Người bác sĩ lành nghề, với sự am hiểu chuyên môn, có kỹ năng tốt trong thăm khám, cùng sự trợ giúp một phần của máy móc, chẩn đoán bệnh chính xác, đưa ra những chỉ định thuốc, xử lý phù hợp, giúp người bệnh mau hồi phục. Người giáo viên lành nghề, cung cấp cho các học sinh những kiến thức cơ bản, giúp các em hiểu rõ nội dung mình truyền đạt, định hướng để các em làm được những bài thực hành từ dễ đến khó, phù hợp với khả năng các em, rèn cho các em có được kỹ năng giải quyết các tình huống khác nhau liên quan đến bài học.
Người thợ hồ lành nghề, xây dựng ngôi nhà, công trình chắc chắn, vững chãi, sử dụng được bền lâu, không để lỗi, không để mau hư hỏng, thấm dột. Người thợ sắt làm cửa, làm kệ, làm tủ vừa có thể sử dụng tốt, lại bảo đảm tính thẩm mỹ, đạt độ lâu dài theo thời gian. Người thợ nước lắp đặt hệ thống hợp lý, đảm bảo sử dụng được hiệu quả, không gây trục trặc trong quá trình sử dụng. Người bảo trì máy giặt, cung cấp những hiểu biết cần thiết cho người sử dụng, giúp người dùng sử dụng máy được bền. Cùng vô số những người thành thạo trong nghề nghiệp thuộc những ngành nghề khác có trong xã hội chúng ta ngày nay.
Cuộc sống ngày một phát triển, ngành nghề trong xã hội ngày càng đa dạng hơn, đi vào chuyên sâu hơn, đòi hỏi người làm nghề phải thường xuyên học hỏi, từ mặt lý thuyết, đến thực hành. Trong đó, quan trọng hơn cả là kỹ năng thực hành nghề, cần thuần thục trên thực tiễn; và cả sự có tâm trong làm nghề.
2. Ngày nay, các trường học từ mầm non đến phổ thông, cao đẳng, đại học, được mở ra rất nhiều, trên cả nước. Ở bậc học sau phổ thông, các em có những sự chọn lựa các trường để học nhiều hơn so với những năm trước đây. Học đại học hay cao đẳng, trung cấp là tùy theo sự chọn lựa của các em. Sự chọn lựa ấy theo khả năng, trình độ, niềm yêu thích của các em, theo hoàn cảnh gia đình, kinh tế gia đình. Sự chọn lựa ấy, cũng có phần nào theo nhu cầu công việc của cộng đồng, của xã hội hiện tại và cả cho những định hướng về sau.
Điều quan trọng là các em tập trung vào việc học, hiểu thấu đáo những điều mình học, thực hành nhiều để có kỹ năng, thuần thục dần trong thao tác, để sẵn sàng cho những bước thực tập nghề nghiệp cuối những chặng đường học tập, ở học kỳ cuối của chương trình học, sẵn sàng cho việc ra trường, đi làm trong tương lai.
3. Làm những công việc theo đặc thù nghề nghiệp ngoài xã hội có những yêu cầu riêng. Trong đó, đòi hỏi người làm nghề phải thuần thục các thao tác thực hành. Bởi, khách hàng cần những người thành thạo trong chuyên môn. Người làm những ngành nghề chuyên môn có hiểu biết rõ, giỏi trong chuyên môn, thì người có nhu cầu mới tìm đến, để được điều trị, để được làm việc gì đó, giải quyết việc nào đó, giúp khách hàng có được những kết quả mong muốn.
Xã hội cần những người có khả năng chuyên môn, thực sự lành nghề. Bởi không giỏi nghề, những “người thầy”, “người thợ” ấy khi làm những công việc vượt quá sự hiểu biết của họ, vượt quá khả năng chuyên môn của họ, kể cả không có tâm trong làm nghề, sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Và lúc này, khách hàng, bệnh nhân, học sinh, sinh viên, là những người chịu tác động khó lường từ lao động của những người tay nghề không tốt ấy. Sửa chữa những điều sai lầm do những người không lành nghề tạo ra, có khi tốn không ít thời gian, công sức, tiền của. Và chưa kể những trường hợp khó có điều kiện làm lại.
Xã hội, cộng đồng cần những người lành nghề và cả sự có tâm trong làm nghề ở mọi lĩnh vực, cả trí óc, lẫn chân tay. Học tập, thực hành thường xuyên đối với mỗi một người, từ sinh viên, đến những người thợ, để trở thành người có tay nghề giỏi là thật sự cần thiết. Bởi xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng đổi thay, có nhiều điều mới mẻ, đòi hỏi mỗi người khi học tập, làm việc cần tiếp thu những vấn đề mới, những nội dung mới, những kỹ thuật mới. Từ đó, người làm nghề vận dụng có hiệu quả trong thực tiễn, thực sự giúp ích cho xã hội.