Theo dõi trên

Nơi cơn lũ đi qua! . Bài 2

07/08/2023, 05:07

Bài 2: “Lòng chảo” La Ngà sẽ hồi sinh!

Sau những ngày cao điểm mưa lũ, nay những con “sóng” dữ đã tạm lắng. Chính quyền và người dân các địa phương bị thiệt hại trong tỉnh lại xắn tay khắc phục hậu quả, ổn định đời sống. Riêng ven vùng “lòng chảo” La Ngà, người dân 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh vẫn luôn có niềm tin vùng quê yên bình, màu mỡ sẽ sớm hồi sinh sau nhiều lần họ phải hứng chịu hậu quả thiên tai…

Luôn ở thế sẵn sàng… “đón” lũ

Vào những ngày cao điểm mưa lũ cuối tháng 7, đầu tháng 8/2023, tại Văn phòng Thường trực Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Tánh Linh, toàn bộ nhân lực đều được phân công trực ban, ứng trực tại cơ sở để hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả và thống kê thiệt hại.

z4560414539775_db8f478a38f698c74e3f1d6c00c7f667.jpg
Sông La Ngà.

Hơn 12 giờ trưa, chúng tôi cùng ông Mai Trí Mân – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tánh Linh (đơn vị thường trực) và một vài cán bộ chuyên môn xuống địa bàn bị lũ nặng để nắm tình hình. Ông Mân cho biết, hiện các xã đang tích cực giúp người dân dọn dẹp nơi ở bị ngập sâu, khơi thông các kênh mương. Đối với các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng bị sạt lở, hư hỏng, huyện đã hướng dẫn các xã khắc phục tạm thời để đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân… Ngay khi xảy ra mưa lũ, ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh đã yêu cầu các địa phương tập trung triển khai ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, khuyến cáo người dân không qua lại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá lăn…

z4570958521271_1aa7b7347e75f76f39867ee35c261d97.jpg
Người dân vùng lũ ven sông La Ngà.

Vì sao vùng ven sông La Ngà của Bình Thuận lại thường xuyên xảy ra hiện tượng mưa lớn, lốc xoáy, lũ quét, sét đánh so với các địa phương khác? Câu hỏi này chúng tôi được ông Nguyễn Hùng Tân – Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chia sẻ: Khí hậu ở Đức Linh và Tánh Linh thuộc tiểu vùng Tây Nguyên nên mưa nhiều. Vùng “lòng chảo”La Ngà bị những luồng gió cuốn theo sườn đồi gây gió mạnh, lốc xoáy, dẫn đến thường xảy ra giông lốc, sét và mưa nhiều nhất tỉnh. Mặt khác, do mạng lưới sông suối ở Bình Thuận chủ yếu là sông nhỏ. Do đó khi mưa với cường độ lớn tập trung sẽ xảy ra lũ với cường suất lũ lên nhanh, gây thiệt hại cho sản xuất, đời sống trên các lưu vực sông.

z4578817890536_d5ddf29a4e4d2f6658403c2d96b0b0c2.jpg
Khắc phục hậu quả sạt lở đất.

Theo thông tin tìm hiểu từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, thời gian gần đây, lũ quét là một loại thiên tai nguy hiểm thường gây thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân ở Bình Thuận. Thiệt hại do lũ quét gây ra hàng năm lên đến vài chục tỷ đồng, đặc biệt trận lũ quét lịch sử năm 1999 đã gây thiệt hại gần 200 tỷ đồng, bị chết và mất tích 27 người, trong đó bị thiệt hại nặng nhất là vùng ven sông và thị trấn La Gi, huyện Hàm Tân (nay là thị xã La Gi). Với vùng trung du và đồng bằng sông La Ngà, thực vật có rừng thưa và một phần diện tích đáng kể được khai phá chuyển sang đất nông nghiệp trồng lúa nước và cây công nghiệp, khả năng điều tiết của lưu vực tốt. Tuy vậy, có những nơi trũng thường bị lụt đe dọa thường xuyên; một số nhánh sông suối nhỏ nhập lưu sông La Ngà có những năm đã xảy ra lũ quét cục bộ.

Vực dậy sau thiên tai

Trở lại với nơi mưa lũ vừa đi qua: Đức Linh và Tánh Linh… những ngày đầu tháng 8/2023, nước lũ trên sông La Ngà và nhiều địa phương khác trong tỉnh đã rút, nhưng cơn mưa chiều vẫn rả rích. Mùa mưa vẫn đang thời kỳ cao điểm. Sông La Ngà nước còn đục ngầu. Thiệt hại, mất mát nặng nề về người, nhà cửa, tài sản và công trình sau lũ không thể đong đếm.

z4578815442143_e833a68d2b97b8d09f4d0c7259b739ba.jpg
Nông dân thu hoạch lúa sau khi lũ rút.

