Tỉnh Bình Thuận hiện có 336 cơ sở tín ngưỡng (tín ngưỡng dân gian 313, tín ngưỡng tôn giáo 23) và 8 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận hoạt động, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Baha’i, Hồi giáo Bàni và Bàlamôn giáo với 427.789 tín đồ (chiếm 34,75% dân số), 1.238 chức sắc, 1.628 chức việc và 506 cơ sở tôn giáo. Xác định công tác tôn giáo là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo và đồng bào có đạo tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Điển hình, trong năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam 10/10 huyện, thị xã, thành phố xây dựng văn bản triển khai kế hoạch một số hoạt động tập trung công tác tôn giáo của Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh. Hướng dẫn về nội dung tuyên truyền trong vùng đồng bào có đạo gắn với một số nội dung tuyên truyền thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh, kết quả hoạt động của công tác Mặt trận năm 2021, chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2022 của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các cấp tổ chức tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch của Đảng, Nhà nước…
Cùng với đó, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng kế hoạch và đề ra giải pháp tăng cường nắm bắt và phản ánh tình hình. Nhất là tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ, thăm hỏi, động viên các chức sắc, chức việc, tu sĩ các tôn giáo ở địa phương nhân các ngày lễ trọng của tôn giáo, các sự kiện lớn của tôn giáo. Qua đó, tạo mối quan hệ gắn bó và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương xem xét giải quyết kịp thời những nhu cầu chính đáng, hợp pháp của các tôn giáo. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã thường xuyên chăm lo, xây dựng và phát huy vai trò của những người tiêu biểu trong các tôn giáo, nhất là vai trò của chức sắc, nhà tu hành, chức việc và trí thức tôn giáo. Hiện nay số cốt cán chính trị của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng là 9 vị, trong đó có 6 vị là cốt cán đặc thù; đối với cấp huyện và xã là 2.029 vị, trong đó cốt cán chính trị là người dân tộc có 271 vị, cốt cán chính trị là tôn giáo có 749 vị, cốt cán chính trị khác 1.009 vị. Qua đó, đã vận động tín đồ thực hiện tốt các phong trào ở địa phương như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ”; các mô hình “Khu dân cư phòng chống tội phạm”, “Khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông”; “Khu dân cư bảo vệ môi trường”, “Bảo đảm an ninh trật tự trong các họ đạo Công giáo”… Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp tốt với các ban từ thiện, cơ sở thờ tự các tôn giáo trong tỉnh làm tốt công tác từ thiện, hỗ trợ đồng bào nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, vui đón tết đầm ấm với nhiều phần quà có tổng trị giá 2 tỷ đồng.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tôn giáo trong thời gian tới, Mặt trận tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong công tác tôn giáo đến toàn thể cán bộ trong hệ thống Mặt trận nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đối với công tác tôn giáo. Cùng với đó, tăng cường vận động các tôn giáo tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tăng cường tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tiếp xúc, đối thoại, phát huy vai trò người có uy tín, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các tôn giáo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong vùng đồng bào có đạo…