Tuy nhiên, khi được hỏi về dự định sắp tới, họ đều khẳng định: Sẽ không bao giờ bỏ nghề, sau khi ổn định sức khỏe, sẽ tiếp tục vươn khơi, bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền.
Chúng tôi gặp gỡ ngư dân Nguyễn Văn Mỹ (SN 1964), trú tại thôn Tiến Thạnh (xã Tiến Lợi, TP. Phan Thiết). Ông Mỹ là thuyền viên lớn tuổi nhất trên tàu cá BTh 97478 TS được cứu sống. Ngày trở về, dù cơ thể gầy rạc, chân tay nhức mỏi, co rút, da dẻ bị tróc vảy, trầy xước sau những ngày đói khát trên biển, nhưng ông Mỹ vẫn không chần chừ trả lời khi được hỏi về dự định sắp tới.
Ông chia sẻ: với 32 năm gắn bó với nghề biển, đây là lần thứ 2 ông gặp sự cố tàu chìm (trên cùng con tàu do thuyền trưởng Bùi Văn Toàn làm chủ cách đây 8 năm). Tuy nhiên, lần gặp nạn này là sự cố nặng nề và kéo dài nhất mà ông gặp.
Với kinh nghiệm lâu năm và sức dẻo dai với môi trường trên biển, cộng thêm sự may mắn và cứu nạn kịp thời của tàu hàng, ông Mỹ dù lớn tuổi những vẫn cầm cự được đến khi được cứu vớt. Ngồi trên chuyến xe của Bộ đội biên phòng tỉnh chở ông trở về nhà, ông Mỹ đã lấy lại tinh thần, hạnh phúc bên người vợ ra tận Khánh Hòa đón ông. “Về nhà nghỉ ngơi lấy lại sức, tôi sẽ trở lại bám biển. Bởi đó không chỉ là nghề kiếm sống, mà còn là sự quyết tâm vươn khơi, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc”.
Với thuyền viên Lê Văn Dũng (SN 1986), trú tại KP8, phường Đức Nghĩa là thuyền viên trẻ tuổi nhất trên tàu cá bị nạn. Với cơ thể nhỏ bé, sức khoẻ yếu hơn người khác, anh cho biết: Lúc lênh đênh trên thuyền thúng, có khi anh đã buông tay, suy sụp, chấp nhận bỏ mạng trên biển vì không cầm cự được cơn đói, khát và lạnh.
Nhưng nhờ sự động viên tích cực của những anh em trên thúng, anh đã cố gắng gượng. Theo anh Dũng, nếu không gặp tàu hàng cứu vớt, trong khoảng 3 giờ đồng hồ nữa anh đã bỏ mạng ngoài khơi. Khi đã được đoàn viên với người vợ trẻ, anh Dũng chia sẻ: “Thời khắc gần đuối sức, tôi chỉ nghĩ đến mẹ và vợ con”. Đồng thời khẳng định chắc nịch, vẫn sẽ gắn bó với nghề đi biển chứ không buông bỏ…
Trong số 5 thuyền viên được cứu sống trong thúng 8 người, có lẽ ngư dân Nguyễn Thành La (SN 1984), trú tại KP 6, phường Phú Tài là người có sức khỏe ổn định nhất. Qua 12 ngày đêm trên biển, anh đã sút hơn 10 kg, nhưng vẫn giữ tinh thần lạc quan. Chính ngư dân này là người đã quyết tâm không buông tay chèo, không ngừng động viên các thuyền viên còn lại vực dậy tinh thần, quyết tâm phải giữ mạng sống. Chia sẻ với phóng viên về dự định thời gian tới, anh vẫn khẳng định sẽ tiếp tục nghiệp biển của mình, dù có khó khăn, vất vả.
Người được mệnh danh là “sói biển”- thuyền trưởng Bùi Văn Toàn trong chuyến trở về từ cõi chết lần thứ 2 này là ngư dân có sức khỏe yếu nhất, cần đến chăm sóc y tế. Dù cơ thể gầy guộc sau nhiều ngày đêm đói khát, nhưng với vai trò là chủ tàu và là thuyền trưởng, anh Toàn cho biết đã cố gắng động viên anh em vươn ra tìm kiếm tàu cá đi qua cứu nạn.
Tai nạn chìm tàu lần này đã khiến anh mất đi 6 bạn thuyền đã gắn bó lâu dài những năm qua, cùng toàn bộ con tàu (vừa hết hạn bảo hiểm) và 11 tấn cá sau khai thác. Tuy nhiên, ngư dân kỳ cựu này khẳng định: Chỉ cần giữ được tính mạng, tôi sẽ làm lại từ đầu và vẫn không ngừng vươn khơi…