![]() |
Nhà văn Nam Hà. |
Tôi nhớ, nhà văn Nguyên Ngọc từng có một nhận xét, đúng hơn là một chiêm nghiệm rất đáng để chúng ta suy nghĩ: “… Một nền văn học là gồm những tác phẩm, ưu tú và chưa thật ưu tú, đã đành. Một nền văn học còn là một kiểu nhà văn. Mà đó mới là cái gốc. Kiểu nhà văn nào thì tạo ra nền văn học ấy, với những tác phẩm ấy…”.
Thử soi vào nền văn học Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; ta sẽ dễ dàng nhận ra một kiểu nhà văn khá độc đáo theo cách nói của Nguyên Ngọc, đó chính là các “nhà văn - chiến sĩ” mà Nam Hà là một trong những trường hợp điển hình cho kiểu nhà văn độc đáo này.
Nhà văn Nam Hà (còn có bút danh là Trúc Hà) tên thật là Nguyễn Anh Công, sinh năm 1935 trong một gia đình rất yêu thích văn chương ở Đô Lương, Nghệ An; 16 tuổi đã gia nhập bộ đội, làm phóng viên cho một tờ báo của Tỉnh đội. Ngoài 20 tuổi đã được tặng 2 giải thưởng về truyện ngắn của tạp chí Văn Nghệ Quân đội và tạp chí Văn Nghệ - Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Từ biên chế của tạp chí Văn Nghệ Quân đội, Nam Hà đi B (vào chiến trường miền Nam theo cách gọi lúc bấy giờ) năm 1964 trong Đoàn văn hóa - văn nghệ do Tổng cục Chính trị thành lập để bổ sung cho khu VI. Trước đó, vào năm 1961 nhà văn Phan Tứ đã về chiến trường khu 5. Đến tháng 3/1962, các nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Ngọc Tấn (tức Nguyễn Thi) cũng tiếp tục được bổ sung vào chiến trường khu 5 và Nam bộ. “Đi B” hay “về Nam” trong bối cảnh bấy giờ là khát khao cháy bỏng của những người con miền Nam tập kết ra Bắc, trong đó có cả những nhà văn quân đội.
Mang theo lời dặn dò của Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - Lê Quang Đạo, gần 8 năm ở chiến trường khu VI, nhà văn Nam Hà đã kinh qua những công việc không khác gì một người lính thực thụ: chiến đấu, chống càn, đột ấp, xuống các vùng công tác. Phải sống và chiến đấu là việc làm đầu tiên, còn sáng tác văn nghệ, trong đó có việc viết văn, làm thơ, làm báo hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh ở chiến trường. Viết chủ yếu là phục vụ kịp thời, xuất bản tại chỗ “bằng miệng”; cố gắng tích lũy để sau này có điều kiện viết dài hơi về chiến tranh. Nam Hà hòa nhập rất nhanh vào môi trường mới, thuộc nằm lòng câu châm ngôn “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”; đồng thời tồn tại cùng đồng đội với thực đơn hết sức đặc biệt “muối trường kỳ, mì chiến lược”. Anh xác định phục vụ kịp thời cho bộ đội, cho nhân dân là một yêu cầu bức thiết khách quan, là một nhiệm vụ cao cả mà bất cứ một văn nghệ sĩ nào ở chiến trường cũng đều phải ra sức cố gắng thực hiện. Để có được những bài thơ, truyện ngắn, những ghi chép, nhà văn Nam Hà cũng như các đồng nghiệp phải vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách. Đó là cách áp bức về mặt địa lý khiến cho mọi liên lạc từ Trung ương vào, từ Miền trở ra bị gián đoạn. Đó là sự thiếu thốn triền miên về lương thực khiến cho “cái ăn”, “cái tồn tại” luôn được đặt lên hàng đầu. Đó còn là sự “khao khát” đến cháy lòng về việc trao đổi kinh nghiệm sáng tác, giao lưu văn học đối với các địa phương khác.
