Theo dõi trên

Những cuộc dịch chuyển của lựa chọn

01/11/2022, 05:01

Lúa - sen - thanh long…

Bây giờ đã qua tháng 11, thời điểm mà theo chỉ đạo của UBND huyện Bắc Bình đã kết thúc sản xuất vụ mùa khoảng 15 ngày. Thế nhưng, một số hộ dân vẫn chưa xuống giống, khiến các cánh đồng ở Phan Hiệp, Bình An… có tình trạng “da beo” với nơi còn lởm chởm gốc rạ vụ hè thu, nơi đang có lúa vụ mùa và nơi có những vạt sen đang vào mùa nở hoa rực rỡ. “Các hộ này tính toán không sản xuất vụ mùa, vì hiệu quả không cao, do hay bị ngập nước, sâu bệnh nhiều nên lựa chọn sản xuất lúa đông xuân sớm. Và cũng có hộ tính toán muốn chuyển sang trồng sen, vì giá hạt sen năm nay cao” - ông Trần Anh Thịnh – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Bình nói.

lan-2-.jpg
Đồng sen ở xã Phan Hòa, Bắc Bình. Ảnh: N.Lân

Từ bao giờ không ai nhớ, trên những cánh đồng ở Bắc Bình lại xuất hiện những ruộng sen. Đó được xem là thành quả của một vùng đất vốn mang tiếng khô hạn lâu nay đã được thủy lợi phủ khắp, nhờ hội tụ nhiều công trình thủy lợi, trong đó có cả “kho nước” hồ Sông Lũy với vai trò tích và chuyển nước đi các huyện khác. Trong cảnh có nước cho sản xuất nhưng có nông dân lại ngại xuống giống. Theo lý giải của các hộ dân, do giá phân thuốc vật tư tăng cao, trong khi giá lúa không theo kịp nên lúc này, nhiều người đứng trước lựa chọn xuống sen hay tiếp tục lúa. Mà xuống sen nhiều thì đầu ra có ổn không nên cứ phân vân mãi.

Đó là với những vùng trũng, thấp trong vụ mùa, còn tại các cánh đồng khác trên địa bàn huyện, nhờ có nước sản xuất dồi dào, người dân tiếp tục chuyển đổi từ giống cũ ML48… sang các giống lúa mới với diện tích ngày càng nhiều hơn, từ ảnh hưởng kết quả mang về khi thực hiện Nghị định số 62/2019 của Chính phủ. Như trong vụ mùa này, diện tích chuyển đổi, sản xuất giống lúa mới như Đài Thơm 8, OM84, ST24, ST25… đến gần 5.700 ha/12.343 ha diện tích gieo trồng, đạt 45,99% kế hoạch. Trong đó diện tích lúa sản xuất theo Nghị định 62/2019/NĐ-CP là 1.463 ha. Trong khi đó cây thanh long, vốn được mở rộng trong thời điểm giá cao, giờ đã không còn hiệu quả, vì sâu bệnh, thị trường bất ổn thì cũng đang giảm dần diện tích với hơn 1.500 ha, nếu tính từ đầu năm đến nay. Thay vào đó là các loại cây ăn trái khác…

Đã chuyển rõ sang công nghiệp, dịch vụ

Chính trong bối cảnh có thể xem là cao điểm dịch chuyển của các loại cây trồng ở đây thì tổng sản lượng lương thực trong 9 tháng như báo cáo của UBND huyện Bắc Bình cho thấy mới đạt tỷ lệ 73,7% kế hoạch, tức 170.976 tấn/232.000 tấn. Nếu so cùng thời điểm năm ngoái là giảm 19.848 tấn. Thế nhưng, ở huyện nông nghiệp này, 9 tháng qua, đã thu ngân sách vượt dự toán tỉnh giao đến 76,92%, tức đạt 318.459 triệu đồng/180.000 triệu đồng, tăng so cùng kỳ năm 2021 là 73,64%. Nhờ vậy, đã đảm bảo được chi thường xuyên, chi cho các chính sách an sinh xã hội và chi cho đầu tư phát triển. Ngoài ra, còn giải quyết cơ bản kịp thời các khoản chi phát sinh bức thiết trong chỉ đạo điều hành của huyện.

Theo phân tích của ông Mai Văn Vụ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình, kết quả trên có được, nhờ công tác thu ngân sách nhà nước luôn được tập trung chỉ đạo; công tác quản lý, khai thác nguồn thu được chặt chẽ hơn; quản lý tốt các nguồn thu phát sinh theo thời vụ và huy động kịp thời vào ngân sách nhà nước. Trong đó nổi bật là các khoản thu phát sinh đột biến từ các dự án sản xuất điện và các dịch vụ xây dựng triển khai trên địa bàn, nhất là các hoạt động liên quan đến cao tốc. Điều đáng nói, các khoản thu phát sinh này sẽ không còn trong năm 2023, tuy nhiên các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ vẫn đứng đầu trong tạo nguồn thu ngân sách của huyện. Vì như năm nay, nếu không có các khoản phát sinh thì nguồn thu ổn định cũng vượt kế hoạch.

Từ các năm trước, huyện nông nghiệp Bắc Bình đã dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng: Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Kết quả thu về trong năm ngoái, khi các dự án, nổi bật là bên năng lượng triển khai trên địa bàn, đã đóng góp lớn cho ngân sách. Và năm nay, hướng phát triển ấy tiếp tục khẳng định thêm với sự vượt trội trên cùng với góp phần dịch chuyển lao động nông nghiệp sang.

BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tìm giải pháp “chữa bệnh” sợ sai, sợ trách nhiệm!
Những ngày qua, tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa XV, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, ý kiến của các đại biểu đánh giá trong bối cảnh đứng trước những khó khăn có thể nói là chưa từng có, nhất là đại dịch Covid-19 bùng phát, và trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu đã gây tổn thất lớn về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những cuộc dịch chuyển của lựa chọn