Theo dõi trên

Mua sắm... xanh!

05/12/2024, 05:15

Cuối tuần qua, tôi ghé một cửa hàng thời trang trên đường Trần Hưng Đạo (TP. Phan Thiết) mua sắm. Sau khi lựa được một số quần áo, đồ dùng cần thiết, khi tính tiền, thì nhân viên thông báo cửa hàng không dùng túi nilon, khuyên tôi nên mua túi vải chỉ vài ngàn đồng có thể tái sử dụng hoặc sẽ hỗ trợ đem hàng ra bỏ cốp xe cho khách.

Thay đổi từ việc nhỏ

Tôi liền vui vẻ nhận lời mua túi vải và bỗng nghĩ nếu cửa hàng nào cũng đồng loạt thực hiện như thế, người tiêu dùng sẽ tự ý thức đem theo túi khi mua sắm và giảm được lượng lớn túi nilon thải ra ngoài môi trường. Khi tìm hiểu, tôi mới biết cửa hàng ấy thực hiện “nói không với túi nilon” từ nhiều năm nay. Ban đầu khách hàng phàn nàn nhiều, “tiếc chi 1 cái túi để khách đựng đồ cho lịch sự”. Nhân viên cũng giải thích, nếu cần khách có thể mua túi thân thiện môi trường có bán tại cửa hàng với khả năng tái sử dụng lên tới 1.000 lần, nhằm hạn chế dùng túi nilon, chung tay bảo vệ môi trường từ những việc nho nhỏ này. Riết thành thói quen, lần sau khách đến mua sắm sẽ tự đem theo túi đựng, giống như nhiều địa phương triển khai mô hình phát giỏ nhựa cho chị em phụ nữ đi chợ vậy. Ngoài ra, một số cửa hàng thời trang khác cũng chuyển sang dùng túi giấy thay vì sử dụng túi nilon sử dụng 1 lần.

465283380_1760451751425949_1567711648178244511_n.jpg
Nhiều địa phương triển khai mô hình "không sử dụng túi nylon" dùng 1 lần ở các chợ.

Hiện nay, xu hướng mua sắm trực tiếp cũng đang bị các sàn thương mại điện tử soán ngôi. Nay các bà nội trợ cũng đi chợ online từ ký thịt, mớ rau, ly trà sữa, hộp bún đến các đồ gia dụng… đều được giao đến tận nhà. Không thể phủ nhận sự tiện ích, sự bùng nổ công nghệ số đã giúp cho người tiêu dùng tiết kiệm thời gian đi lại rất nhiều. Tuy nhiên, hệ lụy từ việc mua sắm online là không hề nhỏ khi các gói hàng gửi về đủ các loại túi nilon lớn nhỏ, lớp trong lớp ngoài. Do yêu cầu bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển, các đơn hàng online thường được đóng gói kỹ, nhiều lớp bằng những vật liệu như xốp, nilon, nhựa… để chống hư hỏng hàng hóa, vô tình tạo thành “núi rác” khiến các chuyên gia cũng phải lo ngại.

c0282t01.jpg
Rác thải nhựa đang là vấn đề đang “báo động” ở nhiều quốc gia, không riêng gì Việt Nam. (ảnh: N Lân)

Theo báo cáo tại diễn đàn Chuyển đổi số ngành công thương năm 2024, các chuyên gia công bố số liệu “giật mình”: Năm 2023, thương mại điện tử ở Việt Nam đã sử dụng 332.000 tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171.000 tấn. Tại Hàn Quốc, hoạt động mua sắm trực tuyến tạo ra lượng rác thải bao bì gấp 4,8 lần so với mua sắm truyền thống. Hoạt động này ở Mỹ cũng tốn lượng giấy carton nhiều gấp 7 lần so với việc mua hàng truyền thống. Tại Trung Quốc, năm 2020, đã có hơn 70 tỷ kiện hàng, sử dụng 11 triệu tấn bao bì carton và nhựa, trong đó gần 2 triệu tấn chất thải nhựa…

465572346_1760452564759201_138187388169746729_n.jpg
Tuyên truyền để người mua và bán ở các chợ hạn chế sử dụng túi nilon.

Hệ lụy từ mua sắm online

Số liệu đó cho thấy, rác thải nhựa trong hoạt động thương mại điện tử là vấn đề đang báo động ở nhiều quốc gia, không riêng gì Việt Nam. Điều đáng lo ngại, những loại rác thải này phần lớn được bỏ chung với rác thải thông thường, không được phân loại tại nguồn để tái chế, do đó thời gian phân hủy rất lâu. Khi chôn lấp, các loại rác thải này sẽ phân hủy thành vi nhựa, xâm nhập vào nguồn nước và đất, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Hiện nay, xu hướng mua sắm online sẽ ngày càng phát triển với nhiều sàn thương mại điện tử ra đời, giá cả cạnh tranh, việc làm thế nào để giảm thiểu rác thải nhựa từ các kênh mua sắm này là một thách thức không hề nhỏ. Trong khi các kênh mua sắm trực tiếp đang nỗ lực, từng bước thực hiện nhiều mô hình bảo vệ môi trường xanh. Từ ngày 1/1/2025, Luật Bảo vệ môi trường sẽ có hiệu lực, trong đó có quy định bắt buộc việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Việc phân loại này cần thời gian đủ dài để trở thành thói quen và người dân ý thức sự nguy hại từ việc ô nhiễm rác thải nhựa. Bên cạnh đó, ngành chức năng, các nhà quản lý cũng cần có giải pháp lâu dài, có chế tài hoặc thu phí, đánh thuế đối với các nhà sản xuất bao bì nhựa, các nhà phân phối, các trang bán hàng trực tuyến, các sàn thương mại điện tử để họ tìm cách thay thế vật liệu khác đóng gói hàng thân thiện môi trường, có thể tái sử dụng hoặc dễ phân hủy.

Dự báo việc này sẽ làm gia tăng chi phí và giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa nhưng đó là giải pháp tốt nhất để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh – sạch, nhận thức của người dân dần thay đổi từ việc đơn giản nhất là mua sắm xanh!

SONG NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tạo thói quen phân loại rác tại nguồn
Tôi vừa đọc thông tin chậm nhất là đến cuối năm nay, hộ gia đình và cá nhân phải thực hiện phân loại rác tại nguồn, nếu không sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Chế tài nhằm đảm bảo các cộng đồng dân cư quen với việc phân loại rác tại nguồn và sử dụng bao bì lưu chứa rác đã phân loại.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mua sắm... xanh!