Nhà văn Nam Hà từng kể lại rằng suốt thời gian ở chiến trường, anh chưa một lần nhìn thấy tờ báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, tạp chí Văn Nghệ Quân đội. Còn báo Quân giải phóng, tạp chí Văn Nghệ Quân giải phóng của Cục Chính trị Miền thì “năm thì mười họa” mới tới được khu VI; mở ra, có tờ không đọc nổi vì rách nát, ngấm nước, mốc, ố… Ấy vậy mà, anh đã góp vào nền văn học giải phóng miền Nam các tác phẩm “Gió vịnh Cam Ranh”; “Mùa rẫy”; “Khi Tổ quốc gọi lên đường”; “Trở lại Bác Ái”. Đặc biệt, trong một lần bám theo Tiểu đoàn 840 chủ lực của khu VI xuống tận địa bàn Tuy Tịnh - Tuy Phong, Bình Thuận; Nam Hà đã viết nên một trong những bài thơ hay của thơ ca chống Mỹ, cứu nước. Những câu thơ trích dẫn dưới đây có trong sổ tay của nhiều thế hệ độc giả, thậm chí nó còn đủ sức thôi thúc một bộ phận thanh niên, học sinh miền Bắc lúc bấy giờ tự nguyện cầm súng lên đường vào Nam, bảo vệ Tổ quốc:
Đất nước của những người con gái, con trai
Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép
Xa nhau không hề rơi nước mắt
Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt
(Chúng con chiến đấu cho
Người sống mãi, Việt Nam ơi!)
Sau ngày đất nước thống nhất, với độ lùi về thời gian, lại có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn tài liệu phong phú từ hai phía; từ năm 1975 đến năm 2007, Nam Hà liên tiếp cho ra đời các bộ tiểu thuyết sử thi dày dặn viết về chiến tranh cách mạng như: Đất miền Đông; Trong vùng Tam giác sắt; Ngày rất dài. Riêng đối với quê hương Bình Thuận, anh đã có các tiểu thuyết Lửa Xuân; Dưới những cánh rừng Ô rô (đạt loại A - giải thưởng Văn học nghệ thuật Dục Thanh của UBND tỉnh Bình Thuận năm 1995 - 2000); tập truyện ngắn Mùa Xuân; truyện vừa Trận Xuân Phong và tập thơ Chúng con chiến đấu. Đó là kết quả của những nung nấu trong anh từ bao tháng ngày sốt rét, đói cơm, lạt muối ở chiến trường khu VI và Bình Thuận - cực Nam.
Với hàng chục tác phẩm (gồm nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện ký, ký sự, bút ký, tản văn và thơ) viết về chiến tranh cách mạng được xuất bản và tái bản nhiều lần, Nam Hà đã nhận được giải thưởng văn học của Bộ Quốc phòng (1994, 2004), của Hội Nhà văn Việt Nam (1996) và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2007). Trọn cuộc đời cầm bút, anh vẫn chung thủy với đề tài cách mạng, kháng chiến mà anh luôn tâm niệm như “một nghĩa vụ, trách nhiệm lớn” phải trả cho đồng đội kể cả những người còn sống và những người đã khuất. Ngoài sáng tác, nhà văn Nam Hà còn cùng các đồng nghiệp dành nhiều tâm huyết, hoàn thành bộ Tổng tập Nhà văn Quân đội đồ sộ, với gần 4.000 trang in, khổ lớn, được đánh giá cao và để lại ấn tượng rất tốt đẹp trong đội ngũ nhà văn mặc áo lính.
Những năm tháng cuối đời, sức khỏe dần suy yếu, phải thường xuyên vào viện chữa trị; nhà văn Nam Hà đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 19/5/2018, hưởng thọ 83 tuổi. Xin nhà văn - chiến sĩ Nam Hà hãy thanh thản ra đi. Tôi tin rằng những trang văn, bài thơ hừng hực khói lửa chiến trường, đậm chất sử thi ông viết về cách mạng và kháng chiến sẽ mãi còn lưu giữ trong tâm trí nhiều thế hệ người đọc.
ĐỖ QUANG VINH