Theo quy định, xăng dầu trong nước được điều chỉnh vào ngày 1/9, tuy nhiên, do rơi vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày nên thời điểm điều chỉnh sẽ được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ. Theo đó, 15h chiều 5/9, giá xăng E5 RON 92 giảm 370 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 430 đồng/lít, đưa mức bán lẻ giá xăng trong nước ở quanh mức 23.000 - 24.000 đồng/lít. Trong khi đó, dầu diesel tăng mạnh 1.430 đồng/lít, đưa mức bán lẻ mặt hàng này vượt 25.000 đồng/lít.
Dầu tăng mạnh lại khan hiếm nên nhiều ngư dân trong tỉnh chẳng buồn vươn khơi. Những ngày qua, nhiều cây xăng gần các cảng cá trọng điểm trong tỉnh rơi vào tình trạng hết dầu, làm hạn chế ghe thuyền vươn khơi dù thời tiết khá thuận lợi. Ngư dân phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi tìm dầu, tranh giành nhau từng can, thậm chí phải chấp nhận mua với giá cao hơn thị trường để có được chuyến biển cuối vụ nam. Ghe thuyền đi tuyến bờ, tuyến lộng cần vài trăm lít dầu đi về trong ngày thì còn khả quan, riêng tàu đánh bắt xa bờ hầu như phải neo bờ vì các đầu mối xăng dầu không còn hàng dồi dào như xưa để cung cấp hàng ngàn lít dầu/tàu. Những ngày qua, các công ty đầu mối xăng dầu cung ứng hàng nhỏ giọt, cộng thêm nghe tin dầu sẽ tăng giá và tâm lý muốn trữ dầu để đi biển thường xuyên, nên cầu đã vượt cung khiến nhiều cây xăng gần cảng cá luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Trước tình trạng khan hiếm ấy, trên nhiều nhóm kín trong tỉnh đã xuất hiện tình trạng đăng bán lại dầu với giá cao, từ 27.000 – 30.000 đồng/lít, khiến nhiều ngư dân bức xúc. Đa số ngư dân chấp nhận nằm bờ, chứ không có can đảm vươn khơi với giá dầu cao chót vót như thế. Vì nếu có đi được, cũng nắm chắc phần lỗ do nguồn lợi hải sản không còn dồi dào như xưa. Từ đầu vụ cá nam năm nay, ngư dân đã không vui, bởi giá dầu nằm ở ngưỡng cao chưa từng có, đi chuyến nào lỗ chuyến ấy, huề vốn là mừng. Đã thế, ngư trường ngày càng cạn kiệt, giá hải sản không tăng, nên nhiều ngư dân nhận định mùa cá nam năm nay nhiều bất trắc.
Trước tình trạng dầu trở nên hiếm “lạ thường”, Cục Quản lý thị trường Bình Thuận đã thành lập nhiều đoàn đi kiểm tra, giám sát các cây xăng trong tỉnh, nhưng tình trạng khan hiếm dầu vẫn diễn ra, bởi các bồn dầu cạn kiệt là có thật và không có chuyện các cây xăng găm hàng đầu cơ. Tất cả đều phải lệ thuộc các công ty đầu mối rót hàng về. Không riêng gì Bình Thuận, do tình hình xăng dầu thế giới có nhiều biến động đã ảnh hưởng đến tình hình cung cấp xăng dầu trong nước. Tình trạng xăng dầu trở thành vấn đề “nóng” và là tiêu điểm của dư luận bởi nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng rơi vào tình trạng tương tự, thậm chí một số cây xăng đóng cửa không bán hàng.
Những ngày qua, để đối phó với tình hình giá dầu có nhiều biến động, các tổ đoàn kết trên biển, hay những đội tàu anh em đã phát huy được sức mạnh, sự gắn kết, chia sẻ ngư trường cũng như tính toán cho những chuyến biển dài ngày sao cho tiết kiệm nhiên liệu tối đa. Thay vì hoạt động riêng lẻ, 5 - 7 tàu trong 1 tổ cùng đi đánh bắt, sau 7 - 10 ngày, nếu sản lượng đạt sẽ thay nhau luân chuyển hải sản vào bờ. Nhờ vậy, vừa giảm được thời gian di chuyển, đặc biệt là tiết kiệm được lượng dầu tiêu hao từ 500 – 900 lít dầu/tàu/chuyến, lại tăng cường bám biển cho các đội tàu xa bờ, vừa giảm tổn thất sau khai thác, tăng lợi nhuận từ 7 – 10%. Trong những lúc khó khăn này, mới thấy tham gia các tổ, đội đoàn kết trên biển được nhiều hơn mất, giúp ngư dân mạnh dạn vươn khơi.
Không còn bao nhiêu ngày nữa vụ cá nam sẽ kết thúc, dầu tăng cao lúc này càng đẩy ngư dân khó chồng khó. Tuy nhiên, với sự nhanh nhạy, biết tính toán, ngư dân trong tỉnh vẫn luôn thể hiện sự quyết tâm cao. Họ hiểu rằng sự hiện diện của mình ngoài khơi xa không chỉ vì kinh tế, vì tiếp nối truyền thống cha ông, mà hơn hết mỗi con tàu vươn khơi là một cột mốc sống, chung tay giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.