Theo dõi trên

Quyết tâm xây dựng Bình Thuận phát triển toàn diện và bền vững

17/01/2022, 15:49

BX- Một mùa xuân mới với nhiều cơ hội mới, với khát vọng và quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Tòa soạn trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn đồng chí Dương Văn An - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

bi-thu-1.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An (đứng bên trái) kiểm tra tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại thị xã La Gi. Ảnh: Đ.Hòa

Thưa đồng chí, qua 1 năm có rất nhiều biến động do dịch Covid-19 gây ra, Bình Thuận cũng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Đồng chí đánh giá như thế nào về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận trong năm qua?

Đồng chí Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy: Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 vào cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng nặng nề đến việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng. Là tỉnh cửa ngõ kết nối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực có số ca nhiễm cao nhất nước nên nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh đối với tỉnh Bình Thuận rất cao, làm gia tăng thêm áp lực phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Kết thúc năm 2021, toàn tỉnh ghi nhận hơn 25.600 ca mắc Covid-19 và hơn 280 ca tử vong; dù có trên 21.000 người đã điều trị khỏi và xuất viện nhưng vẫn còn hơn 4.200 ca đang điều trị. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến đời sống, việc làm của nhân dân, đến thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh; nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc tạm dừng hoạt động…

Trong khó khăn đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực cố gắng, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt những kết quả tương đối tốt. Mặc dù, tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) chỉ đạt 2,77% nhưng tổng thu ngân sách nhà nước đạt 13.373 tỷ đồng, vượt 60,7% so với dự toán năm, trong đó thu nội địa (trừ dầu) là 10.050 tỷ đồng, vượt 66,9% dự toán năm, nhờ hiệu ứng lan tỏa của năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển với giá trị sản xuất tăng 6,14%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 21,8%, thu hút vốn đầu tư phát triển tăng 8,6% so với năm 2020… Các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo tiến độ thi công và tiến độ giải ngân cao dù có những thời điểm rất khó khăn do dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào cộng đồng, lưu thông nguyên vật liệu tắt nghẽn.

Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh được thực hiện đầy đủ, kịp thời. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững… Những kết quả trên có ý nghĩa quan trọng, là nền tảng, là động lực để Bình Thuận phục hồi kinh tế và phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2022 và những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.      

bi-thu.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An (đứng bên phải), kiểm tra dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: N. Lân

Trong năm 2022, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức về phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Bình Thuận sẽ phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy: Dự báo năm 2022, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng Delta, chưa có đánh giá chính thức về độc lực và khả năng kháng vắc xin của biến chủng này, đồng thời không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục bám sát mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội và Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Theo đó, tỉnh sẽ tập trung thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển 3 trụ cột: Công nghiệp, nông nghiệp, du lịch; lấy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn làm trọng tâm. Quyết tâm tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng… theo đúng quy định của pháp luật, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, không để lỡ nhịp trong xu hướng phục hồi kinh tế của cả nước, nhất là lĩnh vực du lịch và công nghiệp.

Song song đó, Tỉnh ủy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, cụ thể hóa các Nghị quyết về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao; về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025; về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xem đây là nền tảng tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Đồng thời, với phương châm lấy đầu tư công để dẫn dắt, kích hoạt đầu tư, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư các công trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực lan tỏa phát triển trên địa bàn, như đường ĐT719B, đường Hàm Kiệm - Tiến Thành, Hòn Lan - Tân Hải, hồ chứa nước Ka Pét, đường liên huyện dọc theo các tuyến kênh qua các huyện Hàm Thuận Bắc – Bắc Bình – Tuy Phong, các công trình đường giao thông ở các địa phương và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm, thành phố Phan Thiết), dự án cầu Văn Thánh… Bên cạnh đó, hỗ trợ các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công sân bay Phan Thiết, đường cao tốc Bắc – Nam phía đông, đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây. Việc triển khai, thi công, giải ngân các dự án đúng tiến độ sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện bền vững năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa là tiếp tục cải cách hành chính, phát huy hơn nữa trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ để tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, quyết tâm cải thiện các Chỉ số PCI, Par Index, PAPI, SIPAS theo Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 7/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ; bố trí, phân công cán bộ phù hợp, nhằm phát huy tốt nhất năng lực, sở trường của đội ngũ cán bộ, đảm bảo tính kế thừa, phát triển. Mặt khác, tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, quan tâm hỗ trợ, chăm lo tốt hơn cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong xã hội, nhất là những người nghèo bị ảnh hưởng, tác động bởi thiên tai, dịch Covid-19, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững... Chúng ta sẽ tận dụng tốt thời cơ, tiềm năng, lợi thế sớm phục hồi kinh tế để xây dựng Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững.

cao-toc.jpg
Đang thi công dự án đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây.

Một mùa xuân mới đã về với nhiều cơ hội mới, với khát vọng và quyết tâm xây dựng tỉnh Bình Thuận phát triển toàn diện và bền vững, đồng chí có thông điệp gì gửi tới cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân Bình Thuận?

Đồng chí Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy: Trước hết, để biến cơ hội thành hiện thực, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và tất cả mọi người phải thực sự nỗ lực, thực sự quyết tâm, phát huy sáng tạo không ngừng. Tôi mong muốn rằng, chúng ta đã quyết tâm rồi, phải quyết tâm hơn; đã sáng tạo rồi, phải sáng tạo hơn, không tự bằng lòng với những gì đã đạt được. Bên cạnh tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân thì đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành, các địa phương cần nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa. Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và doanh nghiệp trong bối cảnh phải chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Mỗi cán bộ, đảng viên phải trong sáng, xứng đáng với niềm tin của nhân dân, làm thế nào để nhân dân tin tưởng, nhân dân yêu quý.

Bên cạnh đó, tôi mong rằng đội ngũ cán bộ tỉnh nhà phải gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Phải biết nói cái đúng, thấy cái đúng phải bảo vệ, thấy cái sai phải đấu tranh, phải nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật để tham mưu, giải trình, phải đổi mới, sáng tạo, phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của tỉnh, của nhân dân, của tập thể lên trên. Đồng thời với đó, tổ chức Mặt trận, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân tiếp tục tích cực tham gia giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, nhất là góp phần kịp thời ngăn chặn các hành vi, biểu hiện có thể dẫn đến suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên.

Nhân dịp năm mới 2022 và xuân Nhâm Dần đã đến, thay mặt Tỉnh ủy, tôi gửi tới toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc tỉnh lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công, an khang, thịnh vượng, tiếp tục phát huy những thành tựu, kinh nghiệm đã đạt được, đồng sức đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đưa Bình Thuận thân yêu của chúng ta ngày càng phát triển, vững bước đi lên mạnh mẽ hơn nữa.

Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

KHÔI NGUYÊN (THỰC HIỆN)

Bài liên quan
Tạo cơ hội mới để phục hồi kinh tế - xã hội
BT- Năm 2021, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các ngành, địa phương đã phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó mục tiêu ưu tiên trên hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Bộ Chính trị xác định, việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyết tâm xây dựng Bình Thuận phát triển toàn diện và bền vững