Theo dõi trên

Nhớ thương ngày cũ…

09/09/2022, 05:53

Chồng mua về một hộp bánh trung thu và hai chiếc lồng đèn giấy làm quà cho hai đứa nhỏ. Thấy hộp giấy đỏ in bánh hình hoa rất đẹp chợt giật mình đã trung thu rồi sao.

Nhanh thật! Bọn trẻ háo hức đốt nến rước đèn chạy vòng quanh sân chứ chẳng màng tới dĩa bánh bày trên bàn. Phải gọi hối hai đứa mới chạy vào ăn bánh uống trà. Hai đứa nhỏ chẳng hứng thú gì trước dĩa bánh hình hoa đẹp mắt. Mỗi đứa cầm một miếng, cắn mỗi một cái đã chê: ngọt quá, béo quá con không ăn đâu, rồi lại cầm lồng đèn đuổi bắt nhau cười vang.

cach-lam-banh-trung-thu_1785931643.jpg

Chỉ còn hai vợ chồng. Nhìn miếng bánh cắn dở chồng bật cười: hồi xưa mình thèm muốn chết không có ăn, giờ tụi nó chê thấy hông. Tôi cắn thử một miếng. Ngon. Vị ngon hơn hồi xưa nhiều. Bây giờ người ta làm nhiều mùi vị khác nhau. Đủ loại. Bánh mặn cũng đủ loại nhân mà bánh ngọt cũng nhiều vị mới. Riêng bên ngoài thì vẫn giống hồi xưa, hình hoa đẹp mắt, màu vàng ươm ánh mỡ mới nhìn đã thấy thèm.

Hai vợ chồng đành ráng ăn cho hết dĩa bánh đã cắt. Cắn một miếng bánh, nhấp chút trà. Vị ngọt của bánh nồng gắt trong cổ gặp vị trà hơi chát đã vội thay đổi dịu hẳn đi thành thứ vị rất lạ, khiến người ta muốn ăn miếng nữa. Có lẽ vậy nên người xưa mới có thú ăn bánh uống trà. Trăng mười ba chưa tròn chưa đẹp nhưng cũng đủ làm lòng người rưng rức nhớ thương những ngày xưa cũ…

Nhớ hồi đó, lần đầu tiên cả nhà được ăn bánh uống trà ngắm trăng là khi chị hai lãnh tháng lương đầu tiên. Lúc đó tôi đã học cấp 3, to ngồng nhưng vẫn chưa được biết mùi vị bánh trung thu ra sao. Khi chị đem hộp bánh về, mẹ giãy nảy: trời đất ơi, sao mà hoang phí vậy, có mấy cái bánh mà tốn hơn trăm ngàn đồng, lương được mấy đồng mà xài sang vậy con? Chị hai cười cười thôi kệ để mấy em ăn cho biết mẹ ơi, tiếc làm gì.

Thế là tối đó cả nhà quây quần ra ngoài hiên, ba pha một bình trà, thứ trà rẻ tiền vài ngàn đồng một lạng thôi, bỏ thêm ít bông nhài hái trước nhà, rót cho mỗi người một ly nhỏ. Màu vàng sẫm ánh lên trên nền men trắng và hương thơm dìu dịu của hoa nhài quyện vào nhau thật hấp dẫn. Trăng mười bốn làm khu vườn như tắm mình trong thứ ánh sáng dịu mát. Gió nhẹ mơn man… Tất cả cộng hưởng với nhau, hòa vào nhau thành một thứ không khí lạ kỳ, khác hẳn những đêm trăng trước.

Ai cũng háo hức ăn thử xem bánh trung thu ngon tới chừng nào vì xưa giờ chỉ được xem quảng cáo trên ti vi. Tôi và hai đứa em nhồm nhoàm nhai vì ngon quá và cũng vì sợ hết phần. Cả nhà cười bò nhìn ba đứa háu ăn. Chị hai nhường phần bánh cho ba đứa em ghẹo: ăn bánh uống trà thì phải ăn từ từ ai lại đi ăn như Trư Bát Giới ăn trái nhâm sâm thế kia. Nghe chị nói cả nhà lại cười ồ lên, tôi thanh minh: tại bánh ngon quá, phải ăn nhanh chứ hết sao. Mải lo ăn tôi đâu có để ý thấy mắt mẹ buồn buồn, có lẽ mẹ thấy thương lũ con vì bao nhiêu năm chẳng được đủ đầy như con người ta.

