Theo dõi trên

Nhớ lũy tre làng

14/10/2022, 05:55

Đã lâu lắm không về quê, tôi nhớ lũy tre làng. Nhưng phần đông ở quê bây giờ ảnh hưởng đô thị hóa nên hình như “lũy tre làng” không còn? Trong tôi, lũy tre làng có nhiều kỷ niệm, thật khó quên. Tôi đã xa quê lâu rồi.

Xa thật rồi. Dù xa quê, nhưng ai ngăn được nỗi nhớ quê hương? Riêng tôi, tôi nhớ lũy tre làng, vì nơi đây tôi đã sinh ra rồi lớn lên, nhìn đâu cũng thấy cây tre, thấy những con chim đậu mút trên cành tre đu đưa tưởng có thể rớt xuống được, và gió lay cành tre kẽo kẹt làm nên một điệu nhạc vui tai. Ở nhà quê còn có nhiều thứ để nhớ, nhưng bỗng dưng tôi lại nhớ lũy tre làng, và nhớ những mụt măng của một thời kiếm tìm, bới móc để cứu đói.

tre-lang.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn IT

Ai cũng biết cây tre, dân quê tôi ăn ngủ cùng tre: cất nhà, ngăn vách, giường nằm, thúng mủng rổ rá, đũa ăn, vót dây cột, kều móc, thang leo… nhưng điều kỳ diệu của tre thì ít người biết. Có thể nói không ngoa rằng tre là loại cây thân thiện với con người, mặc dù tràn ngập thị trường những vật dụng làm bằng inox, sắt, nhôm, nhựa sáng choang, nhưng cây tre vẫn còn chỗ đứng trong đời sống hàng ngày, tuy rằng hơi khiêm tốn, lâu lâu mới tìm đến tre. Vì có những việc phải dùng đến tre mà thứ khác không thay thế được.

Ở thế kỷ 21 này, người ta bảo tồn tre bằng cách dựng lên làng tre, gây giống… (khác với lũy tre làng), nghe đâu ở thời đại khoa học kỹ thuật này, tre có tới mấy trăm loại, và điều kỳ diệu thay, tre chế ra được nước hoa, làm khung sườn xe đạp, rồi tre có khả năng giải độc...   Và xin đừng quên rằng tre có một thành tích rất lớn đáng tự hào, là chống giặc ngoại xâm với những hầm chông cắm tre vót nhọn mà thằng Tây mới thấy đã phải xanh máu mặt dù chưa giẫm phải!

Quê tôi có lũy tre bao quanh làng. Tôi đoán chừng nhiều thế hệ đã cư ngụ lâu đời ở mảnh đất này, vì khi tôi sinh ra, thì lũy tre đã có, mỗi ngày tre già nua theo năm tháng, nhưng không phải như vậy mà tre mất đi, nó vẫn tồn tại theo định luật “tre tàn măng mọc”.

Tuy biết rằng quê cũ bây giờ lũy tre làng thưa dần, bởi đất chật người đông. Nhưng dù có mất đi rồi, tôi vẫn hình dung được cái làng quê tôi ngày ấy có lũy tre xanh mướt những ngày đầu xuân, héo hắt vàng lá cuối thu và lả ngọn những ngày mưa bão.

Làng thường bao bọc bởi lũy tre, cho nên người ta gọi “sau lũy tre” chớ không ai gọi làng “trước lũy tre”. Cuộc đời này, hình như đằng sau bao giờ cũng bình yên hơn phía trước? Phía trước thường rủi ro, bất trắc, có đôi khi phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, thậm chí phải đổi bằng máu để có một phía sau an bình?

Sau lũy tre là một làng quê yên ắng, chỉ xao động những buổi sớm mai, đâu đó có tiếng “gà gáy trên đầu ngọn tre”, và một chút lao xao khi chiều về có “tiếng trâu nghé ngọ”. Thỉnh thoảng cơn gió thoáng qua hàng tre đong đưa, và những âm thanh, mùi vị đồng quê mà khách lạ ngửi, thấy khó chịu, khó phân biệt được. Nếu không nói quá, cây tre là biểu tượng của người Việt Nam vì tính bền bỉ, dẻo dai, đoàn kết (tre không mọc đơn lẻ). Quê hương tôi nhìn đâu cũng thấy tre… Những loại tre quen thuộc như tre gai, tre đá, tre lồ ô, le, tre tàu… Nhưng bây giờ, các nhà khoa học, những người nghiên cứu về cây tre đã đặt tên rất đẹp cho tre Việt Nam như: Vàng sọc, tre ngà… Và có những tên nước ngoài khó đọc như Bambusa, Telnostachyum… Và cũng biết đâu chừng, một ngày nào đó cái tên dân dã khai sinh đã bao đời như tre gai, le, lồ ô, mỡ, tàu… biến mất như sự biến mất của lũy tre làng. Nếu thế, thì tiếc quá!

Đặc biệt, tre trồng làm hàng rào quanh làng là loại tre có rất nhiều gai, tiếp xúc với nó thì hãy cẩn thận coi chừng bị cào xước da, rách áo.

Tôi nghĩ, tổ tiên ông bà chúng ta trồng tre quanh làng không phải để rào làng, vì trong làng không có gì để mất, cũng không phải để giữ đất, ngăn chia tình làng nghĩa xóm, mà hình như lũy tre làng là biểu tượng của sự che chở, ấp ủ, bao dung, gắn bó và là bóng mát của cuộc đời. Ước mong sự tiếp nối ngàn đời của họ hàng, con cháu, sống êm đềm hạnh phúc sau lũy tre làng.          

TRẦN HỮU NGƯ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Lễ hội Dinh Thầy Thím: Từ nét đẹp văn hóa, đến du lịch tín ngưỡng
Chiều 9/10, Lễ hội Dinh Thầy Thím đã chính thức diễn ra. Phó Chủ tịch UBND tỉnh – ông Nguyễn Minh đã đến dự khai mạc lễ hội văn hóa truyền thống và thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật khá hoành tráng, tái hiện lại quá trình hình thành và sự phát triển của vùng đất.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ lũy tre làng