Theo dõi trên

Nghĩ về “Huyền thoại về Láng Nước nổi”

28/10/2022, 05:54

1. “Huyền thoại về Láng Nước nổi” là tên của tập truyện ngắn của nhạc sĩ - nhà báo Huy Sô, Hội Văn học – Nghệ thuật Bình Thuận xuất bản năm 1997. Tập truyện gồm 17 truyện ngắn, gói gọn trong 125 trang sách.

“Huyền thoại về Láng Nước nổi” gồm những câu chuyện với khá nhiều đề tài. Trong đó, tình yêu thiên nhiên, bao gồm cả loài vật và cây cỏ, là mảng đề tài được tác giả để nhiều tâm huyết vào đây. Đó còn là mảng đề tài về kháng chiến, bao gồm cả tình bạn chiến đấu, chuyện tình trong kháng chiến, binh vận, âm nhạc phục vụ kháng chiến, và cả nghịch cảnh thời hậu chiến. Đó còn là đề tài về sinh hoạt đời sống gắn với nghề nghiệp của bà con quê hương, đề tài về nhà trường, về tình cảm gia đình, tình cảm vợ chồng…

huy-so.jpg
Nhạc sĩ - nhà báo Huy Sô.

Nhân vật hiện diện trong “Huyền thoại về Láng Nước nổi” khá đa dạng: Những người chiến sĩ, sĩ quan Bộ đội Cụ Hồ, trong đó có những nhạc sĩ kháng chiến làm công tác binh vận, những người dân đảo, những người cán bộ địa phương của quê hương sau ngày giải phóng, người nữ giáo viên, những người thợ săn, những người dân lao động biển, những nhạc công ban nhạc kèn đồng, cùng rất nhiều loài vật: chó, mèo, nai; các loài cây…

Những nhân vật ấy xuất hiện trong các truyện ngắn ở tập sách cũng phần nào phản ánh mối quan hệ của tác giả, nhạc sĩ - nhà báo Huy Sô với đồng đội, bạn bè, với xã hội, với thiên nhiên trong những năm ông sống, chiến đấu, làm việc, những năm ông tập kết ra Bắc, và những ngày ông về lại quê hương Bình Thuận sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Có không ít những tình huống dễ để lại những ấn tượng khó quên trong lòng độc giả. Ở truyện ngắn “Huyền thoại về Láng Nước nổi”(Truyện được lấy thành tựa cho tập truyện), đó là tình huống hai người thợ săn ở hai hướng đối diện cùng ngắm vào bóng của nai mẹ, rồi cùng bóp cò. Kết quả là, một thợ săn ngã gục trên mép nước, lăn lộn, khẩu súng Ca - líp - đu rời khỏi bàn tay. Cùng lúc ấy, người còn lại thét thất thanh, ôm lấy bả vai, chạy hốt hoảng vào rừng già. Hai người thợ săn ấy đã bắn vào nhau khi muốn bắn vào bóng của nai mẹ. Những chi tiết ấy trong truyện, như một lời nhắc nhở của tác giả Huy Sô: “Hãy yêu lấy loài vật trong tự nhiên, tránh việc tàn sát chúng”.

Lại thêm một tình huống đau buồn khác ở truyện ngắn “Mả đất”. Từ những lời dặn dò của mẹ trước lúc qua đời, hai chị em đã không thuận với nhau trong việc xây mả cho mẹ. Người xây, người đập đi để làm lại. Hành động ấy, phải chăng, từ trong đáy lòng, hai chị em chưa thật sự yêu thương nhau.

Ở truyện ngắn “Cú phạt đền hai mươi năm”, đó là tình huống gay cấn khi người đàn ông, là cán bộ tập kết, về lại quê nhà sau ngày giải phóng. Người vợ chính thức ở quê trước ngày tập kết hỏi chồng lý do: Tập kết ra Bắc, vì sao ông lại có thêm người vợ khác? Trong khi bà ở lại quê hương vẫn chung thủy đợi chờ!

sach.jpg

Thêm một tình huống không kém căng thẳng. Khi nghe Phó Chủ tịch thị xã vận động để đội phường Đức Nghĩa từ chối đua ghe dịp lễ, nhường ghe cho đội Thạch Long mượn, để Thạch Long tham gia đua, ông Dậu, Bí thư Đảng ủy phường, đã có phản ứng gay gắt, dứt khoát không đồng ý, vì uy tín, tiềm lực, màu cờ sắc áo của đội đua ghe Đức Nghĩa đã xây dựng được từ rất nhiều năm trước đó (Một cuộc đua ghe trên sông Cà Ty ).

Một tình huống dở khóc dở cười khác ở truyện ngắn: “Đám cưới vùng quê”. Nhà trai đi đón dâu, trình vàng cưới. Trong lúc còn đang tiệc, thì mẹ cô dâu phát hiện: Vàng cưới là vàng giả. Mẹ cô dâu đề nghị với họ nhà trai: Tạm để cô dâu lại ở nhà cha mẹ ruột, sáng ngày mai, mới cho về nhà chồng. Tìm hiểu ra mới biết, tiệm vàng họ nhà trai đặt làm vàng đã tráo vàng giả vào đấy, do tiệm vàng bị bể huê hụi…

