
Ưu tiên dùng hàng Việt
Tết Nguyên đán 2022 đang cận kề, thời điểm này nhu cầu mua sắm tết của người dân bắt đầu tăng. Tại các siêu thị, cửa hàng, tạp hóa trên địa bàn tỉnh lượng người đến mua sắm tết bắt đầu nhộn nhịp. Chị Hà ở xã Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc) đã chọn siêu thị Coop.Mart Phan Thiết là nơi để mua sắm tết phục vụ nhu cầu cho gia đình. Theo quan sát, chị Hà lựa chọn các sản phẩm như bánh, kẹo, mứt đến quần áo, giày dép… đều là hàng Việt Nam. Chị Hà cho biết: “Tôi thấy các mặt hàng Việt có mẫu mã đẹp, bắt mắt, chất lượng và giá cả hợp lý nên tôi tin dùng”. Cùng suy nghĩ, chị Lắm ở phường Phú Thủy (TP. Phan Thiết) chia sẻ: “Trước đây, tôi thường hay mua hàng ngoại nhưng những năm gần đây tôi chuyển qua mua các sản phẩm, mặt hàng Việt Nam. Tôi thấy, hiện hàng Việt rất đa dạng, không chỉ bắt mắt về mẫu mã mà chất lượng rất tốt không thua kém hàng ngoại”.
Theo khảo sát của chúng tôi tại một số siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ bày bán hàng Việt Nam chiếm ưu thế. Các mặt hàng cơ bản có nguồn gốc, nhãn hiệu, nhiều loại hàng hóa gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngày càng thể hiện trách nhiệm, đạo đức đối với người tiêu dùng, đã sản xuất nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, phong phú về chủng loại, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu, tín nhiệm của người tiêu dùng. Về phía người tiêu dùng đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước. Từ đó, đã thay đổi không chỉ là sự vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà hiện tại hàng Việt đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng.
Quản lý chặt hàng kém chất lượng
Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nhưng việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm, đẩy mạnh triển khai thực hiện. Trong đó, công tác triển khai Hội chợ triển lãm và đưa hàng Việt về nông thôn đã được Sở Công Thương tổ chức, vận động 18 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia phiên chợ hàng Việt tại huyện Phú Quý. Cùng với đó, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt, thực hiện các chương trình khuyến mại và bình ổn thị trường được Sở Công Thương chú trọng thực hiện…

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của các ngành chức năng được tăng cường thực hiện. Cụ thể, trong năm 2021, Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh tiến hành kiểm tra việc triển khai thực hiện cuộc vận động tại huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Đức Linh, Tánh Linh. Sở Công Thương tổ chức thanh tra 3 đợt chuyên ngành trên các lĩnh vực điện, vật liệu nổ công nghiệp, xăng ở 17 đơn vị. Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức thanh tra 2 đơn vị kinh doanh điện sinh hoạt; kiểm tra 10 tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết bị điện, điện tử, xăng dầu, mũ bảo hiểm. Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 1.131 vụ, phát hiện 351 vụ vi phạm với số tiền phạt vi phạm hành chính và bán hàng tịch thu nộp ngân sách nhà nước 3,5 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thanh tra 434 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp, qua đó xử phạt hành chính 61 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 222 triệu đồng và tổ chức cho 2.609 cơ sở ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản an toàn. Các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra trên 278 cơ sở, xử phạt 21cơ sở với số tiền phạt hơn 100 triệu đồng.
Có thể thấy, qua công tác thanh kiểm tra, đã đánh giá kết quả trong triển khai thực hiện cuộc vận động và định hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở các địa phương. Đồng thời phát hiện nhiều cơ sở sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, được xử lý nghiêm đúng theo pháp luật, từ đó tạo được niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt.