Theo dõi trên

Ngắm mai vàng – nhớ Bác

17/01/2022, 15:42

BX- Cận tết hoặc sau Tết Nguyên đán cổ truyền chúng tôi đến thăm Khu di tích lịch sử Trường Dục Thanh, ngôi trường do các sĩ phu yêu nước sáng lập năm 1907. Nơi đây, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã dừng chân dạy học một thời gian trước khi vào Sài Gòn xuất dương tìm đường cứu nước.

bac-ho.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh (phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngày 30 Tết Đinh Dậu năm 1957. Ảnh tư liệu.

Trường Dục Thanh - Dục Thanh Học Hiệu trải qua 115 năm tuổi lưu lại dấu tích Bác Hồ làm nhà giáo truyền lửa tinh thần yêu nước cho thanh thiếu niên. Khuôn viên Trường Dục Thanh có cây mai vàng nở rộ lúc xuân về tết đến. Hoa mai vùng cực Nam Trung bộ sắc vàng rực rỡ chen mầm non của lá càng tôn thêm vẻ đẹp mùa xuân, sức sống của cây, của hoa, sức trẻ đất nước và dân tộc. Ngắm mai vàng - sắc xuân phương Nam, khi thuận lợi và cả lúc khó khăn lòng ta càng thêm bồi hồi nhớ Bác.

Tết Đinh Dậu năm 1957, Bác Hồ thân hành về xã Tiến Bộ, huyện Gia Lâm bên kia cầu Long Biên kiểm tra thực tế xem nông dân vùng ngoại thành chuẩn bị đón tết ra sao. Vào thăm một số gia đình, Bác ra vườn, xuống bếp hỏi chuyện, xong mới vào nhà xem các thứ hàng tết mới mua về, có nhà đã bày biện bàn thờ tổ tiên. Bác vui khi thấy nhà nào cũng có thịt lợn, bánh chưng và ít nhiều hàng tết. Tuy nhiên, Bác Hồ biết xã Tiến Bộ được tiếng ở ngoại thành, nhưng gần trung tâm Hà Nội, đời sống người dân nơi đây có khá hơn nơi khác. Hơn nữa điểm thăm do lãnh đạo thành phố chuẩn bị, liệu có kịch bản sắp xếp trước không?

Sáng 29 tháng chạp năm đó, Bác Hồ cải trang giống như cụ già nhà quê ra tỉnh, lững thững đi vào chợ Đồng Xuân, Hà Nội xem cảnh tấp nập người mua kẻ bán chuẩn bị đón tết. Đến trước một gian hàng mậu dịch quốc doanh, trên các ngăn bày biện đủ các loại hoa quả, Bác Hồ nói với cô mậu dịch viên, đề nghị bán cho già một quả cam tươi.

“Cửa hàng mậu dịch không bán lẻ, ai mua ít nhất từ một ký trở lên mới bán” - cô bán hàng nguây nguẩy đáp. Nghe vậy, Bác Hồ không nói gì. Trở về Phủ Chủ tịch, Bác gọi điện thoại thẳng tới Bộ trưởng Nội Thương. Bác hỏi Bộ trưởng: “Nhà tôi nghèo, tết đến tôi muốn có một trái cam bày lên mâm ngũ quả thờ cúng tổ tiên, cửa hàng mậu dịch không bán, vậy tôi mua ở đâu?”. Bác yêu cầu Bộ trưởng đi kiểm tra ngay và cho chấn chỉnh việc bán hàng tết để nhà nghèo, ai cũng có tết. Bác dặn, chấn chỉnh xong báo cáo về Phủ Chủ tịch để Bác biết.

Câu chuyện “Bác Hồ đi chợ tết” trên đây đăng trên Báo Nhân Dân dịp tết năm 1957.

* * *

Năm 2021 cả thế giới, trong đó có Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, khó khăn bộn bề bởi sự tàn phá của đại dịch Covid-19. Dịch bùng phát đợt thứ 4 ở Việt Nam, đến cuối tháng 10/2021 mới cơ bản được kiểm soát. Bình Thuận và cả nước bước vào giai đoạn bình thường mới thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, khôi phục và phát triển kinh tế.