Với những “lão nông tri điền” như ông Hùng, ông Hồng ở thị trấn Lạc Tánh (Tánh Linh) dù mất mát không nhỏ, nhưng vẫn có niềm tin và cách nhìn lạc quan: Sau bão lũ, bầu trời lại sáng. Núi rừng, xóm làng, ruộng vườn nơi vùng trũng sông La Ngà sẽ lại hồi sinh. Trong ánh mắt trải đời của họ, sông La Ngà hôm qua, hôm kia còn hung hãn, nay như lắng lại, vẫn mải miết chảy nhưng dùng dằng, chậm rãi hơn. Dòng sông La Ngà mỗi năm vẫn chuyển nước từ thượng nguồn đổ về, bồi đắp phù sa cho cánh đồng lúa, hoa màu. Lũ rút, để lại lớp phù sa tươi tốt, sẽ giúp nông dân thu hoạch vụ mới bội thu hơn. Nghĩ đến đó, những người dân quanh năm tay lấm chân bùn nơi “lòng chảo” sông La Ngà cảm thấy an ủi trước những mất mát đã qua.

“Sau bão lũ, bầu trời lại sáng. Núi rừng, xóm làng, ruộng vườn nơi vùng trũng sông La Ngà lại hồi sinh” - những “lão nông tri điền” như ông Hùng, ông Hồng nhìn nhận.

“Vài hôm nữa, khi nước rút hết, nắng lên cao, tôi sẽ cùng các thành viên trong hợp tác xã tranh thủ cày xới, phơi ải đất để chuẩn bị cho vụ mới, với hy vọng được mùa” – ông Hồ Quang Hùng, Giám đốc HTX Lạc Tánh nói dứt khoát. Ông Hùng cũng không quên gửi lời mong muốn Nhà nước, địa phương tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ nông dân, HTX gầy dựng lại, tiếp tục sản xuất. Phía bên kia con sông La Ngà, gia đình anh Trần Bình Trọng – thôn 2, xã Đồng Kho đang tranh thủ vào kiểm tra lượng cám còn sót lại chưa bị lũ cuốn trôi. “Vợ chồng tôi chỉ hy vọng được hỗ trợ thiệt hại, con giống và ngân hàng sẽ cho khoanh nợ để có động lực làm lại từ đầu”. Cùng thời điểm này, hàng trăm hộ gia đình bị thiệt hại do mưa lũ ở các huyện cũng đang dọn dẹp lại nhà cửa, ruộng vườn để ổn định cuộc sống.

z4578822972098_21c880862f4cd6c98f045ec85e779453.jpg
Các đơn vị chuyên môn kiểm tra thực tế sau lũ tại Đức Linh.

Chứng kiến rất nhiều đợt mưa lũ hàng năm ở Bình Thuận, chúng tôi thường thắc mắc: Phải chăng với điều kiện đặc biệt về tự nhiên, diễn biến khí tượng thủy văn nơi đây phức tạp, lẽ nào hậu quả của sự tàn phá rừng ở một số địa phương đã làm gia tăng lũ lụt, nhất là lũ quét, sạt lở đất? Mới đây nhất là vụ sạt lở nghiêm trọng tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng), nhiều điểm sạt lở đất, cây cối tại tuyến quốc lộ 55 đoạn qua xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) và xã La Ngâu (Tánh Linh), gây ách tắc giao thông tuyến Phan Thiết – Bảo Lộc. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Hồng Hải đã đề nghị các địa phương khẩn trương khắc phục nhanh, an toàn hậu quả các khu vực sạt lở đất, mưa lũ. Nhanh chóng thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn, nhà ngập sâu, hộ gia đình thiệt hại hoa màu do ngập nước.

z4578823887642_a74a68858a29b38388fd6f19c4e70760.jpg
Thăm hỏi, động viên gia đình bị thiệt hại do thiên tai.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu cần đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân để rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời tổng hợp thiệt hại và đề xuất việc hỗ trợ, khắc phục theo quy định… Trong khi đó, theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mưa ở Tây Nguyên và Nam bộ, Nam Trung bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.

z4578823487178_ac2e16389efc56f3822246e0b917ce32.jpg
Hỗ trợ di dời dân tránh lũ.

Đợt mưa lũ đã tạm lắng, sông La Ngà đã tạm dừng nổi “sóng”, trả lại sự bình yên cho người dân nơi đây. Dù phía trước còn nhiều nỗi lo, nhưng với sự kiên trì, nhẫn nại và sẵn sàng vượt qua khó khăn của người dân vùng lũ, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, chung tay, chung sức của chính quyền các cấp, chúng tôi tin nơi cơn lũ đi qua chắc chắn sẽ hồi sinh. Sông La Ngà sẽ lại yên ả, uốn lượn hiền hòa, mang phù sa, dòng nước mát cho người dân mãi muôn đời…

Theo thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, đợt mưa lũ cuối tháng 7/2023, toàn tỉnh có 2 người tử vong, thiệt hại khoảng 66 tỷ đồng về nhà cửa, lúa, hoa màu, chăn nuôi, công trình giao thông... Trong đó huyện Tánh Linh ước thiệt hại trên 60 tỷ đồng; Hàm Thuận Bắc hơn 5 tỷ đồng; huyện Đức Linh trên 250 triệu đồng; Hàm Thuận Nam trên 450 triệu đồng ; Hàm Tân 295 triệu đồng.

Bài 1: Khi La Ngà nổi “sóng”

KIỀU HẰNG - MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nơi cơn lũ đi qua!. Bài 1
Bài 1: Khi La Ngà nổi “sóng”
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nơi cơn lũ đi qua! . Bài 2