Theo dõi trên

Người thầy đầu tiên

20/06/2022, 05:49

Hơn 12 năm vào nghề, thời gian không ngắn cũng chẳng đủ dài để nói rằng mình trưởng thành trong nghề báo – cái nghề khá khắc nghiệt nếu không đủ đam mê và “máu lửa”. Trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, không tránh khỏi những va vấp, những lỗi lầm, những hụt hẫng, những tai nạn nghề nghiệp.

Qua đó, mới thấm thía lời dạy của nhà báo Phương Đại – nguyên Trưởng phòng Phóng viên, khi tôi bước chân vào làm báo Bình Thuận: “Không có con đường nào trải thảm đỏ cho mọi thành công và tất nhiên cũng không có những giọt mồ hôi nào đổ xuống vô nghĩa trên con đường sự nghiệp”.

lan_0655.jpg
Nhà báo Phương Đại  thời còn làm Trưởng phòng Phóng viên Báo Bình Thuận (ảnh: N. Lân)

Đã một thời gian dài tôi có thói quen viết nhật ký, là cách để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ, những cảm xúc bất chợt nảy sinh trong quá trình tác nghiệp, mà thời gian qua đi khó lòng tìm lại được. Thời gian gần đây tôi mất dần thói quen ấy, vì nhiều lý do. Khi gần đến ngày 21/6, tôi lại giở những trang nhật ký ngày ấy ra đọc. Không biết đã có bao nhiêu nhân vật mình từng gặp, bao nhiêu sự kiện mình từng đi và bao nhiêu bài viết đã đăng báo. Đọc lại kỷ niệm những ngày đầu vào nghề, thấy mình thật khờ dại, lời văn ngây ngô, nhưng thừa sự nhiệt huyết và đầy đam mê, không ngại xông pha trên nhiều lĩnh vực. Đó cũng là nhờ sự cứng rắn, lạnh lùng của người trưởng phòng khó tính, từng bước dìu dắt giúp tôi lớn khôn từng ngày, cứng cáp qua từng năm trong nghề và dạy tôi những bài học sơ đẳng của người cầm bút.

dsc_1437.jpg
Nhà báo Phương Đại (ngoài cùng bên trái) cùng các nhà báo khác của Báo Bình Thuận (ảnh: N. Lân)

Còn nhớ năm ấy, tôi được phân công đi công tác Tuy Phong, Bắc Bình trong 3 ngày. Sáng hôm ấy, mưa như trút nước, kèm theo gió giật, sấm chớp ầm ầm. Bản tin thời tiết thông báo áp thấp nhiệt đới đang đổ bộ vào địa phận tỉnh Bình Thuận, mưa lớn kéo dài trong 1 - 2 ngày nữa. Tôi lăn tăn, phân vân mãi chưa dám đi vì mưa rả rích suốt đêm, kéo dài đến sáng. Bầu trời hôm ấy xám xịt như một gã khổng lồ hung tợn đang rình rập nuốt chửng kẻ nào to gan ra đường… Tôi gọi điện thoại cho trưởng phòng, xin khất lại vài ngày sau sẽ đi vì Bắc Bình, Tuy Phong đang mưa lớn. Tưởng sẽ được thầy thông cảm, ai ngờ đầu dây bên kia giọng đanh thép: “Làm báo mà sợ trời mưa à, mặc áo mưa mà đi, mưa thế này mới có sự kiện hay để viết chứ”, rồi “vô tình” cúp máy không một lời động viên. Lòng tự ái trỗi dậy, tôi thu xếp đồ đạc, mặc áo mưa lên đường mà lòng đầy ấm ức. Một mình trên con “ngựa sắt”, tôi lủi thủi chạy một mạch đến xã Phong Phú. Đường sá vắng tanh, gió cứ tạt nghiêng, tạt dọc làm tôi muốn lạc tay lái, mưa thì tạt vào mặt rát buốt. Trên đường đi lòng cứ thầm trách sao trưởng phòng thử thách mình khó thế, rồi nghĩ quẩn, lỡ không may mình bị tai nạn, xe hư, bị sét đánh… Cái lỡ ấy chưa xảy ra thì tôi đã đến xã an toàn, trách mình chỉ giỏi nghĩ chuyện không hay.

Được cán bộ xã quan tâm, nhiệt tình giúp đỡ, “cục tức” trong tôi cũng tan dần và quên hẳn khi nghe tin nhiều vườn nho của nông dân gần tới ngày thu hoạch bỗng tan tành theo cơn mưa áp thấp nhiệt đới. Thấy phóng viên có mặt kịp thời, nhiều nông dân khen tôi con gái mà chịu khó, mưa to, gió lớn cũng dũng cảm “ra trận”. Lẽ ra tôi có thể tự hào, cười khoái chí, nhưng ngược lại tôi cảm thấy thẹn thùng, xấu hổ vô cùng. Nếu không có câu nói như ra lệnh của người trưởng phòng “khó ưa”, tôi đã vô tư ở nhà núp mưa, không được chứng kiến cảnh nông dân phải vất vả chống chọi với thời tiết, cố gắng cứu các giàn nho bị gió quật ngã; không thấy được nỗi lo lắng, thất vọng trong ánh mắt của họ khi nhìn các chùm nho đến ngày thu hoạch bỗng bung nứt… Càng không biết được mình có khả năng “thắng” thời tiết để tiếp cận với nông dân sớm hơn dù chỉ 1 ngày, 1 giờ. Nhờ đi trong mưa gió, tôi mới cảm được sự sợ hãi của các em nhỏ trường mầm non ở thị trấn Lương Sơn ngồi chồm hổm trên ghế khóc òa khi nước ngập cả sân trường, lớp nào cũng dột, nước dâng cao tràn vào lớp học bì bõm nước. Nhờ đi vào lúc thời tiết khắc nghiệt, tôi mới tận mắt chứng kiến thầy trò thôn Đá Trắng - xã Sông Bình mỗi ngày chèo đò hoặc bơi qua sông để đi tìm con chữ…

Đúng như lời trưởng phòng nói, nơi nào càng khó khăn, khắc nghiệt, nơi đó sẽ có những đề tài hay, độc và lạ. Tôi vẫn còn giữ những bản thảo giấy mà nhà báo Phương Đại đã sửa cho mình suốt 1 năm đầu tập tành làm báo. Ông ít nói, nhưng qua những lời động viên hiếm hoi, những lời nhắc nhở chân tình đã làm một đứa phóng viên mới vào nghề như tôi lúc ấy được cọ xát, được học hỏi biết bao điều mà không trường lớp nào sánh được. Nay ông đã về hưu, nhưng nhìn những bản thảo giấy đầy lỗi đỏ ngày xưa, nhắc tôi rằng, càng lâu năm trong nghề, càng phải cẩn thận, tỉ mỉ từ câu chữ đến thông tin và có trách nhiệm với bản thảo của mình.

“Đồng hồ điểm 24 giờ, tôi nằm cuộn tròn trong chăn nghe mưa lướt qua cửa sổ, bâng quơ nghĩ về vườn nho, về những người nông dân chất phác, về những thầy trò vùng sâu, vùng xa… Ngày mai, tôi kết thúc chuyến công tác trở về cơ quan, cũng là lúc áp thấp nhiệt đới đi qua cuốn theo bao điều phiền muộn và tôi sẽ nói lời cảm ơn với ông”, trang nhật ký ngày ấy làm tôi nhớ và thầm biết ơn trưởng phòng “khó tính”. Người mà tôi gọi là “người thầy đầu tiên” trong sự nghiệp làm báo của mình.

SONG NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cuốn tiểu thuyết sinh động về nghề báo
BTO - Tôi bị bắt mắt, bắt lòng suốt 393 trang tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” (*) của Phạm Quốc Toàn. Bắt mắt, bởi sách đẹp, trang nhã từ bìa đến ruột. Bắt lòng, bởi nội dung tiểu thuyết xoay quanh chuyện nghề báo, Hội báo mà tôi yêu quý. Phan Hoàng từng là sếp nghề, sếp hội của chúng tôi. Cho dù tác giả đã tiểu thuyết hóa, thay tên đổi họ các nhân vật thì đâu vẫn nguyên đấy, vì tôi và tác giả cũng là người trong cuộc lai rai một thời với nhân vật Phan Hoàng... Vậy mà, gấp sách lại thì Phan Hoàng và tác giả cứ như đang bừng thức trong tâm trí tôi vậy! ...
Đọc tiếp
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người thầy đầu tiên