Tự nhà làm “êm tai, bắt mắt”
Những năm gần đây, bánh trung thu tự nhà làm (handmade), bánh Trung thu ngoại nhập được quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Với bánh nhà làm, bánh ngoại nhập đa dạng về loại nhân, mẫu mã và cách đóng gói thì khá sáng tạo. Cụ thể, có 2 loại bánh gồm bánh nướng và bánh dẻo với các loại nhân như truyền thống, hiện đại và nhân chay. Hay nói cách khác, bánh trung thu tự làm và ngoại nhập không giới hạn các loại nhân. Vỏ bánh mỏng, nhân ít ngọt, ít béo; sử dụng những nguyên liệu tốt cho sức khỏe như mật ong, dầu olive… Giá cả mỗi cái bánh tùy thuộc cho từng loại nhân, thậm chí có sản phẩm cao hơn giá mặt bằng chung so với thị trường. Hàng loạt quảng cáo “êm tai, bắt mắt” như đề cập trên về bánh trung thu tự nhà làm, bánh trung thu ngoại nhập thu hút nhiều người.
Tuy nhiên, quy trình sản xuất từ khâu sơ chế nguyên liệu, nơi chế biến, dụng cụ chế biến, vệ sinh và sức khỏe của người chế biến cho đến chất lượng bánh ra sao, có an toàn cho người tiêu dùng không, là vấn đề được đặt ra với loại bánh trên. Chị Trần Thị Thu Duyên (Phan Thiết) chia sẻ: “Bánh trung thu trên mạng xã hội với những quảng cáo hay. Tôi có mua thử vài bánh trên mạng, sau khi mua và khui hộp bánh, nơi sản xuất, hạn sử dụng… không được ghi rõ trên bao bì của mỗi cái bánh. Thấy vậy, tôi không an tâm và quyết định bỏ. Nếu họ sản xuất sạch và làm tốt, sao không điền đầy đủ thông tin địa chỉ, ngày sản xuất, hạn sử dụng… trên mỗi hộp bánh". Trong khi đó, những cơ sở sản xuất bánh uy tín, có thương hiệu thì đăng ký giấy phép, sản xuất theo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm an toàn. Trên mỗi sản phẩm đưa ra thị trường có đầy đủ các thông tin. Đồng thời, có sự kiểm tra định kỳ, đột xuất của các cơ quan chức năng.
Tăng cường kiểm tra
Để bảo đảm an toàn, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về thực hiện quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm. Người tiêu dùng thì lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
Theo đó, Sở Công Thương phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề trong tỉnh. Tăng cường lấy mẫu giám sát để cảnh báo cho cộng đồng, kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra chuyên ngành tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao như: thịt, trứng, thủy sản và sản phẩm chế biến từ thịt, trứng, thủy sản. Sở Y tế kiểm tra các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tập trung đông người.