Dễ nhận thấy hoạt động du lịch nơi đây diễn ra hết sức sôi động trong những tháng gần đây, đặc biệt là khi tuyến đường bộ cao tốc đoạn Dầu Giây - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo chính thức thông xe. Hình ảnh những dòng ô tô nối dài hướng ra “thủ đô resort”, hầu hết các bãi đỗ xe đều chật kín phương tiện vận chuyển hành khách, từng đoàn du khách đổ dồn về chợ Phan Thiết… đã trở nên quen thuộc với người dân địa phương. Song, bên cạnh điều đáng mừng đó thì vẫn có không ít nỗi lo trong nỗ lực giữ vững hình ảnh, thương hiệu điểm đến khi thành phố Phan Thiết thu hút đông đảo du khách.
Số liệu thống kê cho thấy qua nửa đầu năm 2023, Phan Thiết đón khoảng 2,3 triệu lượt khách (tăng 28% so cùng kỳ năm ngoái), riêng khách nước ngoài có 85.000 lượt (tăng gấp 4 lần so cùng kỳ). Sau khi các tuyến đường bộ cao tốc đi qua địa bàn Bình Thuận đưa vào sử dụng và nối liền mạch, dự ước trong quý III này toàn tỉnh đón thêm 2,4 triệu lượt khách (bình quân 800.000 lượt khách/tháng) vì trùng với cao điểm du lịch hè, nhiều hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2023 được tổ chức. Trong đó “tâm điểm” hút khách vẫn là Phan Thiết bởi một số yếu tố thuận lợi: Thời gian di chuyển được rút ngắn, điểm đến có thế mạnh về nghỉ dưỡng cao cấp và thể thao giải trí trên biển, thời tiết ủng hộ cho các hoạt động du lịch, ẩm thực phong phú…
Đón và phục vụ lượng khách tăng cao cũng đang đặt ra những vấn đề liên quan cho thành phố du lịch biển Phan Thiết, cụ thể: Đảm bảo an ninh trật tự, bố trí đủ bãi đỗ xe, cứu hộ cứu nạn trên biển, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, quản lý giá cả và chất lượng dịch vụ… Bởi thực tế từ đầu năm đến nay, dù công tác cứu hộ cứu nạn luôn được Ban quản lý các khu du lịch trên địa bàn Phan Thiết chú trọng triển khai cũng như thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở việc đảm bảo an toàn cho du khách khi tắm biển nhưng đã xảy ra một số vụ đuối nước làm chết 2 người. Hay như theo chính quyền địa phương nhìn nhận thì tình trạng chèo kéo, đu bám du khách, cân điêu, gian lận thương mại vẫn xuất hiện, gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của du khách.
Mặt hạn chế, tồn tại nêu trên sẽ được thành phố Phan Thiết tập trung khắc phục trong thời gian tới thông qua đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch. Như tích cực phối hợp thanh kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định đối với việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, bảo đảm chất lượng dịch vụ, hàng hóa cung cấp cho du khách. Tiếp tục chỉ đạo UBND các phường - xã, Ban quản lý các khu du lịch tăng cường quản lý, đảm bảo về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cứu hộ cứu nạn tại điểm tham quan, bãi tắm ven biển (như Công viên biển Đồi Dương, Đồi Cát Bay, Hòn Rơm, Đá Ông Địa…). Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với trường hợp xả rác gây mất vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị của người dân lẫn du khách. Riêng với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, qua nửa đầu năm 2023 dù không xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm nào, nhưng đây là vấn đề cần hết sức lưu ý. Nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng, việc cơ sở lưu trú hay nhà hàng chuẩn bị trước các món “khoái khẩu”, nhất là gỏi cá tươi sống để phục vụ cùng lúc cho số đông thực khách càng phải cẩn trọng hơn…
Đến nay, tổng số dự án du lịch được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư trên địa bàn thành phố Phan Thiết còn hiệu lực là 203 dự án, với tổng diện tích hơn 2.780 ha và vốn đăng ký khoảng 38.280 tỷ đồng. Hiện đã có 138 dự án đi vào hoạt động kinh doanh, 38 dự án có tác động thi công xây dựng và 27 dự án chưa triển khai xây dựng. Theo phân cấp quản lý nhà nước về cơ sở lưu trú du lịch, trên địa bàn thành phố có hơn 260 cơ sở với gần 6.540 phòng, trong đó gồm 117 nhà nghỉ (1.953 phòng), 13 nhà ở có phòng cho thuê (118 phòng) và 9 cơ sở chưa xếp hạng (135 phòng), riêng khách sạn có 122 cơ sở (4.331 phòng)… Tới đây, thành phố Phan Thiết sẽ xúc tiến xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch theo phân cấp quản lý, đồng thời phối hợp tổ chức đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành cho tổ chức, đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn.