Theo dõi trên

Nghề làm hòn non bộ - “nở rộ” dịp tết

03/01/2024, 09:01

Khi đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, thì thú chơi hòn non bộ cũng ngày một “nở rộ”, nhất là vào những dịp tết đến xuân về. Nắm bắt được điều đó, thời điểm này, anh Nguyễn Văn Dương ở thôn Bình An 2, xã Tân Bình, thị xã La Gi đang hối hả làm ra những hòn non bộ thật đẹp mắt để phục vụ nhu cầu của thị trường tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Nghề làm hòn non bộ (hay còn gọi là nghề giả sơn) là nghệ thuật thiết kế, thi công, xây dựng, sắp đặt, đưa những “ngọn núi” ngoài tự nhiên vào vườn cảnh của những khu du lịch hay không gian sống ngay tại sân vườn của các ngôi nhà với mục đích giúp cho người ngắm được thưởng ngoạn cái đẹp và có những phút giây thư giãn tinh thần sau những ngày làm việc mệt nhọc… Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để hoàn thành được một tác phẩm như vậy thì đòi hỏi không ít công sức từ đôi bàn tay của những người thợ làm ra nó.

Không những đòi hỏi ở người làm sức khoẻ dẻo dai, nghề làm hòn non bộ còn đòi hỏi ở người thợ sự khéo léo, tỉ mỉ, sáng tạo và khiếu thẫm mỹ cao. Muốn làm được một hòn non bộ, khâu đầu tiên là chọn đá. Đá phải là những loại đá xốp, dễ hút nước từ trong bồn lên để nuôi cây. Loại đá được chọn thường phải có hình dạng giống một ngọn núi hay một hòn đảo nào đó, hoặc có hình thù tạo cảm giác giống những con vật tứ linh như: Long, lân, quy, phụng… Tùy theo từng gu thẫm mỹ của người làm và người yêu cầu của khách hàng mà người thợ thi công sẽ chọn các mẫu đá thích hợp. Riêng đối với anh Nguyễn Văn Dương, thì anh chọn loại đá trắng được mua tại tỉnh Phú Yên để làm nên “những tác phẩm” hòn non bộ của mình. Những khối đá sau khi mua về sẽ được phơi khô, sau đó xẻ thành từng miếng, kết hợp với xi-măng và cát để ghép thành cốt.

Anh Dương chọn đá trắng được mua ở Phú yên để làm nên “những tác phẩm” hòn non bộ của mình

Anh Dương chia sẻ: “Khó khăn nhất khi làm một tác phẩm hòn non bộ là công đoạn đục đá, cần phải có bàn tay khéo léo để tạo được những khớp nối giữa những miếng đá, người làm phải vừa đục vừa tưởng tượng về kiểu dáng tác phẩm của mình như thế nào, sau đó ghép lại với nhau, cốt làm sao tạo nên những “ngọn giả sơn” hài hoà nhất, đẹp mắt nhất.

Hòn non bộ được thiết kế công phu, độc đáo sẽ là một trong những “điểm nhấn” đặc biệt của một số khu du lịch, nhà hàng, quán cà phê… hay khuôn viên những căn nhà có sân vườn rộng rãi vì nó mang tính thẫm mỹ cao, tạo không gian thoáng đãng… Đặc biệt, khi điều kiện kinh tế ngày một đi lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu làm đẹp không gian sống cũng tăng thêm từng ngày. Chính vì thế, năm nào vào dịp tết thì anh Dương cũng bán được rất nhiều “tác phẩm” hòn non bộ.

Những “tác phẩm” hòn non bộ của anh Dương sau khi hoàn thiện sẽ được đặt ngay tại trước sân nhà của anh để khách hàng dễ lựa chọn

Vừa ngồi làm hòn non bộ, anh Dương phấn khởi chia sẻ với chúng tôi: “Năm nào cũng vậy, vào dịp này, tôi cũng cố gắng làm ra thật nhiều mẫu hòn non bộ để bán, tuỳ theo kích thước lớn nhỏ của mỗi mẫu, mà trung bình từ 2 đến 5 ngày tôi hoàn thành một “tác phẩm”, sau khi những “tác phẩm” này hoàn thành, tôi sẽ đặt ngay chúng trước sân nhà để khách hàng có thể lựa chọn những mẫu thiết kế mà họ yêu thích, tuỳ kích thước lớn nhỏ và độ phức tạp khác nhau mà giá của chúng cũng khác nhau, hiện nay cái nhỏ nhất có giá khoảng 2 triệu đồng và cái lớn nhất là 25 triệu đồng, có những tác phẩm tôi vừa làm xong đã được khách hàng đến mua ngay, vào dịp cao điểm này, trung bình mỗi ngày, gia đình chúng tôi bán được từ 1 đến 2 “tác phẩm” hòn non bộ.

Những “tác phẩm” hòn non bộ đẹp mắt được hoàn thiện qua đôi bàn tay khéo léo của anh Dương

Trên những “tác phẩm” hòn non bộ của mình, anh Dương thường trang trí thêm một số cây bonsai salem, những chiếu cầu nhỏ, tượng cụ già ngồi câu cá, ngôi chùa mini, tượng chim, sỏi, đá,... tạo cho mỗi tác phẩm thêm chân thực và sống động, nhưng vẫn thể hiện được khung cảnh mộc mạc, giản dị, gần gũi với thiên nhiên…

Anh Nguyễn Dương luôn cần mẫn, tìm tòi học hỏi để ngày càng làm ra nhiều hòn non bộ đẹp mắt phục vụ khách hàng

Có thể nói, mỗi hòn non bộ là một tác phẩm nghệ thuật mang đậm yếu tố thẫm mỹ và góp phần tạo nên vẻ đẹp hoàn hảo cho các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê… hay không gian sống của mỗi ngôi nhà. Và mỗi người thợ làm ra nó là một nghệ nhân, với đôi bàn tay khéo léo của mình, họ đã mang lại niềm vui cho những người yêu thích thiên nhiên, thích thưởng thức cái đẹp, nhất là trong những dịp tết đến xuân về.

RẠNG ĐÔNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
 Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Chiều 2/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc (CTDT) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tại điểm cầu Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì hội nghị.
Nổi bật
Phú Quý: Cần tạo nên sản phẩm du lịch khác biệt
Nhắc đến Phú Quý, nhiều du khách đã từng đến tham quan, nghỉ dưỡng đều muốn quay trở lại, không chỉ bởi vì nơi đây có hải sản tươi ngon, các điểm đến còn hoang sơ, giữ được nét đẹp tự nhiên vốn có, sự chất phác, thật thà của người địa phương mà đặc biệt hơn, “đảo ngọc” đang hướng tới là “điểm đến không mang theo đồ nhựa” - một điểm cộng không phải nơi nào cũng có được.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghề làm hòn non bộ - “nở rộ” dịp tết