Theo dõi trên

Thăm Nhà trưng bày Hoàng Sa

19/01/2024, 06:01

Trước đây, rời đảo tiền tiêu Phú Quý, khoảng 2 năm trước (tháng 3/2022), tôi có chuyến công tác tại TP. Đà Nẵng. Dù thời gian không nhiều, nhưng qua sự sắp xếp của cậu học trò cũ (hiện là sinh viên Đại học Duy Tân) nên chúng tôi đã có dịp đi thăm một số nơi tại “đô thị đáng sống” này.

Còn nhớ sáng hôm đó sau khi ngắm cảnh núi rừng Sơn Trà, tôi có ý muốn đến thăm thành Điện Hải – một đồn lũy quan trọng trong những năm đầu chống thực dân Pháp xâm lược (1858-1860); nhưng vì không rành đường nên đổi phương án, vào thăm Nhà trưng bày Hoàng Sa.

hoang-sa.jpg
Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Ngay khi bước vào khuôn viên nhà trưng bày, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là một tòa nhà không cao nhưng có lối kiến trúc ấn tượng - hình con dấu chủ quyền. Nổi lên là một khối vuông, mặt tiền được phủ một màu đỏ sao vàng của cờ Tổ quốc trên lối dẫn vào khu tham quan làm cho tôi hết sức bồi hồi xúc động vì lần đầu tiên được “đến thăm” huyện đảo.

Tài liệu thuyết minh cho biết, Nhà trưng bày Hoàng Sa được thành lập vào ngày 8/8/2017, chính thức đi vào hoạt động đón khách tham quan từ ngày 28/3/2018. Nơi đây đang trưng bày hơn 300 tài liệu, hiện vật, bản đồ, hình ảnh; được chia thành 5 chủ đề trưng bày. 1 - Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa. 2- Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam trước thời nhà Nguyễn. 3 - Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam thời nhà Nguyễn (1802-1945). 4 - Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa năm 1945 - 1974. Và chủ đề 5 - Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1974 đến nay.

Qua tham quan các hiện vật, đọc các tư liệu và nghe nhân viên nhà trưng bày thuyết minh đã giúp tôi hiểu rõ hơn quần đảo Hoàng Sa - một trong những quần đảo quan trọng của Việt Nam trên biển Đông, cũng như quá trình xác lập chủ quyền khai thác và quản lý qua nhiều chế độ từ thế kỷ XVI đến nay. Trước hết là hệ thống các bản đồ cổ, được soạn vẽ trong các thế kỷ XVII-XIX.

Một trong những tờ bản đồ đề cập đến Hoàng Sa có niên đại sớm nhất được phát hiện tại Việt Nam là “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” do Đỗ Bá soạn vẽ năm 1686. Bản trưng bày được sao chụp từ bản ký hiệu MF.40 hiện lưu trữ tại Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) ở Paris. Tấm thứ hai là “Thiên hạ bản đồ”, biên soạn vào thời Lê (thế kỷ XVIII), sao lục vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Phần chú dẫn (chữ Hán Nôm) cho biết, ngày trước Hoàng Sa có tên gọi là Bãi Cát Vàng. “Giữa khơi có một dải cát, gọi là Bãi Cát Vàng, dài ước 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng sừng sững giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh, mỗi khi có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi phía trong trôi dạt vào đây, khi có gió Đông Bắc thuyền đi phía ngoài cũng trôi dạt ở đây và đều chết đói hết cả, hàng hóa các loại đều bỏ lại ở đó. Nhà Nguyễn hàng năm vào tháng cuối đông (tháng 12) đem 18 chiếc thuyền đến đó để thu đồ vật, phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn” (bản dịch tờ 77-78 Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư lưu tại nhà trưng bày).

Ở phòng trưng bày thuộc chủ đề 3 – những bằng chứng dưới triều Nguyễn có “Đại Nam nhất thống toàn đồ” vẽ vào năm 1838 đời vua Minh Mạng. Đây là tấm bản đồ hành chính đầu tiên của triều Nguyễn có sự phân biệt rõ ràng giữa Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa ngoài biển Đông. Tấm thứ 2 - “An Nam Đại quốc họa đồ” do Giám mục Jean Louis Taberd vẽ in trong từ điển Latinh – Annam xuất bản năm 1838. Trên đó có hình vẽ quần đảo Paracel nằm trong vùng biển của Việt Nam có tọa độ gần đúng với thực tế, kèm theo dòng chú thích “Paracel seu Cát Vàng” (Paracel tức là Cát Vàng).

hoang-sa-1.jpg
Một góc trưng bày thư tịch cổ tại không gian trưng bày chủ đề 2 - Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam trước thời nhà Nguyễn.

