Theo dõi trên

Nhân rộng phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng

07/06/2022, 05:39

Xây dựng xã hội học tập nhất thiết phải xây dựng từ gia đình, dòng họ và cộng đồng, bởi mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Do đó việc triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng” là nhân tố tích cực thúc đẩy một xã hội học tập.

Học tập suốt đời để trau dồi kiến thức

Kiến thức học trong các trường chính quy, kể cả học đại học và sau đại học không đủ để dùng trong suốt cuộc đời. Vì vậy, để sống, làm việc và tồn tại trong thời đại ngày nay thì việc học thường xuyên, học suốt đời là rất cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn quan niệm hẹp về học tập, còn quá coi trọng nặng nề việc học tập theo trường, lớp chính quy, các lớp tập huấn, chuyên đề… mà chưa khuyến khích các hình thức, phương thức học tập đa dạng khác như học ngoài nhà trường và tại các thiết chế giáo dục khác. Đây cũng là hạn chế của các tiêu chí công nhận “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học”. Chưa phản ánh đầy đủ bản chất, ý nghĩa của học tập suốt đời. Mục đích của học tập suốt đời không chỉ để có bằng cấp mà thực sự phải là nhu cầu ham hiểu biết, tìm tòi kiến thức để làm việc, tồn tại, thích nghi và chung sống. Do đó, việc xây dựng bộ tiêu chí công nhận “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập” vừa kế thừa những tiêu chí đánh giá gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học trước đây, đồng thời cũng phản ánh rõ nét bản chất của học tập suốt đời. Để triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng trên địa bàn tỉnh, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa Hội Khuyến học, ngành giáo dục và các ban, ngành, đoàn thể. Điều quan trọng hơn cả là xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Chính vì thế, Đảng bộ cơ sở cũng cần có nghị quyết để triển khai xây dựng phong trào theo kế hoạch do UBND và Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập của tỉnh ban hành.

nh-nl-2-.jpg.jpg
Ảnh minh họa: N.Lân.

Nhân rộng các mô hình học tập trong xã hội

Xuất phát từ tình hình thực tế của tỉnh, UBND tỉnh đã có kế hoạch thực hiện chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh với mục tiêu là: Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua, học tập thường xuyên, liên tục, học tập suốt đời trong các tầng lớp nhân dân thông qua việc triển khai hiệu quả, nhân rộng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội học tập. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đến năm 2025, có 70% gia đình được công nhận đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 65% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, 65% cộng đồng (thôn, khu phố và tương đương) được công nhận đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”, 80% các tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn cấp xã được công nhận đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”. Có 40% người lao động trong “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”,“Cộng đồng học tập”, 60% cán bộ, công chức, nhân viên trong “Đơn vị học tập” trên địa bàn cấp xã đạt danh hiệu “Công dân học tập”. Đến năm 2030, có 80% gia đình được công nhận đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 75% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, 75% cộng đồng được công nhận đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”, 90% các tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn cấp xã được công nhận đạt danh hiệu “Đơn vị học tập” và 60% người lao động trong “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”,“Cộng đồng học tập”, 80% cán bộ, công chức, viên chức trong “Đơn vị học tập” trên địa bàn cấp xã đạt danh hiệu “Công dân học tập”. Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh cho biết cần phải bổ sung, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình học tập trong xã hội. Triển khai thực hiện bộ tiêu chí đánh giá các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập phù hợp với các phương thức học tập suốt đời trong điều kiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân được tiếp cận hoặc tạo ra những cơ hội học tập cho mọi người dân, đặc biệt là tầng lớp người lao động trong các thành phần kinh tế. Xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu, chương trình, triển khai các bộ tiêu chí trong các tổ chức khuyến học và trên các địa bàn dân cư trong tỉnh. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, phổ biến về xây dựng và phát triển các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập trong cộng đồng. Phát động phong trào thi đua, tổ chức cuộc vận động để thúc đẩy học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, gắn kết với phong trào xây dựng cộng đồng học tập cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp với ngành giáo dục, ngành văn hóa, ngành thông tin để phát triển nguồn lực thông tin, duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, các thiết chế văn hóa cơ sở, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh triển khai nhân rộng các mô hình học tập trong xã hội…

THANH QUANG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phát động Cuộc thi tác phẩm báo chí về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí  Minh” giai đoạn 2022-2025
Ngày 19/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi tác phẩm báo chí về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2022-2025. Đây là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022).
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân rộng phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng