Chuẩn bị cho tết, những siêu thị đã nhập về rất nhiều mặt hàng, đủ chủng loại, giá cả khác nhau, đáp ứng nhiều nhu cầu của người tiêu dùng. Những tiệm tạp hóa đã nhập về nhiều bánh mứt, bia, nước ngọt các loại, có cả măng khô và các loại hạt khô: Hạt dẻ, mắc ca, hạt bí, hạt dưa; chả giò giòn dùng cho những ngày tết cũng đã về. Các cửa hàng bán quần áo may sẵn cũng đã trưng bày thêm nhiều mẫu hàng mới, nhiều sắc màu, kích cỡ. Các loại hải sản tươi cùng thực phẩm khô cũng đã tiếp tục được bày bán ở chợ Phan Thiết cùng các chợ địa phương. Ở các gian hàng bán đèn ở khu vực quanh chợ Phan Thiết, các lồng đèn lớn nhỏ, đèn trang trí nhiều màu sắc rực rỡ đã sáng đèn giới thiệu đến khách từ nhiều ngày qua. Cùng biết bao mặt hàng khác.
Song song với đó, việc chỉnh trang đô thị, làm các lề đường ở Phan Thiết cũng đã và đang được các cơ quan chức năng tiếp tục tiến hành, giúp cho các lề đường của nội thành Phan Thiết được lát đá giống nhau, độ cao đều nhau, đẹp hẳn lên. Nhiều công trình xây dựng dần được hoàn thiện. Việc thay mới các biển tên đường ở Phan Thiết, giúp bà con địa phương và du khách dễ nhận diện, thuận cho việc đi lại, tham quan, tìm hiểu.
Mọi việc tất bật, từ trong năm cho đến những ngày cận tết, từ kinh tế gia đình, công việc cơ quan, từ nhà nhà, đến các công sở; để rồi sẽ có những ngày tết mọi người tạm được nghỉ ngơi, để quây quần cùng gia đình bên mâm cơm ngày tết, bên chén trà cùng người thân, thăm hỏi bạn bè, chúc nhau những lời tốt đẹp, thuận thảo những ngày đầu năm mới. Có những ân tình bộc lộ trong những ngày tết đầm ấm: Ân tình của con cháu khi nhớ đến công ơn của tổ tiên ông bà, ân tình của các con khi nghĩ về cha mẹ, ân tình của những người thân.
Đã từng đón nhiều cái tết, song mọi người vẫn luôn có một niềm tin: Năm mới sẽ đem đến cho mình và gia đình những điều tốt lành, khác hơn, tốt hơn năm qua, cả sức khỏe, công việc làm, tiền bạc, cùng những điều may mắn khác, khó khăn rồi sẽ qua, thuận lợi sẽ đến, mọi sự được hanh thông. Người viết bài chợt nhớ đến ý kiến của nhà văn hóa Hữu Ngọc khi ông viết về Hồn tết truyền thống: “… Có lẽ, không ở nơi nào lễ hội xuân lại mang đến sự đồng cảm sâu sắc, huyền bí cho cả một dân tộc như Tết của người Việt: Đồng cảm giữa con người với vũ trụ, giữa người sống với người chết, giữa hiện đại với dĩ vãng lịch sử, giữa gia tộc – xóm làng – đất nước, giữa người đi xa với người ở nhà. Có thể nói: Hồn tết là một góc độ thể hiện hồn Việt. Tết thể hiện bản sắc của dân tộc Việt, kết tinh truyền thống bao đời”.
Tưởng nhớ về tổ tiên, ông bà, đi thăm mồ mả ông bà, mồ mả người thân trước tết, lau chùi bàn thờ, đơm hoa quả, bánh trái đón tổ tiên ông bà từ ngày ba mươi tết, thắp hương khấn nguyện đất trời, tổ tiên ông bà giờ giao thừa, giữ hòa khí gia đình, hòa khí xóm làng những ngày tết, tham dự các lễ hội của cộng đồng trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc… Những việc làm ấy, có phải chăng là sự minh chứng cho ý tưởng: “Hồn tết Việt Nam là tính cộng đồng dân tộc, thể hiện trong thờ cúng tổ tiên vào dịp đầu năm, giá trị gia đình và sự đồng cảm ngày xuân”.
Trong dòng chảy lịch sử dân tộc, tết của người Việt chúng ta đã rất thiêng liêng từ bao đời nay. Tết Việt vẫn tiếp tục trong những năm hiện tại và sẽ còn rất lâu dài về sau. Giữ hồn tết Việt, giữ nét văn hóa Việt từ bao đời truyền lại, là giữ sự yêu kính đối với tổ tiên, các bậc tiền nhân, lòng kính yêu, quý trọng, biết ơn sâu nặng ông bà cha mẹ, giữ những điều tốt đẹp của dân tộc.