Trong 12 con giáp, mèo xếp hàng thứ tư, sau hổ, xét về hình dáng và thức ăn (thịt) có nét tương đồng, nên dân gian gọi nó là tiểu hổ. Nhưng mèo là vật nuôi trong nhà rất hiền lành, thích nũng nịu với con người, nên được trẻ em và phụ nữ yêu thích. Vì thế hình ảnh mèo đã sớm đi vào cảm xúc nghệ thuật của các nghệ sĩ.
Có người hóa thân vào mèo để thể hiện hành động của mình: “Hôm nay trời nắng chang chang/ Mèo con đi học chẳng mang thứ gì” (Phan Thị Vàng Anh). Có người ví nó như hình ảnh người mình yêu thương nhất: “Hôm nay Nga buồn (…)/ Như con mèo ngái ngủ trên tay anh” (Nguyên Sa). Chính cái nết dễ mến đó nên người ta để cho cả một tộc người mang tên Mèo – người Việt gọi dân tộc H’Mông là người Mèo. Người Trung Quốc gọi dân tộc H’Mông là Miêu. Tả nét đẹp hình dáng, thao tác của mèo, Cử Trị từng ca ngợi: “Mấy từng đài các sải chân leo/ Nhảy lẹ chi hơn bằng giống mèo/ Vuốt nanh đã có vàng khoe sắc/ Vằn vện đành không bụi đóng meo”. “Đài các” ở câu đầu không những chỉ nhà gác cao mà còn gợi nghĩ đến những nhà quyền quý. “Đem thân đài các mà nương bóng chiều” (Phan Trần). Cảm hứng về nét đẹp hình ảnh con mèo không chỉ đi vào văn học viết với những cây bút đại thụ như Nguyễn Trãi, Phan Văn Trị mà còn là một đề tài khá phong phú trong cái nhìn của người bình dân với những truyện dân gian, những câu thành ngữ, tục ngữ, những bài ca dao. Nói về công lao bắt chuột của mèo để bảo vệ đồ đạt trong nhà, mùa màng ngoài đồng nương: “Con mèo con mẽo con meo/ Muốn ăn thịt chuột mèo leo xà nhà/ Chờ khi chuột ló đầu ra/ Mèo vồ ngay lấy chuột đà vắng tanh”. Hay mượn mèo để tán dóc khoe khoang cái mình có mà thiên hạ không ai có: “Nhà tôi nuôi một con mèo/ Bữa mô hết thịt nó lên đèo bắt nai”. Nhà thơ trào phúng Tú Mỡ cũng nói về cách biết ứng xử trong sáng đúng mực của mèo: “Trong gia súc, nó xem chừng cao thượng nhất/ Nó chẳng chui luồn, khuất tất một ai/ Ai vuốt ve, nó cũng vuốt ve chơi/ Ai trở mặt nó tức thời trở mặt”… Một số tôn giáo cổ tin rằng mèo là những linh hồn cao quý, người bạn đồng hành, hay người hướng dẫn cho con người.
Nhưng mèo cũng có nhiều điểm để người ta ẩn dụ lấy cái xấu của con người mà gán cho nó. Như chỉ những đối tượng sống buông thả, không đứng đắng, thiếu giáo dục thì nói một cách khinh bỉ, đồ “mèo mã gà đồng”. Hay chỉ hạng người khi thấy của người khác để hớ hênh cái mà mình thích thú thì không thể bỏ qua, chẳng khác chi “mỡ để miệng mèo”. Hay ám chỉ những kẻ tinh ranh quỷ quyệt lâu ngày trở nên khôn ngoan nguy hiểm: “Mèo già hóa cáo”. Nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine (Pháp), mượn lời chuột mẹ răn dạy chuột con thơ ngây nói về tính gian manh, độc ác của mèo với dòng họ nhà chuột: Mèo làm ra vẻ “Lừ đừ coi bộ hiền lành” với chuột con. Chuột con ngây thơ về kể cho mẹ nghe, hình dáng của mèo giống “Y như ta cũng có hai tai” và tìm cách làm quen với hắn. Chuột mẹ nghe nói kinh hoàng: “Chết con ạ, đừng trông ngoài mã/ Bộ hiền lành chính gã miêu nhi/ Xưa nay độc ác gian phi/ Cùng nòi nhà chuột nó thì hại luôn”, là kẻ thù ghê sợ truyền kiếp của nòi giống chuột: “Thằng mèo nọ coi ta như gỏi/ Hại loài mình mòn mỏi đã lâu”… (Nguyễn Văn Vĩnh dịch).
Hình tượng con mèo không riêng của một dân tộc nào, từ xa xưa nó đã là nhân vật huyền thoại, đi vào đời sống văn hóa trên thế giới. Trong thần thoại Ai Cập, thần Bast là nữ thần Mèo, con gái của thần mặt trời Ra, được coi là một trong những vị thần gần gũi với con người nhất. Trái ngược với chị gái Sekhmet là nữ thần chiến tranh, tính tình khát máu, hung bạo, thì nữ thần Bast là hiện thân cho sự vui vẻ, ấm cúng, tình cảm trìu mến(1). Ở Scotland, mèo đen xuất hiện trên hiên nhà là dấu hiệu sự thịnh vượng sắp đến. Nhưng ngược lại, ở Ai-len, Roma, Moldavia… nói gặp mèo đen là xui xẻo, cũng như nhiều nền văn hóa Trung cổ trên thế giới, thỉnh thoảng mèo bị coi là ma quỷ, yêu quái, vì nó thường đi liền với những mụ phù thủy, đặc biệt là những con mèo đen, không đem lại sự may mắn. Ở Nhật Bản có truyền thuyết về Nekomata, là một con mèo mà đã sống đủ lâu có thể trở thành một loại yêu quái, ẩn dụ với sự tàn ác của đàn bà (2).
Dù sao mèo vẫn là đối tượng cảm hứng nghệ thuật thẩm mỹ xưa nay, từ văn học đến hội họa. Ở Việt Nam, tranh Đông Hồ hình ảnh mèo xuất hiện trong đám cưới chuột vô cùng độc đáo. Người ta thường chọn mèo theo màu lông để nuôi nhằm thể hiện sự sang trọng, đem lại điềm lành. Mèo còn được ẩn dụ trong lãnh vực kinh tế chính trị, như tuyên bố nổi tiếng về thuyết thực dụng của lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình: “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là nó bắt được chuột”.
Chuyện mèo còn nhiều lắm, ở đây xin chúc mọi người sang năm Quý Mão – năm con mèo, không mê tín những chuyện hoang đường về mèo, xem mèo là con vật dễ thương. Nhiều nước trên thế giới cũng như nhà nước Việt Nam đã có những bộ luật bảo vệ động vật, trong đó có bảo vệ mèo.(3).
(1) baophapluat.vn: Vì sao thần Bast thường gắn với hình ảnh con mèo kề bên?; (2) truyenxuatichcu.com: Yêu quái mèo Nekomata - Thần thoại Nhật Bản; (3) Bài viết có tham khảo Hình tượng con mèo trong văn hóa – vi.wikipedia.org.