Theo dõi trên

Nhiều địa phương thiệt hại nặng do mưa lũ

01/08/2023, 05:45

Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, liên tiếp ảnh hưởng của cơn bão số 1 và số 2 và rìa phía nam rãnh áp thấp đi qua Bắc bộ, trên địa bàn Bình Thuận và một số tỉnh lân cận liên tục có mưa lớn kéo dài. Cao điểm trong ngày 29/7, mưa lũ diện rộng đã gây thiệt hại về người và tài sản. Trong đó huyện Tánh Linh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Thiệt hại hàng chục tỷ đồng

Mặc dù đã được các đơn vị chuyên môn cảnh báo và chính quyền địa phương chủ động các biện pháp phòng tránh trước đó, nhưng thiên tai diễn biến khó lường, khiến hậu quả để lại không thể đong đếm. Đó là vào thời điểm chiều 29/7, trên địa bàn xã Nghị Đức (Tánh Linh) có mưa to kết hợp với nước lũ từ thượng nguồn tràn về theo các dòng chảy suối Chùa và suối Cây Xoài. Thời điểm này, bà N.T.T (SN 1976) là dân địa phương khi đi rẫy tại vườn cao su thôn 5, xã Nghị Đức thì bị trượt chân tại bờ suối và bị nước cuốn trôi, hiện đã tìm thấy thi thể.

Bên cạnh thiệt hại về người, mưa lũ những ngày qua đã gia tăng thiệt hại trên địa bàn tỉnh với ước tính hàng chục tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng tại huyện Tánh Linh, lũ trên sông La Ngà vẫn diễn biến khó lường, con số thiệt hại ước tính trên 32 tỷ đồng. Bao gồm trên 1.200 ha lúa vụ hè thu 2023 chuẩn bị thu hoạch bị ngập, hư hại và thiệt hại về nuôi trồng thủy sản nước ngọt gần 6 tỷ đồng. Ngoài ra, mưa lũ còn gây hư hại nhiều đoạn đường giao thông nông thôn, công trình trên địa bàn huyện.

z4560414539775_db8f478a38f698c74e3f1d6c00c7f667.jpg
Lũ trên sông La Ngà.

Ông Nguyễn Hùng Tân – Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh cho biết, vào khoảng thời gian trên, tại một số địa phương khác trong tỉnh như Đức Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc… cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lũ. Theo đó, khu vực huyện Hàm Tân xảy ra mưa to, cùng với lượng nước từ thượng nguồn Sông Phan đổ về gây ngập úng tại xã Sông Phan và xã Tân Phúc. Hậu quả gây ngập nước một số nhà dân, gây hư hỏng hàng trăm kg gạo, cám phục vụ chăn nuôi. Bên cạnh, ngập úng một số diện tích bắp, thanh long, khoai mì, chuối, đu đủ và hàng trăm con gia cầm của các hộ dân dọc ven bờ sông, suối. Đáng chú ý, đường cao tốc đi qua địa bàn huyện Hàm Tân đã bị ngập nhiều giờ, gây ách tắc giao thông, các phương tiện phải chuyển hướng giao thông ra quốc lộ 1A và chờ nước rút, giao thông mới hoạt động trở lại bình thường. Ước tổng giá trị thiệt hại trên địa bàn huyện Hàm Tân tính đến ngày 30/7 gần 295 triệu đồng.

z4561956006565_818778b5c548ef4c959e841f334b701f.jpg
Sạt lở nghiêm trọng tại xã Đa Mi, Hàm Thuận Bắc ngày 30/7.

Tại Hàm Thuận Bắc, đã xảy ra sạt lở tại 20 vị trí trên địa bàn xã Đa Mi, gồm 7 vị trí trên quốc lộ 55 và 13 vị trí trên các đường liên xã, liên thôn, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng. Đặc biệt, các điểm sạt lở khu vực đèo Đa Mi có khối lượng lớn đất đá, cây từ trên cao đổ xuống mặt đường khiến việc lưu thông qua tuyến đường này bị gián đoạn. Ngay sau khi sự cố xảy ra, các đơn vị chức năng đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục…

z4558396002884_0af231511fa8ef12a2ed30aabda3a42e.jpg
Di chuyển đồ đạc bị ngập tại nhà dân.

Tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ

Trước những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra, tại huyện Tánh Linh, ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, xã, thị trấn trên địa bàn huyện theo dõi chặt chẽ, toàn diện, thường xuyên, liên tục, có hệ thống, bám sát diễn biến tình hình các vấn đề phát sinh trong công tác phòng, chống lũ trên sông La Ngà, các sông suối nhỏ trên địa bàn; không để xảy ra thiệt hại về người. Đặc biệt, không để người dân qua sông làm rẫy, vớt củi, gỗ, đánh bắt cá ở một số địa phương như Đồng Kho, La Ngâu, Đức Bình, Gia An. Đồng thời, khuyến cáo người dân không qua lại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá lăn như Tà Pứa, Đồng Kho, La Ngâu, Đức Thuận, Lạc Tánh (quốc lộ 55), