Theo dõi trên

Ngành vận tải thêm khó khăn

18/02/2022, 06:10

Mấy hôm nay các nhà xe khá rôm rả khi bàn chuyện Quốc hội thông qua gói hỗ trợ 35.000 tỷ đồng để phục hồi kinh tế, trong đó có một phần dành hỗ trợ lãi suất ngân hàng 2%/năm trong 2 năm 2022 và 2023. Hầu hết các nhà xe đều vui ra mặt khi sắp được hỗ trợ lãi suất vì gần như 100% nhà xe đều vay vốn ngân hàng để đầu tư.

2 năm nay, giữa cơn đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nhiều ngành nghề thì ngành vận tải đứng trong top đầu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bước vào giai đoạn “bình thường mới”, các nhà vận tải hành khách bắt đầu khởi động lại nhưng vẫn chưa có nhiều hành khách đi lại do tâm lý e ngại lây dịch. Mặt khác, trước đó đã có nhiều cuộc di chuyển về quê ồ ạt do các công ty ngưng hoạt động.

dsc_5773.jpg
Bến xe Bắc Phan Thiết. Ảnh: Đ.Hòa

Cho đến đầu tháng 2/2022, sau Tết Nguyên đán, các nhà xe mới có được lượng khách tương đối ổn định nhưng cũng chỉ đạt khoảng 60 – 70% công suất. Dù chưa có lãi nhiều nhưng đó là tín hiệu vui vì ngành vận tải hành khách đã khởi động tốt. Tuy nhiên, những ngày gần đây giá xăng dầu thế giới liên tục biến động theo chiều hướng tăng khiến giá xăng dầu trong nước tăng theo một cách chóng mặt. Ở Bình Thuận giá xăng bán lẻ E5 RON92 có ngày nằm mức gần 25.000 đồng/lít, xăng RON95 trên 25.500 đồng/lít, dầu diesel gần 20.000 đồng/lít và dầu mazut gần 18.000 đồng/kg. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, mức giá xăng dầu tăng đợt này là cao nhất trong 8 năm trở lại đây.

Giá xăng dầu tăng đồng nghĩa với chi phí cho vận hành ngành vận tải tăng trong khi giá vận tải hàng hóa và hành khách gần như giữ nguyên, riêng vận tải hành khách sau đợt Tết Nguyên đán có đông khách được chục ngày thì hiện nay lượng khách đi xe chỉ đạt 50% số ghế/chuyến xe, xe dịch vụ chạy hợp đồng cũng không khá hơn, khiến nhiều nhà xe gặp thêm khó khăn.

Anh Thạch Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch lữ hành quốc tế cho biết: 2 năm nay dàn xe công ty “trùm mền”, khi tỉnh có chủ trương cho hoạt động trở lại thì phải tốn khá nhiều chi phí tái đầu tư như mua bảo hiểm, làm biển số vàng theo quy định mới, lắp camera 2 mắt, đóng phí bảo trì đường bộ… dàn xe của anh chỉ mới hoạt động từ dịp Tết Nguyên đán đến nay nhưng khách vẫn chưa đều như những năm trước chưa có dịch nên cũng chưa thu hồi được khoản tái đầu tư. Giờ xăng dầu lại tăng giá vùn vụt nên khó khăn rất nhiều…

Không chỉ anh Tuấn mà nhiều nhà xe đang “đau đầu” vì bài toán xăng dầu tăng giá, khách hàng còn ít và giá vận chuyển không thể tăng, do phải giữ thương hiệu và trong thời gian tìm lại khách hàng. Vì vậy nhiều nhà xe đều có chung nhận định: Ngành vận tải mới bước vào giai đoạn đầu phục hồi, Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ để phục hồi kinh tế. Các nhà xe làm nghề vận tải dù đang gặp khó khăn nhưng đã xoay xở để tái đầu tư. Vì vậy kiến nghị Trung ương cần có biện pháp bình ổn giá xăng dầu để ngành vận tải vận hành tốt hơn…

Ông Dương Đức Ý – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Bình Thuận: Hộ kinh doanh, doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn khi xăng, dầu tăng giá. Một mặt do đỉnh điểm dịch bệnh vừa rồi. Mặt khác ở Bình Thuận chưa có quỹ bảo trợ cho vay có lãi suất ưu đãi với các HTX vận tải nên vấn đề hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vận tải chưa có. Kiến nghị UBND tỉnh xem xét quan tâm tạo điều kiện cho hiệp hội xây dựng quỹ bảo trợ để doanh nghiệp vận tải hoạt động tốt hơn…

TRẦN THI


(0) Bình luận
Bài liên quan
Giá xăng, dầu “leo thang” - ngư dân gặp khó
Chiếm hơn 50% chi phí cho chuyến biển, do đó thông tin xăng, dầu tăng giá, lập đỉnh mới sau 8 năm ngay từ những ngày đầu năm mới khiến ngư dân vô cùng lo lắng, tính toán cho mỗi chuyến vươn khơi.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành vận tải thêm khó khăn