Hơn 23 năm, dấu ấn cơn lũ lịch sử năm 1999 lại tái hiện trên mảnh đất Bình Thuận, trong đó Tánh Linh hứng chịu thiệt hại nặng nhất. Cột mốc đo lũ tại cánh đồng thôn Lạc Hưng, thị trấn Lạc Tánh vẫn sừng sững khắc rõ năm 1999, như minh chứng cho cơn lũ lịch sử ấy. Cuối tháng 7/2023, lũ lớn lặp lại sau hơn hai thập kỷ, gây bất ngờ và để lại hậu quả vô cùng nặng nề về người và tài sản.
Trắng đồng…
Nước lũ đang rút dần sau 4 ngày ngập trắng đồng, để lại một màu bùn trắng bạc, bám chặt vào từng bông lúa đang giai đoạn đóng hạt, gặp nước bị nằm rệp xuống mặt nước. Ông Hồ Quang Hùng – Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lạc Tánh (HTX Lạc Tánh) dụi vội những giọt nước mưa bám vào mắt kính cận, lội xuống mảnh ruộng đang ngập nặng, ngang tới ngực. “Lúa lép hết cô ơi, mất trắng hết rồi” – Cúi xuống sâu dưới mặt nước, ông Hùng bứt một nắm bông lúa đưa lên cao, cảm thán, với lòng nặng trĩu.
Trong số hơn 2.600 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại toàn huyện lần này, thì Lạc Tánh có lẽ là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất, do vị trí nằm ở vùng trũng thấp. HTX Lạc Tánh hiện có 60 ha với 9 hộ dân sản xuất lúa giống và thương phẩm, đồng thời liên kết, bao tiêu sản phẩm theo hình thức ứng trước với diện tích 270 ha của nông dân địa phương. Vụ hè thu năm nay, ước tính HTX bị thiệt hại gần 1 tỷ đồng, bởi chi phí đầu tư ứng trước về phân thuốc, giống… cho bà con đều đã đổ sông, đổ biển. Sau lũ, cánh đồng Trung Ngao – Cầu Đất thuộc thị trấn Lạc Tánh rục rịch tiếng máy gặt, máy cày và cả những tiếng ồ ồ của những chiếc xe máy cà tàng của người dân đang cố vượt qua đoạn đường sụp lún, sạt lở do mưa lũ để lại. Nghe tin nước lũ sông La Ngà đang xuống dần, bà con ai nấy đều tranh thủ ra đồng thăm ruộng, tìm lại những gì còn sót lại. Chúng tôi cũng theo chân mấy anh cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện, cùng một số hộ dân lội xuống đoạn đường giao thông nội đồng sình lầy. Mùi cỏ, mùi rơm, mùi lúa mới, quyện với mùi bùn thoang thoảng, khiến tôi nhớ lại hình ảnh cơn lũ đi qua ở quê nhà những năm về trước.
Ông Đỗ Văn Hồng – thôn 1, Lạc Hưng, thị trấn Lạc Tánh chân tay lấm lem bùn, ngồi nghỉ bên vệ đường dọc tuyến kênh N3, tay cầm xâu cá đồng vừa bắt được sau lũ, nướng ngay tại chỗ. Gặp chúng tôi, ông Hồng cười như mếu: Vụ hè thu này, gia đình sản xuất 2 ha lúa, riêng ở cánh đồng này có 1,2 ha, đang thuê máy gặt lúa xanh đã đổ rệp, mọc mầm do lũ. Ông Hồng nhẩm tính, nếu không gặp lũ, sau khi trừ chi phí, 1 ha lúa còn lãi khoảng 30 triệu đồng. Nhưng mùa này do gặt lúa xanh, chất lượng kém nên bị lỗ chi phí khoảng 7 triệu đồng/ha. Nông dân này chỉ tay về phía đầu đường dẫn xuống cánh đồng, cho chúng tôi biết về cột đo lũ lịch sử năm 1999.
Là một người dân bản địa sống lâu năm ở Lạc Tánh, ông Hồng cho hay, hơn 23 năm rồi ông mới chứng kiến sự trở lại của cơn lũ lịch sử ấy. Mọi thứ đến thật sự bất ngờ, khiến ai nấy dường như không kịp trở tay…
Lặng nhìn tài sản trôi sông
“Anh ơi, nước lũ dâng cao lắm, nhanh giúp em chằng néo lồng bè, cá trôi hết rồi…” – nhận được cuộc gọi trong đêm của người em đang trông coi bè nuôi cá nước ngọt trên sông La Ngà, anh Trần Bình Trọng – thôn 2, xã Đồng Kho bủn rủn tay chân.
