Mục tiêu
Nghị quyết số 16 - NQ/TU ngày 8/7/2024 của Tỉnh ủy (Khóa XIV) về lãnh đạo thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định rõ đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế; một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; hướng tới hình thành một trong những trung tâm đào tạo và phát triển công nghệ của vùng và quốc gia. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Đến năm 2050, Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực duyên hải Trung Bộ, có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm năng lượng sạch, trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, y tế, giáo dục chất lượng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng và quốc gia gắn với các đô thị biển hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao so với vùng và cả nước; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được đảm bảo vững chắc.
“Tất cả mọi nhiệm vụ phải gắn với việc nâng cao đời sống và phúc lợi xã hội cho người dân, hướng tới phát triển bền vững toàn diện, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các cơ hội phát triển và thụ hưởng những thành quả của quá trình phát triển” - Nghị quyết nêu rõ
Nhiệm vụ - giải pháp…
Để đạt được mục tiêu đề ra, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, tuyên truyền, công bố công khai Quy hoạch tỉnh thông qua nhiều hình thức gắn với hình ảnh trưng bày mô hình, hệ thống sơ đồ, bản đồ, hệ thống cơ sở dữ liệu về Quy hoạch tỉnh tại các địa điểm phù hợp và trên mạng Internet nhằm công bố công khai Quy hoạch tỉnh đến các cấp, các ngành, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp biết, triển khai thực hiện với quyết tâm cao về các nội dung quy hoạch và định hướng phát triển tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch theo quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Cùng với đó, phải phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung phát triển 3 trụ cột kinh tế của tỉnh gắn với kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; phát triển mạnh kinh tế biển; Theo đó tập trung phát triển 3 trụ cột kinh tế của tỉnh đến năm 2030, cụ thể là phát triển công nghiệp, với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm liên kết ngành; Phát triển dịch vụ, với các loại hình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, thể thao biển; dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ; dịch vụ logistics; Phát triển Nông nghiệp, với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến… Nghị quyết Tỉnh ủy đặt ra yêu cầu phải phát triển mạnh hệ thống đô thị; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản, đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
… và những khâu đột phá
Nghị quyết đề ra các khâu đột phá trong quá trình lãnh chỉ đạo triển khai thực hiện, bao gồm: Đổi mới tư duy phát triển, chủ động, sáng tạo trong quản lý, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư kinh doanh, liên kết, hợp tác, phát triển. Cùng với đó tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, nhất là nhân lực cho công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh, năng lượng sạch. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức trong sáng, tận tụy, có trách nhiệm với Nhân dân. Có cơ chế chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Phát triển, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội. Đưa dịch vụ khoa học và công nghệ trở thành yếu tố quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế tỉnh trong kỳ quy hoạch. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đầu tư công; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng công nghệ số, hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối thuận tiện với các vùng, cả nước và quốc tế, góp phần tạo lập môi trường đầu tư phát triển thuận lợi, hiệu quả, hấp dẫn các nhà đầu tư. Huy động và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh…
Những chỉ tiêu đáng chú ý:
- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 7,5 - 8,0%, trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng 11 -12%/năm; Dịch vụ tăng 7,0 - 7,5%/năm; Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3,0%/năm.
- GRDP bình quân/người đạt khoảng 7.800 - 8.000 USD.
- Thu nhập bình quân đầu người năm 2030 tăng gấp 2,7 - 3,5 lần so với năm 2020.
- Duy trì tỷ lệ 100% dân số được cấp đủ nước cho nhu cầu sinh hoạt; đảm bảo năng lực cung cấp nước không thấp hơn 95% tổng nhu cầu nước cho các ngành kinh tế - xã hội khác.
Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050