2. Nếu văn chương phần nào phản ánh tâm tình của người viết, thì tập truyện “Huyền thoại về Láng Nước nổi” đã thể hiện phần nào những tâm tình của tác giả. Nhạc sĩ Huy Sô yêu thiên nhiên, loài vật, cây cỏ. Ông yêu cuộc sống của quê hương mình, từ Phú Quý đảo xa đến rất nhiều những tên đất, tên làng dân dã. Ông yêu sinh hoạt của quê hương: đua ghe truyền thống, yêu điệu hò bá trạo… Ông quý những người anh em đồng đội đã cùng ông chung một chiến hào nhiều năm. Ông cũng yêu những giai điệu đã gắn bó với ông suốt cả cuộc đời, nhất là những ngày miền Nam sắp hoàn toàn giải phóng, khi người nhạc sĩ được cấp trên giao viết những giai điệu binh vận cuối cùng. Ông cũng nhận ra, đồng cảm với những cảnh ngộ éo le diễn ra ở những gia đình sau những ngày đoàn tụ giữa hai miền Nam - Bắc…

Những gì tâm đắc, ông gói ghém lại, chuyển tải trong những câu chuyện của mình qua những ngôn từ giản dị, chân chất, đậm chất quê hương nhưng không kém thơ mộng, có lúc trau chuốt (như từ thói quen, từ yêu cầu trong sáng tác âm nhạc của một nhạc sĩ tài năng), gởi đến độc giả. Những câu chuyện trong tập sách với cốt truyện giản dị, không có quá nhiều tình tiết éo le. Chỉ có truyện “Chuyện tình của Út Lan”, người vợ đã có sự lừa dối mà người chồng không hay biết. Nhạc sĩ lão thành Huy Sô có lối kể chuyện từ tốn, gần gũi, thân mật với người đọc, gần với lối ông trò chuyện ngoài đời với các em, các cháu, với những người thân quen.

Sống chan hòa với thiên nhiên, yêu loài vật, nhạc sĩ Huy Sô cảm nhận sâu sắc loài vật có đời sống riêng, cũng có tâm hồn như con người. Bạn đọc hãy đọc những lời ông viết, là lời của nai chồng nói với nai vợ: “Chúng ta sẽ không đi băng qua các xóm. Anh sẽ đưa em và hai con đi ngã Đập Tà Mỹ, đi cặp theo bìa rừng bên phải của Xóm Le, Xóm Xiệc, Xóm Ổi, Nha tron Núi, La Giang, Hội Đồng Thao… Chúng ta sẽ đi vào ban ngày, nghỉ chân và giấu mình kỹ vào ban đêm, phải đi trước mùa trăng. Dọc đường, chúng ta sẽ gặp nước và cỏ xanh, anh tin rằng sức khỏe của chúng ta sẽ bình phục và chúng ta có thể đến chân Núi Bà sau bảy ngày đường đầy gian khổ…” (Huyền thoại về Láng Nước nổi).

Còn đây là những câu hỏi trong lòng người nhạc sĩ trong những thời khắc quan trọng của đất nước, khi ông đang ở Hà Nội, mà giờ phút giải phóng Sài Gòn ngày ấy đang cận kề: “Như vậy trên dải đất nhỏ hẹp mang hình tia chớp này, cuộc chiến dai dẳng sắp sửa kết thúc rồi chăng? Quê anh đã giải phóng, má ba, anh em, bà con họ hàng ai còn ai mất? Đàn cà cưỡng còn bay nhảy hót vang bên những chùm bông vông đỏ rực như màu cờ quanh lầu nước Phan Thiết nữa không? Đàn dòng dọc còn lót ổ toòng teng trên những hàng keo dọc theo quốc lộ 1 trước mặt nhà anh nữa không?” (Giai điệu binh vận cuối cùng).

3. “Huyền thoại về Láng Nước nổi” là tập truyện ngắn thứ hai của nhạc sĩ - nhà báo Huy Sô, xuất bản mười năm sau tập truyện ngắn “Mặt trời tháng ba” của tác giả. Đọc tập truyện, bạn đọc càng dễ thấy gần gũi với tác giả hơn, càng quý trọng ông hơn trước những câu chuyện, những mảnh đời, những suy tư về cuộc sống của tác giả được ông chuyển tải qua tập sách. Những năm qua, dù đã rất cao tuổi (hiện ông đã ở tuổi 95), nhạc sĩ Huy Sô vẫn tiếp tục có những sáng tác nhạc, thơ gởi đến khán, thính giả, độc giả. Tiếp cận với những sáng tác của ông, độc giả rất dễ dàng nhận ra một tâm hồn vô cùng hồn hậu, chân chất của một nhạc sĩ – nhà báo thật cao niên luôn yêu quý cuộc đời này, luôn nhìn cuộc đời này với cái nhìn tươi sáng, lạc quan.

MINH TRÍ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Sôi động Katê
Tháp Pô Sah Inư, ngập tràn ánh nắng. Đồng bào Chăm trẩy hội, trong làn sóng du khách, trong điệu múa bồng bềnh, tiếng Saranai réo rắt bay bổng trên đỉnh ngọn tháp, tiếng Ghi – năng như thúc giục mọi người con của cộng đồng Chăm vội vã tề tựu trong đầm ấm.
Nổi bật
Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Chiến thắng vĩ đại của dân tộc anh hùng
70 năm trước, ngày 7/5/1954, khi ngọn cờ Tổ quốc tung bay trên nóc hầm Đờ Cát Tơ ri, kết thúc 56 ngày đêm chiến đấu oanh liệt của quân dân ta, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta… đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam như một chiến thắng vĩ đại của một dân tộc anh hùng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghĩ về “Huyền thoại về Láng Nước nổi”