Theo dõi trên

Ngư dân hy vọng vụ cá nam thuận lợi

06/07/2023, 05:24

Từ giữa tháng 6 đến nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhiều ngư dân trong tỉnh đã tranh thủ vươn khơi đánh bắt vụ cá nam. Đây là vụ khai thác thủy sản chính trong năm với sản lượng lớn, cũng là thời điểm để ngư dân cải thiện thu nhập sau 1 năm gặp khó khăn vì dịch Covid – 19 và giá dầu tăng cao chưa từng thấy.

Đầu xuôi…

Tuy chỉ mới bắt đầu vào vụ cá nam (vụ cá nam kéo dài từ tháng 4 - 9 âm lịch hàng năm), nhưng những ngày qua, tại cảng cá Phan Thiết tấp nập tàu thuyền nối đuôi nhau cập cảng bốc dỡ thủy sản, tiếp thêm nhiên liệu, nhu yếu phẩm để chuẩn bị vươn khơi đánh bắt. Từ sáng sớm, không khí tại cảng đã nhộn nhịp, đông đúc, các vựa thu mua cá với hàng chục lao động đã sẵn sàng để đón tàu đánh bắt trở về. Trên bến lẫn dưới tàu đều rộn ràng tiếng nói cười của chủ tàu, thuyền viên và nhiều lao động khác.

mua-ca-nam-anh-n.-lan-21-.jpg
Những chuyến biển đầy ắp cá trở về. Ảnh: N.Lân

Vừa trở về sau chuyến biển kéo dài gần 10 ngày, anh Nguyễn Tấn Minh (phường Đức Thắng) hành nghề lưới rê không giấu được niềm vui khi khoang đầy ắp cá. Anh Minh cho biết, “Sau Tết Nguyên đán, tôi tranh thủ sơn sửa tàu thuyền, tu bổ máy móc, đầu tư khoảng 300 triệu đồng để sửa lại phần khoang chứa, thay mới tay lưới, đảm bảo hoạt động cho những chuyến đi dài ngày. Khi thấy thời tiết thuận lợi, tôi đã vươn khơi được 2 lần, bình quân mỗi chuyến tôi thu hoạch được khoảng 2 tấn cá nục, cá thu, cá ngừ”. Và chuyến biển lần này cũng giúp anh kiếm hơn 100 triệu đồng. Do đó, vừa cập bến bốc dỡ hải sản, anh lại gọi cho đầu mối tiếp thêm nhiên liệu, nhu yếu phẩm chuẩn bị cho chuyến hành trình tiếp theo. “Tuy nhiên, tìm lao động biển và giữ chân họ khó quá, vì sau tết lao động biển tìm nghề bờ khá đông, tranh thủ lúc có đủ lao động và thời tiết thuận lợi tôi vươn khơi ngay, không nghỉ ngơi ngày nào. Hy vọng vụ cá nam năm nay ngư dân dễ thở hơn năm ngoái”, anh Minh cho biết thêm.

mua-ca-nam-anh-n.-lan-17-.jpg
Cảng cá Phan Thiết bắt đầu nhộn nhịp dù chỉ mới đầu vụ cá nam.

Để chuẩn bị cho vụ cá chính trong năm, theo thông lệ, từ tháng 3 các tàu cá thường tập trung về bờ kiểm tra, sửa chữa lại tàu thuyền, máy móc, ngư lưới cụ. Ước tính, mỗi tàu cá đầu tư khoản chi phí từ 50 - 400 triệu đồng. Đặc biệt, những tàu thuyền làm nghề mành chà phải tốn vài trăm triệu đồng để tu bổ các cội chà – nơi thu hút các loài cá nổi như nục, bạc má, chỉ vàng, trích… Ngư dân Lê Văn Hải (thị trấn Phan Rí Cửa) cho biết: Tôi vừa tu bổ cội chà hơn 200 triệu đồng, tháng sau mới chính thức vào vụ chính. Đây là nghề truyền thống của ngư dân Phan Rí nói riêng và của tỉnh nói chung. Nắm bắt tập tính các loài cá nổi thường tập trung núp bóng ở các gò, rạn, vật trôi nổi trong nước, ngư dân nơi đây thường thả những gốc chà dọc ven biển. Chà càng lớn, nhiều bóng mát cá càng tụ tập nhiều. Thông thường vào tháng 6 – 7 âm lịch, các tàu thuyền hành nghề mành chà sẽ bội thu sau khi đã thả chà trong thời gian dài.

