Theo dõi trên

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp cao kỷ lục trên 53 tỷ USD

13/01/2023, 14:29

BTO-Sáng nay 13/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến đến các điểm cầu 63 địa phương trong cả nước. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng chủ trì tại điểm cầu Bình Thuận.

Năm 2022, ngành nông nghiệp đối diện với 3 biến đổi lớn gồm: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Nhưng trên cơ sở định hướng của Chính phủ, ngành đã đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra và tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Theo báo cáo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại hội nghị, toàn bộ 6/6 chỉ tiêu của ngành được Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch: Tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,36% là mức cao nhất trong nhiều năm gần đây (Chính phủ giao 2,5 - 2,8%); kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD (Chính phủ giao 50 tỷ USD), thặng dư thương mại đạt 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế; tỉ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới 73,06% (Chính phủ giao 73%) và 255 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Chính phủ giao 235 đơn vị); số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đạt 78% (Chính phủ giao 77%); tỉ lệ che phủ của rừng đạt 42,02%. Đặc biệt, năm 2022 đã ghi nhận kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt mức cao kỷ lục trên 53,22 tỷ USD, có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD…

z4035161005787_269994506e046834dd802722683869a0.jpg
Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bình Thuận

Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn... Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), cho hàng nông sản Việt Nam.

z4035160993543_86a3a8e7202a0ee7a373d72326c086f0.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả đạt được của các cấp, các ngành, đặc biệt là của ngành Nông nghiệp và sự quyết tâm vượt khó, đổi mới sáng tạo của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó đã đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước trong năm 2022.

Thủ tướng yêu cầu, trong năm 2023 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và toàn ngành nông nghiệp, nông thôn phải tự tin bản lĩnh, linh hoạt, chủ động rà soát, nắm bắt tình hình, lựa chọn những nhiệm vụ, giải pháp đột phá, trọng tâm để tập trung triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai các nhiệm vụ, công việc trọng tâm.

img5012-1673587364395672616891.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại hội nghị (ảnh: Báo chính phủ)

Cùng với đó, xây dựng thương hiệu, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của sự phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch, đáp ứng nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp. Đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; Nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả.

Ngoài ra, phải đẩy mạnh cải cách hành chính. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, nhất là các quy hoạch ngành quốc gia - phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Có giải pháp cụ thể để kịp thời tháo gỡ các nút thắt về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tín dụng, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh xã hội hóa, phân cấp mạnh mẽ về cho địa phương, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP để góp phần thúc đẩy sản xuất lớn, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển các vùng chuyên canh nông sản hàng hóa chất lượng cao trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng.

Đặc biệt, cần làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các Hiệp định thương mại FTAs, nhất là EVFTA, CTPPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tiếp tục tháo gỡ rào cản để thâm nhập vào các thị trường mới.
Đồng thời coi trọng thị trường nội địa, có chiến lược đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản Việt. Phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững. Giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC để gỡ “Thẻ vàng” trong năm 2023, ngăn chặn và xử lý nghiêm tàu cá khai thác trái phép ở nước ngoài; nghiên cứu, đề xuất trích lập Quỹ phát triển hạ tầng thủy sản để có thể tập hợp, huy động được nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng thủy sản…

M. VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế
BT- Sáng 29/12 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến, tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo tại hội nghị.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp cao kỷ lục trên 53 tỷ USD