Không chỉ trưng bày tư liệu Việt Nam, Nhà trưng bày Hoàng Sa còn giới thiệu một số tư liệu của Trung Quốc do Phương Tây và Trung Quốc xuất bản xác nhận lãnh thổ Trung Quốc không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có thể kể ra một số sau: Nhị kinh thập bát tỉnh tổng đồ và Quảng Đông toàn đồ in trong sách Thanh nhị kinh thập bát tỉnh cương vực toàn đồ do Đông Điều Văn Tả Vệ Môn soạn vẽ, xuất bản tại Trung Quốc năm 1850; bản đồ Đại Thanh đế quốc trong sách Đại Thanh đế quốc toàn đồ do Thượng Hải Thương vụ ấn thư quán xuất bản năm 1908. Đáng kể là bản Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do nhà Thanh ấn hành năm 1904 cho thấy cương giới cực Nam của Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, không hề đề cập đến cái gọi là Tây Sa và Nam Sa, tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Thứ hai là hệ thống châu bản – văn bản hành chính của triều Nguyễn. Đó là những bản tấu, sợ, chiếu, chỉ dụ… do đích thân hoàng đế ngự lãm hoặc ngự phê. Các châu bản được trưng bày, kèm theo bản dịch cho thấy việc thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa của các vua Nguyễn rất cụ thể, phản ánh đầy đủ, trung thực quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của triều đại này thông qua việc liên tục cử người ra Hoàng Sa khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ.

Thứ ba là nguồn tài liệu thời Việt Nam Cộng hòa, như: Công điện của chỉ huy đảo Duncan (Quang Hòa) gửi Tỉnh đoàn Bảo an Quảng Nam về việc theo dõi điều tra 2 thuyền Trung Cộng đổ bộ lên 1 đảo nhỏ phía Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 25/2/1961; Công điện mật mã số 08/NA/MM, ngày 4/3/1961 của Tỉnh trưởng Quảng Nam điện Bộ trưởng Nội vụ, đồng điện cho Bộ trưởng phủ Tổng thống Sài Gòn xin chỉ thị về cách xử lý 9 người trên thuyền Trung Cộng cập đảo Hoàng Sa ngày 1/3/1961; hay như Tuyên cáo của Hội đồng Tối cao Pháp viện ngày 29/1/1974 về việc xác nhận chủ quyền của quốc gia Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...

Tại nội dung trưng bày những bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1945 - 1974, chúng tôi được nghe cán bộ nhà trưng bày thuyết minh rất rõ, được xem hình ảnh và tư liệu về sự kiện quân đội Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19/1/1974; về sự hy sinh anh dũng của những sĩ quan hải quân Việt Nam làm cho ai cũng xúc động.

Từ sau sự kiện ngày 19/1/1974 đến nay Nhà nước Việt Nam tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa trên các mặt trận: chính trị, ngoại giao và pháp lý; đồng thời tiếp tục thực thi việc quản lý nhà nước về mặt hành chính đối với quần đảo này. Ngày 11/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định 194-HĐBT về việc thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Sau khi tách khỏi tỉnh Quảng Nam, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì huyện đảo Hoàng Sa được đặt dưới sự quản lý của chính quyền Đà Nẵng theo Nghị định số 07/CP ngày 23/1/1997 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Qua các tư liệu trưng bày trong giai đoạn này có thể thấy, từ khi trở thành huyện đảo trực thuộc, chính quyền TP. Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa… và sự ra đời của Nhà trưng bày Hoàng Sa là minh chứng cho những nỗ lực rất lớn của chính quyền thành phố trong việc quản lý hành chính và tiếp tục đấu tranh bảo vệ, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Có thể nói Nhà trưng bày Hoàng Sa là một thiết chế văn hóa, lịch sử mang ý nghĩa chính trị hết sức đặc biệt. Bởi qua 5 gian chủ đề trưng bày đã giới thiệu, tuyên truyền những thông tin, tư liệu, hình ảnh hết sức sống động, có giá trị minh chứng lịch sử về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của dân tộc Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Do đó, từ khi đi vào hoạt động Nhà trưng bày đã tiếp đón hàng chục ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập, nghiên cứu.

Rời Đà Nẵng tôi lại về với đảo nhỏ Phú Quý của Bình Thuận với món quà mang theo là những file tư liệu, tình cảm của người dân thành phố cảng, cùng sự thổn thức và cảm xúc tự hào về lịch sử xác lập - bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc ta. Tôi thầm nghĩ, rồi sẽ có một ngày huyện đảo Hoàng Sa sẽ trở về đoàn tụ trên thực tế với Tổ quốc.

THÀNH DANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Xuân ấm tình người
Trong những ngày cuối năm, những chuyến xe từ thiện của các tổ chức, cá nhân mang theo những phần quà tết để đến với bà con nghèo tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có thêm điều kiện đón một cái tết ấm cúng và đủ đầy hơn.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thăm Nhà trưng bày Hoàng Sa