Trước đây, tôi cũng đã có dịp đi tham quan khám phá lòng hồ Đa Mi và hồ Hàm Thuận, nhưng là trên những chiếc xuồng nhỏ gắn máy, đơn sơ và không được an toàn lắm. Sau vụ lật chìm cano tại vùng biển Cửa Đại (Hội An) làm 17 du khách thiệt mạng (26/2/2022), cả nước siết chặt quản lý hoạt động du lịch đường thủy nội địa. Những chiếc xuồng máy nhỏ của dân làm du lịch tự phát, không bảo đảm các điều kiện an toàn tại hồ Hàm Thuận và Đa Mi đã bị kéo lên bờ hoặc cấm hoạt động. Đồng thời trên hồ Hàm Thuận vừa xuất hiện một du thuyền của tư nhân đầu tư khá hiện đại, có 2 tầng, sức chứa 100 người, có quầy bếp, phòng ăn, karaoke phục vụ ẩm thực, giải trí cho khách. Đây là du thuyền đi tiên phong khai thác du lịch vùng hồ này. Anh Minh (chủ thuyền) cười khoe: Tàu của anh đã được Cục Đăng kiểm cấp phép, sắp tới sẽ ra thêm chiếc nữa vì cung không đủ cầu, mấy ngày tết có khi 40 xe du lịch đậu chờ trên bờ, để được lên du thuyền khám phá lòng hồ…
Nhắc đến Bình Thuận, người ta thường chỉ biết đến Mũi Né, với biển xanh cát trắng nắng vàng, mà ít ai biết rằng Bình Thuận còn có tiềm năng lớn về du lịch rừng, núi, hồ, thác đa dạng, độc đáo, gần như chưa khai thác được bao nhiêu. Thậm chí có người còn nói rằng du lịch Bình Thuận mới đi một chân là biển, du lịch mới chỉ phát triển ở những địa phương có biển.
Đó là ông Nguyễn Văn Mỹ (một người con của quê hương Bình Thuận) chủ Công ty Lửa Việt Tour. Ông Mỹ cũng đã dẫn nhiều đoàn khảo sát gồm các doanh nghiệp lữ hành, các nhà báo đến hồ Hàm Thuận - Đa Mi, thác Bà, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, hồ Biển Lạc, thác Ba Tầng, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, suối nước nóng Bưng Thị… để quảng bá và tìm kiếm cơ hội đầu tư khai thác tiềm năng du lịch rừng, núi, thác, hồ ở Bình Thuận, hình thành nên các tour “lên rừng xuống biển” khác biệt.
Đó là những điểm đến tiềm năng để tạo nên những tour du lịch dã ngoại độc đáo, hòa vào thiên nhiên xanh như: cắm trại, chèo thuyền, câu cá, leo núi, vượt thác, đi bộ băng rừng, tham quan vườn cây trái… Hay như Hàm Thuận Nam không chỉ có biển Thuận Quý - Kê Gà - Tiến Thành tuyệt đẹp, mà còn có rừng núi Tà Cú, suối nước nóng Bưng Thị, nếu được đầu tư đúng mức sẽ phát triển thành tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh suối khoáng nóng và dịch vụ spa cao cấp. Nhất là từ 30/4 tới đây khánh thành tuyến cao tốc qua Bình Thuận, rút ngắn thời gian di chuyển của khách từ TP. Hồ Chí Minh đến đây chỉ còn 2 giờ.
Mùa xuân, du thuyền trên hồ Hàm Thuận, để được hít căng lồng ngực cái không khí mát lạnh của vùng cao, để được thả hồn vào trời mây nước, núi đồi, rừng cây bạt ngàn xanh tươi. Chợt nghĩ rằng Bình Thuận mình đa dạng, phong phú tiềm năng, biển một bên rừng núi một bên, sao khách cứ than rằng đến Bình Thuận chỉ biết xuống tắm biển, lên ăn hải sản, rồi về… ngủ?