự phản kháng dữ dội của dân bản địa, chúa Nguyễn phải sai Nguyễn Hữu Cảnh vào Bình Thuận cùng với văn chức Trinh Tường ổn định vùng đất mới bình định này.

Tháng 8 năm Giáp Tuất (1694), chúa Nguyễn Phúc Chu lại cho phủ Bình Thuận trở lại làm trấn Thuận Thành, do Kế Bà Tử giữ chức Tả đô đốc, đến tháng 11 thì phong làm phiên vương. Sách Đại Nam thực lục cho biết nguyên nhân như sau (theo lời trình tấu của Khám lý Kế Bà Tử): “Từ khi vị hiệu đời trước cải cách đến giờ xảy ra nạn đói kém luôn, nhân dân chết về tật dịch rất nhiều. Chúa thương tình, bèn cho trở lại gọi là Thuận Thành trấn” (trang 109).

Phiên vương Thuận Thành được phép vỗ về chiêu tập quân dân, hàng năm nộp cống. Theo đó lệ cống bao gồm: 2 thớt voi đực, 20 con bò lông vàng, 6 chiếc ngà voi, 10 tòa sừng tê, 500 bức khăn vải trắng, 50 cân sáp ong, 200 tấm da cá nhám, 400 thúng cát sủi (dùng để tắm gội), 500 lá chiếu tre trắng, 200 cây gỗ mun, 1 chiếc thuyền dài. Những ấn, gươm, yên, ngựa và thuộc hạ bị bắt trước đây đều được trao trả lại cho Kế Bà Tử.

Sau năm 1694 tình hình ở trấn Thuận Thành đi vào ổn định nên sang tháng 8 năm Đinh Sửu (1697), chúa Nguyễn Phúc Chu bắt đầu lập phủ Bình Thuận, lấy đất từ Phan Rang, Phan Rí trở về tây chia làm 2 huyện An Phước và Hòa Đa cho thuộc vào. Trấn Thuận Thành cũng là một đơn vị trực thuộc phủ Bình Thuận, nhưng có quy chế riêng.

Tháng 9 năm Nhâm Thìn (1712) nhân việc phiên vương Thuận Thành xin định điển lệ, xét thấy hợp lý và có lợi cho việc an dân, bảo đảm trật tự trong xứ nên chúa Nguyễn sai các văn thần biên soạn và ban cho. Điển lệ gồm 5 điều, trong đó đáng chú ý là điều 2 và điều 5. Điều 2, phàm người Kinh kiện nhau hoặc kiện với dân Thuận Thành (người Chăm) thì do phiên vương và Cai bạ (quản lý ngân khố), Ký lục (giữ việc tư pháp) xử đoán; dân Thuận Thành kiện nhau thì một mình phiên vương xử đoán. Điều 5, dân Thuận Thành xiêu tán đến dinh Phiên Trấn (Gia Định), đều thả về cho làm ăn, nên để lòng thương yêu, đừng nên bóc lột hà khắc, cho dân ở yên. Chính từ việc thi hành chính sách dân tộc đúng đắn và thận trọng của chúa Nguyễn Phúc Chu mà đa số người Chăm vẫn ở lại đất cũ, vẫn bám đất, bám làng tiếp tục cuộc sống.

Qua quá trình cộng cư, 2 dân tộc Việt – Chăm đã tiếp thu những nét tốt đẹp trong đời sống kinh tế và truyền thống văn hóa của nhau. Ví như trong nghề đóng ghe thuyền, làm nước mắm, kỹ thuật trồng lúa, trồng bông, mía đường, thủy lợi, tín ngưỡng (tục thờ Cá Ông) và cả ngôn ngữ. Ngày nay một số địa danh ở Ninh Thuận, Bình Thuận có nguồn gốc từ tiếng Chăm. Ví dụ Phan Rang là Panrang rút ngắn từ Panduranga, Phan Rí là Parik, Phan Thiết là Hamu Lithit, Phố Hài là Pajai…

Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (do Lê Quang Định biên soạn vào đầu triều Nguyễn, bản dịch 2005) thì cho biết: Người Kinh và người Thuận Thành có đắp con đê từ bên bắc sang bên nam dài 130 tầm dẫn nước vào bàu để tưới ruộng. Hay miếu Thần Nông do dân thôn Bình Thủy (nay thuộc Bắc Bình) dựng lên vào năm Kỷ Mùi (1799)… đây là nơi cầu được mùa của người Kinh và người Thuận Thành. Còn học giả Li Tana trong công trình Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 (bản dịch, 1999) cũng nhận xét: Tiến xuống phía Nam, người Việt ở Đàng Trong đã tiếp xúc chặt chẽ với các dân tộc địa phương thuộc các nền văn hóa khác biệt. Đứng đầu trong số các dân tộc này là người Chăm. Các di dân người Việt đã tiếp nhận và thích nghi một cách thoải mái nhiều yếu tố của nền văn hóa Chăm trong một quá trình dài vay mượn có chọn lọc cái mới và loại bỏ cái cũ.

Thay lời kết

Quá trình mở rộng lãnh thổ cũng đồng thời là quá trình hợp tác trong đời sống kinh tế - xã hội, và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc Việt Nam. Đối với Bình Thuận, niên điểm 1693 thật sự là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử - văn hóa của tỉnh. Sự ra đời của trấn Thuận Thành rồi phủ Bình Thuận và sự cộng cư giữa 2 dân tộc Việt – Chăm đã tạo nên sức mạnh tinh thần và vật chất to lớn trong việc phát triển Bình Thuận trong những ngày đầu mở đất.

ĐỖ THÀNH DANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của Bình Thuận
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, năm vừa qua đã linh hoạt chuyển hướng sang hình thức ghi hình và phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận, Đài Phát thanh các huyện và các nền tảng mạng xã hội
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận, vài chuyện thời mở đất