Từ đó trở đi, mỗi lần tới trung thu chị hai lại mua bánh đem về, cho tới khi chị đã đi lấy chồng cũng vậy, bao giờ cũng đem quà về cho các em. Rồi chị em chúng tôi mỗi người một ngả, người lấy chồng, đứa đi học đại học. Cũng chẳng còn mấy dịp được quây quần cùng nhau thưởng trăng thu nữa. Giờ mỗi lần trung thu, gọi điện hỏi thăm, mẹ cười bánh thì có mà chẳng ai ăn, ăn mình ngán quá phải đem cho mấy đứa nhỏ hàng xóm. Giọng mẹ nghe buồn buồn. Mang tiếng nhiều con nhiều cháu mà giờ côi cút một mình…

Nhìn miếng bánh cắn dở dang của hai đứa nhỏ trong dĩa, lòng lại buồn rười rượi. Tụi nhỏ bây giờ vật chất đủ đầy đâu còn thấy thèm thứ gì. Bánh ngon mà chúng chỉ cắn chơi một miếng đã chê không thèm ăn nữa. Lại thấy thương những ngày đói khổ, thiếu thốn đủ đường. Lại thấy nhớ nhà, nhớ mấy chị em. Thèm được quây quần bên nhau, thèm được rôm rả chuyện trò. Thèm được quay về cái thời nghèo khó, tuy thiếu thốn mà lúc nào cũng rộn rã tiếng cười.

Bây giờ mấy chị em đã ổn định kinh tế hết rồi mà sao mỗi dịp tụ họp nhau cũng chẳng còn được vui vẻ như xưa. Bởi sao, bởi trong lòng ai cũng bộn bề bao nỗi lo cơm áo gạo tiền, tiếng cười đâu còn trong trẻo vô tư nữa. Vừa rồi lại xích mích nhau chuyện phân chia tài sản cha mẹ cho, giờ đến gặp mặt nhau cũng chẳng còn muốn gặp.

Ngẫm người xưa nói đúng quá chừng: được này thì mất kia. Nghèo khổ không có nhiều tiền thì có niềm vui, lúc nào cũng vô tư cười nói. Khi có tiền rồi niềm vui chẳng còn nữa, lại ước ao trở về ngày tháng cũ. Cuộc sống luôn luôn khắc nghiệt như vậy. Đành chấp nhận. Nên tôi vẫn muốn để cho hai con trải qua những ngày tuổi thơ vui vẻ, không ép học, không ép làm việc nhà, lo đủ đầy cho con nhưng không quá chiều chuộng để con sinh hư. Nhìn hai đứa cười đùa vô tư lại thấy xót xa khi nghĩ cảnh mai này chị em không còn thuận hòa nữa. Mà thôi, nghĩ chi cho nhiều, được ngày nào vui vẻ thì cứ vui. Như trăng trên trời, bao nhiêu năm trôi qua, vẫn đứng yên ở đó, lặng lẽ soi ánh sáng, nhẫn nại cả đêm thức một mình có hề than vãn gì đâu…        

TRÚC NGÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Mùa trung thu năm ấy
Nắng tắt, màn đêm cũng vội vã kéo về. Mấy cơn gió nhẹ thoảng qua làm dịu cái nóng của một ngày dài. Tiết trời chẳng còn gay gắt như những ngày cuối hạ. Trời chuyển mình sang thu.
Nổi bật
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 – 1/5/2024): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dù đồng chí hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đảng và Nhân dân ta luôn nhớ tới đồng chí, nhớ tới những đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng, nhớ tới người Cộng sản bất khuất, kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Đảng và Nhân dân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ thương ngày cũ…