Theo dõi trên

Nâng cao nhận thức và tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước

29/05/2023, 09:24

Bình Thuận là tỉnh nằm trong vùng khô hạn của cả nước. Những năm qua công tác đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và an toàn đập, hồ chứa nước luôn được các cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành chức năng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Phát huy vai trò giám sát của người dân, cộng đồng

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Bình Thuận, thời gian qua việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm chất lượng nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời. Hệ thống kết cấu hạ tầng ngành nước từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Công tác kiểm tra các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước, xả nước thải vào nguồn nước, chấp hành pháp luật về tài nguyên nước, thủy lợi, phòng chống thiên tai được chú trọng thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn nhiều hạn chế. Công tác quản trị nguồn nước còn yếu, chưa hiệu quả, ý thức, trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao. Tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải của một số cơ sở sản xuất, nước thải sinh hoạt trong các khu dân cư, khai thác giếng khoan quá mức, làm xâm nhập mặn, suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước còn xảy ra ở nhiều nơi. Một số công trình thủy lợi xuống cấp chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, gây nguy cơ mất an toàn đập, hồ chứa nước trong quá trình sử dụng, nhất là mùa mưa bão…

Hồ chứa nước Sông Dinh 3 (Hàm Tân)

Do đó, Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) thực hiện Kết luận số 36 -KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh, giải pháp chủ yếu là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội dung này. Phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài… Nâng cao và phát huy vai trò giám sát của người dân, cộng đồng, vận động nhân dân quản lý, chủ động tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về xả thải vào môi trường, nguồn nước.

Nguy cơ hạn hán vào mùa khô

Đáp ứng yêu cầu sử dụng nước

Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Chủ động tích trữ nước, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền nội dung Kết luận số 36 – KL/TW và Chương trình hành động này đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương…

Thực hiện Chương trình hành động này, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 46 – CTr/TU ngày 26/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) về thực hiện Kết luận số 36 – KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về tính chất, tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, góp phần phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 phấn đấu có 95% hộ gia đình ở thành thị và 60% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Đồng thời giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất; cơ bản sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng chống lũ theo thiết kế. Mục tiêu đến năm 2030, cân đối đủ nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn. Hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ theo kế hoạch, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, nhằm tiết kiệm nước, giảm thất thoát, lãng phí, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa.

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Quy định tách thửa ở nông thôn: Cập nhật biến động lên thửa đất
Qua góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này, nhiều ý kiến của lãnh đạo UBND cấp huyện, sở ngành chức năng quan tâm đến quyền của người sử dụng đất khi tách thửa đất thổ cư, đất nông nghiệp ở khu vực nông thôn đời sống còn khó khăn, để con cái của người nông dân khi lập gia đình có điều kiện xây nhà ở.
Nổi bật
Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Chiến thắng vĩ đại của dân tộc anh hùng
70 năm trước, ngày 7/5/1954, khi ngọn cờ Tổ quốc tung bay trên nóc hầm Đờ Cát Tơ ri, kết thúc 56 ngày đêm chiến đấu oanh liệt của quân dân ta, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta… đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam như một chiến thắng vĩ đại của một dân tộc anh hùng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao nhận thức và tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước