Nét văn hóa trên từng sản phẩm
Tiết trời lập xuân mang theo cơn gió dịu nhẹ, trong căn phòng khách nhỏ thoang thoảng mùi trầm, chúng tôi có dịp ngồi cùng nhà sưu tầm Nguyễn Văn May (khu phố 14, phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết) để nghe câu chuyện về những món cổ vật. Ở cái tuổi 70, đôi chân không còn khỏe để lội rừng, băng suối, nhưng niềm đam mê và tình yêu dành cho mỗi món đồ cổ thì hẳn còn mới lắm. Sự trân trọng, nâng niu thể hiện qua việc bố trí, sắp xếp ngay ngắn, tinh tươm trong mỗi ngăn tủ kính theo từng giai đoạn thời gian và nền văn hóa. Từ những chiếc bát hàng trăm năm tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam đến chiếc bình với hoa văn tùng trúc mai, phong cảnh, chuỗi hoa dây thời nhà Thanh (thế kỷ XVIII), nhưng chiếm số lượng lớn trong bộ sưu tập hơn 1.000 cổ vật của ông vẫn là sản phẩm gốm Sa huỳnh, Chăm và dòng gốm Khmer Nam bộ.
Cẩn trọng lấy những chiếc bình cổ còn nguyên vẹn, ông May giải thích, bố cục trên các tác phẩm gốm của người Chăm xưa kia thể hiện phóng khoáng, tối giản, có hình sóng nước, hình tam giác, tứ giác, hình vuông hay tròn, hình trăng khuyết, hình xoắn... Hoa văn thường trang trí ở vai gốm, hoặc tạo đường viền ở vai và gần đáy gốm, hiếm khi họ trang trí toàn thân gốm. Qua những di vật thấy rằng người Chăm cổ có nền kinh tế đa thành phần, một xã hội rất phát triển và có tính hướng biển. Ngoài ra từ những hiện vật, mảnh vỡ thu được trong những lần điền dã ở khu vực Lâm Đồng, xã Hàm Minh, Hàm Cường (Hàm Thuận Nam), Hàm Đức (Hàm Thuận Bắc) và động cát ven biển Bình Thuận, ông phát hiện có sự giao thoa giữa văn hóa Kinh với Chăm hay Chăm – Chơro, Raglai trên các vật dụng sinh hoạt trong gia đình, đồ trang sức, tẩu thuốc, lục lạc, còng.
Những chiếc bình, chén, đĩa, ấm, liễn với nước men màu nâu, xanh lam… cũng cho thấy sự kết tinh trí tuệ, sáng tạo của người thợ thủ công thời xa xưa, chỉ với công cụ lao động thô sơ đã làm ra các món đồ có thể nói là tuyệt bích. Đây là cứ liệu lịch sử trung thực, khách quan nhất phản ánh đời sống, nhân sinh quan xã hội của mỗi thời kỳ, từng triều đại và mang sắc thái riêng văn hóa Việt mà không thể trộn lẫn với bất cứ một quốc gia gốm sứ đương thời nào.
Truyền giữ
Vốn là giáo viên dạy lịch sử tại một trường THCS ở Tánh Linh, vào cuối tuần, thầy giáo Nguyễn Văn May lại xuống thôn hàn huyên cùng các vị già làng, chức sắc. Trong những câu chuyện kể và một vài món quà được tặng, dần dà thầy May bị nền văn hóa Chăm cuốn hút, càng muốn tìm hiểu, rồi như có duyên nợ với công việc sưu tầm cổ vật. Dịp nghỉ hè, thầy khăn gói vài tuần đến các vùng núi ở Tây nguyên và một số di chỉ trong tỉnh để tìm kiếm, nghiên cứu. Không ít chuyến rong ruổi phải về tay không, nhưng rồi mỗi lần ngắm nhìn, thậm chí cầm được các mảnh gốm cổ đã bị sứt mẻ, vụn nát lại có một sự thôi thúc, lại muốn khám phá, tìm giữ bằng được nét văn hóa cổ xưa.
Để có được từng cái bát, cái đĩa, bức tượng, chiếc lọ, chum, hũ… mang dấu tích thời gian, hơn 30 năm nay ông phải chắt chiu từng đồng tiền lương, làm thêm, có khi phải vay mượn bạn bè mang về phục dựng, lưu trữ. Nhiều khi mắc kẹt trong sự thiếu thốn, nhưng tuyệt nhiên ông không mảy may rao bán. “Mỗi món đồ như một đứa con tinh thần mà tôi ý thức mình đang được truyền nhân giao lại phải có trách nhiệm giữ gìn. Cùng với nhà sưu tầm Nguyễn Ngọc Ẩn (phường Mũi Né), chúng tôi luôn đau đáu sẽ tổ chức những buổi trưng bày, giới thiệu, nói chuyện về cổ vật. Cũng như ra mắt Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam tỉnh Bình Thuận, nhằm tuyên truyền người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về giá trị cổ vật và di sản văn hóa vật thể. Đồng thời phối hợp với địa phương thực hiện các chương trình giám định, phân loại hiện vật, vận động các nhà sưu tầm, người dân hiến tặng cổ vật có giá trị cho bảo tàng…”, ông May chia sẻ.
Từ ký ức vàng son một thuở, cái hồn cốt con người Việt Nam giản dị, ấm áp, mộc mạc qua năm tháng như “sống” lại trong thời hiện đại qua hình hài từng món cổ vật. Và những người như ông giáo già Nguyễn Văn May đang làm sứ mệnh kết nối quá khứ, hiện tại, tương lai để hậu thế thêm thấu hiểu, trân quý, giữ gìn.
“Nhà sưu tầm Nguyễn Văn May đã hiến tặng hơn 600 hiện vật về văn hóa Chăm cho Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Đây đều là những cổ vật quý rất có giá trị, góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu lịch sử, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống”, ông Uông Trung Hòa - Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh chia sẻ.