Tại Bình Thuận, trong khó khăn vẫn có nhiều điểm sáng. Thu ngân sách ước đạt hơn 11 ngàn tỷ đồng, vượt kế hoạch; 12/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch; 11/16 sản phẩm sản xuất công nghiệp chủ yếu đều tăng, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Nhiều ngành kinh tế chủ lực kết quả khả quan, khẳng định ý chí, nghị lực, quyết tâm chung của toàn tỉnh. Tuy nhiên, dịch bệnh gây nhiều thiệt hại không nhỏ, nhất là ngành du lịch, dịch vụ; tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật giao thông, dự án sân bay Phan Thiết… chưa đáp ứng yêu cầu; dịch bệnh làm ảnh hưởng lớn đến ngành giáo dục, làm gián đoạn một số hoạt động văn hóa xã hội.

Năm 2022, dịch Covid-19 dù đã được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, tác động đến hoạt động kinh tế - xã hội, cuộc sống người dân. Bình Thuận đặt ra những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ vừa thích ứng an toàn phòng chống dịch linh hoạt, hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế theo tinh thần đổi mới, tăng tốc. Xử lý kịp thời, dứt điểm vướng mắc để thực hiện hiệu quả 9 dự án trọng điểm, giữ vững và vượt mức tăng trưởng; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; thúc đẩy nhanh việc hoàn thành các tuyến đường cao tốc huyết mạch đi qua địa bàn, theo tinh thần Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Đối mặt với khó khăn, Bình Thuận càng chung sức đồng lòng, hướng đến mục tiêu “Một Bình Thuận giàu đẹp, phát triển”. Đoàn kết, ý chí cao, hành động mạnh mẽ, đồng lòng “kết nối vùng” đã và đang là bài học sống động tạo nên sức mạnh to lớn cho Bình Thuận, toàn vùng và cả nước. Đó cũng là điều mà lúc sinh thời Bác Hồ kính yêu luôn nhắc nhở. Hình ảnh ngôi Trường Dục Thanh Học Hiệu trên quê hương Bình Thuận, tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ luôn luôn tỏa sáng, có sức lan tỏa rộng lớn, tạo thêm sức mạnh, động lực tinh thần để chiến thắng dịch bệnh, đẩy lùi nghèo nàn lạc hậu.

Chuyện Bác Hồ đi chợ mua một quả cam về bày cỗ tết, dù đã 65 năm đến nay vẫn thấm đậm hơi thở cuộc sống, mang tính thời sự sâu sắc. Trước thềm năm mới 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thêm một lần nữa khẳng định tinh thần đoàn kết, nhắc nhở việc kiên trì học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phục vụ nhân dân vô điều kiện. Học tập tấm gương của Bác để làm tốt hơn nữa, chăm lo hơn nữa công việc xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, mãi mãi xứng đáng là một Đảng cách mạng của Hồ Chí Minh - kiên định, hết lòng vì đất nước, vì nhân dân.

Tết đến xuân về, mai vàng - đào thắm nở rộ, tươi thắm trên mọi miền Tổ quốc. Ngắm mai vàng nhớ Bác. Sức sống vĩ đại của đất nước Đại Việt dưới ngọn cờ quang vinh của Bác Hồ kính yêu, của Đảng quang vinh tựa sức sống mùa xuân ngời sáng, bất diệt.

QUỐC TOÀN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tháng 5 nhớ Bác với những câu chuyện và việc làm ý nghĩa
BTO- “Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam...”, đó là những lời ca trong bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la” của cố nhạc sĩ Thuận Yến. Lời ca ấy như thay lời muốn nói cho hàng triệu trái tim của bao thế hệ người Việt Nam đối với Người cha già của dân tộc, nhất là mỗi tháng 5 về.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngắm mai vàng – nhớ Bác