Chính phủ kêu gọi “ai ở đâu ở yên đó”, người dân phải ở trong nhà, không thể đổ ra đường mừng Quốc khánh, đường phố vắng vẻ; các sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể thao mừng Quốc khánh bị cắt giảm tối đa; các điểm du lịch trên cả nước và ở Bình Thuận đóng cửa hoàn toàn; Hàng triệu con dân nước Việt không thể trở về sum họp gia đình trong ngày Tết Độc lập; Hàng triệu thầy trò cả nước mơ ước được nghe một hồi trống khai trường rộn ràng… Ngày Tết Độc lập năm ngoái, hàng vạn người xung phong ra tuyến đầu hỗ trợ đồng bào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch. Triệu triệu trái tim Việt thổn thức vì đau thương mất mát, nhưng đùm bọc, sẻ chia, kết nối với nhau làm một. Cuộc chiến chống Covid-19 là minh chứng hùng hồn của tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào, tình quân dân, truyền thống tương thân tương ái đặc biệt của dân tộc Việt Nam.
Ngày Tết Độc lập năm nay, ngày Quốc khánh thứ 77 của đất nước đến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, cuộc sống của người dân đã trở lại bình thường, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh; kinh tế lấy lại đà tăng trưởng; du lịch khởi sắc; các em học sinh rộn ràng áo mới bước vào năm học mới; đường phố rực rỡ cờ hoa chào mừng Quốc khánh; người dân nô nức đi nghỉ lễ sau thời gian dài bị hạn chế đi lại vì dịch bệnh.
Người dân Bình Thuận rộn ràng đón Tết Độc lập thứ 77 của đất nước, cùng với sự kiện kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh. Chúng ta cảm nhận được khát vọng vươn lên mạnh mẽ của vùng đất cực Nam Trung bộ “khó, khô, khổ” này, như lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong lễ kỷ niệm, để trở thành một vùng đất “đi xa thì nhớ, chưa đến thì muốn đến, mà đến rồi thì muốn đến mãi”.