Nhà chỉ cách lồng bè chừng 1 cây số. Khi đến nơi, anh Trọng cùng vài thanh niên khác liền nhảy xuồng máy đi theo, ra sức giữ, chằng néo các bè đang bị cuốn trôi giữa đêm mưa gió. Nhưng sự cố gắng ấy dường như bất lực. Mực nước lũ dâng cao, trong tích tắc đã cuốn trôi gia sản của gia đình theo dòng lũ về hướng hạ nguồn. Tại đập dâng Tà Pao, 14 lồng bè cá đang vào giai đoạn thu hoạch của gia đình gặp lũ dữ, bung ra, trôi tự do. Lúc ấy, anh Trọng đành buông tay, nhìn hàng chục tấn cá trong lồng bè trị giá hàng tỷ đồng bỗng chốc bị xé toạc trong màn mưa… Tan hoang. Vỡ vụn.
Nhớ lại khoảnh khắc lúc 1 giờ sáng đêm 28/7, chị Trần Thị Thúy – vợ anh Trọng cứ khóc nấc, nghẹn ngào khi có người hỏi tới: “12 tấn cá lăng, gần 40 tấn cá diêu hồng đang trong giai đoạn xuất bán đều trôi sạch chỉ trong 1 đêm. Tưởng rằng thu hoạch vụ này, gia đình tôi có thể trả bớt nợ ngân hàng, trả tiền cám. Nay không biết lấy gì bấu víu…”. Nhìn nhà lồng đựng thức ăn – tài sản duy nhất còn sót lại sau cơn lũ, gia đình anh Trọng tự ngậm ngùi: “Còn người còn của, vợ chồng tôi chỉ biết an ủi nhau vậy để làm lại từ đầu”.
Trong tâm trí của chúng tôi, sông La Ngà lâu nay là con sông chảy qua 3 huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh, dài 143 km, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của Tánh Linh và Đức Linh, 2 huyện trọng điểm có vùng lúa lớn nhất tỉnh. Người dân vùng núi này còn được hưởng lợi khi tận dụng nguồn nước sông La Ngà để nuôi trồng thủy sản, trở thành vùng nuôi thủy sản nước ngọt lớn nhất tỉnh… Ấy vậy mà, sau hơn 23 năm, lũ dữ lịch sử lặp lại. Ngày cuối tháng 7/2023, dòng sông La Ngà vẫn nhuộm màu trắng đục, nước cuồn cuộn chảy, để lại những vệt đổ rệp, hoang tàn của cây cối ven bờ. Hình ảnh của dòng sông La Ngà thường ngày với dòng nước xanh êm đềm, mang lại nguồn nước tưới và phù sa, nuôi dưỡng cho cánh đồng lúa rộng lớn, hoa màu của người dân không còn, những lồng bè nuôi cá của dân bỗng chốc bị cuốn phăng…
Hơn 23 năm rồi ông mới chứng kiến sự trở lại của cơn lũ lịch sử ấy. Mọi thứ đến thật sự bất ngờ, khiến ai nấy dường như không kịp trở tay…
Một người dân Lạc Tánh cho hay.
Sau những ngày mỏi mệt ứng phó với lũ, giây phút ngơi tay, những người dân vùng lũ hướng tầm mắt nhìn xa xăm cánh đồng rộng lớn, nơi nước suối Sông Cát vẫn cuộn chảy, nối qua sông La Ngà, họ lặng nghĩ: Lũ dữ đã cuốn trôi biết bao công sức, mồ hôi và cả những giọt nước mắt…
Theo UBND huyện Tánh Linh, trong cơn lũ lịch sử năm 1999, mực nước đo tại Trạm thủy văn Tà Pao là 121,3 m; lúc 23 giờ ngày 30/7/2023 mực nước đo được là 121,06 m. Tính đến ngày 31/7, mưa lũ toàn huyện đã khiến 1 người chết; thiệt hại 2.600 ha sản xuất nông nghiệp gồm lúa, hoa màu, cây công nghiệp; hàng chục hộ dân phải di dời trong đêm; nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, nội đồng, kênh mương bị sạt lở, hư hại; hàng chục tấn thủy sản mất trắng. Tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 60 tỷ đồng…