Đuôi… sẽ lọt

Bước vào vụ cá nam năm nay, ngư dân các địa phương tỏ ra phấn khởi hơn khi trong tháng 4 ÂL vừa qua sản lượng đánh bắt tăng, do xuất hiện nhiều đàn cá nổi tại vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Kiên Giang. Thêm vào đó, giá dầu giảm đã giúp ngư dân có động lực vươn khơi. Theo kinh nghiệm của các ngư dân trong tỉnh, so với vụ cá nam năm trước thì năm nay thời tiết thuận lợi hơn, các loại cá nổi như cá nục, cá cơm, chỉ vàng, mực lá, mực nang đã bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt, giá dầu giảm nên phí tổn cho chuyến biển giảm xuống khá nhiều. Tuy mới bắt đầu bước vào vụ cá nam nhưng hiện tại hầu hết các tàu cá đánh bắt xa bờ đều đã vươn khơi để khai thác hải sản. Không chỉ vậy, những ngày qua tàu thuyền công suất nhỏ đánh bắt vùng lộng, ven bờ cũng đã hoạt động nhộn nhịp. Nhiều ngư dân đánh bắt trong ngày cũng thu về từ vài triệu đồng/ngày, giúp đời sống người dân cải thiện phần nào.

mua-ca-nam-anh-n.-lan-13-.jpg
Hy vọng vụ cá nam năm nay ngư dân sẽ bội thu.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, từ giữa tháng 3/2023 đến nay, thời tiết và ngư trường thuận lợi hơn, hầu hết tàu thuyền tham gia khai thác trở lại. Một số nghề như: lưới kéo, vây rút chì, lưới rê, mành… sản lượng đánh bắt cao, nhóm tàu hoạt động ở vùng gần bờ như lưới rê nổi ven bờ, lặn hải đặc sản, lồng bẫy… sản lượng khai thác tương đối ổn định. Ngư trường khai thác chủ yếu tập trung tại vùng biển ven bờ và vùng lộng trong tỉnh, khu vực phía nam đảo Phú Quý, quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK-1, đảo Côn Sơn... Sản lượng thủy sản khai thác 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 109.238 tấn/KH 210.000 tấn, đạt 52% KH và tăng 2,1% so cùng kỳ.

Để nâng cao hiệu quả đánh bắt trên biển, ngành chức năng đã khuyến khích ngư dân nâng cao công suất tàu cá và đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại; nhân rộng mô hình tổ, đội đoàn kết khai thác trên biển để hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác. Đặc biệt, thời gian qua, Sở NN&PTNT và các địa phương đã tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức cho ngư dân trong việc chấp hành các quy định của luật pháp về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU. Tổ chức ký cam kết với ngư dân trong việc chấp hành các quy định về IUU, nhất là các quy định về lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá; ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản; không vượt ranh giới trên biển…

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
La Gi: Nỗ lực vươn khơi bám biển cuối vụ cá nam
BT- Sau gần 2 tháng tàu thuyền buộc phải nằm bờ để chống chọi với dịch Covid-19, mới đây UBND thị xã La Gi đã cấp phép cho tàu thuyền công suất lớn vươn khơi trở lại, dù chỉ còn hơn tháng nữa là kết thúc vụ cá nam.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngư dân hy vọng vụ cá nam thuận lợi