Tận tụy trong từng công việc của xóm làng
Tân Thắng là xã bãi ngang, trước đây đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Toàn xã có 7 thôn, trong đó thôn Phò Trì có hơn 562 hộ dân với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đông nhất đồng bào Chăm theo đạo Bà ni là 395 hộ, đồng bào Kinh 129 hộ số còn lại là đồng bào Tày, Khơ me, K’ho, Thái. Những năm trở lại đây, được sự quan tâm của tỉnh, của huyện đời sống của bà con đồng bào dân tộc thôn Phò Trì được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt là từ khi địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo thôn khởi sắc, đường giao thông nông thôn, đường nội đồng được bê tông hóa, cứng hóa phục vụ bà con đi lại, sản xuất. Trong sản xuất nông nghiệp, bà con tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Đồng bào các dân tộc sống đoàn kết, nghĩa tình tương thân tương ái giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, động viên san sẻ khi hoạn nạn khó khăn không phân biệt tôn giáo, dân tộc.
Ông Cơ tận tình hướng dẫn khi thanh niên thực hiện phong trào ở thôn.
Đoàn xã Tân Thắng thăm, tặng quà tết.
Theo bà con nơi đây, sự chuyển mình của thôn có sự đóng góp rất lớn của Trưởng thôn Huỳnh Văn Cơ, là người uy tín của làng Chăm. Ông luôn là người gương mẫu, đi đầu trong các phong trào và được bà con yêu mến. “Khi tổ chức các hoạt động ở thôn Phò Trì thì chú Cơ luôn nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ, hướng dẫn cho Đoàn thanh niên ở địa phương. Trong mọi hoạt động dù lớn hay nhỏ thì chú luôn xắn tay cùng tham gia và hướng dẫn tận tình cho đoàn viên thanh niên rồi vận động bà con cùng tham gia”, anh Trần Văn Trung – Bí thư Đoàn xã Tân Thắng nhận xét.
“Tôi tích cực vận động bà con tham gia đầy đủ các buổi tuyên truyền do huyện, ngành tư pháp, xã tổ chức như: Toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, toàn dân tham gia giữ gìn biên giới biển, Luật Biển đảo, các Bộ Luật dân sự, Luật hình sự, Luật hôn nhân và gia đình, Luật khiếu nại tố cáo, Luật đất đai và vận động bà con bằng nhiều hình thức như họp thôn, tổ rồi đến gặp gỡ trực tiếp từng cá nhân tuyên truyền”, ông Cơ cho biết… Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự trong thôn, xóm nhiều năm nay đều ổn định không có trọng án, không có tai nạn giao thông nghiêm trọng, tệ nạn xã hội được kiềm chế.
Ông còn vận động bà con trong thôn tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn do Trung tâm dạy nghề Hàm Tân dạy tại thôn như: may công nghiệp, chăn nuôi thú y, sơ cấp xây dựng, trồng rau an toàn, nhiều người dân đã có công việc làm tại các công ty, có thu nhập ổn định nâng cao đời sống thoát nghèo. Nếu so với năm 2017, thôn Phò Trì có đến 200 hộ nghèo, đến nay đã giảm đáng kể hiện chỉ còn 26 hộ nghèo, đời sống bà con nâng lên, ai cũng có công ăn việc làm ổn định, không làm nông thì cũng đi làm cho các công ty, xí nghiệp không còn lao động nhàn rỗi tại địa phương.
“Thủ lĩnh” thắt chặt tình đoàn kết
Phò Trì là thôn ven biển và được Huyện ủy Hàm Tân chọn là thôn giao lưu kết nghĩa với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và Đồn Biên phòng Tân Thắng. Với vai trò là trưởng thôn ông tích cực vận động bà con thực hiện thật tốt việc kết nghĩa anh em với chính quyền địa phương, đơn vị kết nghĩa cùng tạo điều kiện hỗ trợ nhau để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Thông qua hoạt động kết nghĩa nhiều khó khăn của bà con trong thôn được quan tâm tháo gỡ như: đưa điện thắp sáng về đường làng, tặng học bổng cho học sinh nghèo, xây nhà giúp đỡ cho người nghèo… Thôn Phò Trì được công nhận 9 năm liền đạt thôn văn hóa, năm 2023 được công nhận là thôn nông thôn mới.
Trong 5 năm gần đây, thôn Phò Trì đã làm mới 4 tuyến đường điện, xây dựng 15 nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn, vận động các bác sĩ ở Bệnh viện Thủ Đức về khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con với tổng giá trị giao lưu kết nghĩa các đơn vị hỗ trợ đồng bào của thôn hơn 1,1 tỷ đồng. “Toàn dân trong thôn và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thắng đoàn kết yêu thương giúp đỡ nhau, cung cấp những thông tin có giá trị góp phần giữ gìn biển đảo quê hương. UBND huyện Hàm Tân thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi bà con vào các dịp lễ, tết. Tình cảm giữa cán bộ và nhân dân gắn bó thân thiện”, ông Cơ chia sẻ.
Ghi nhận những đóng góp thiết thực của ông, Ban Dân tộc tỉnh đã chọn cử ông là 1 trong 2 người uy tín đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh tham dự Chương trình “Điểm tựa của bản làng” ở Trung ương.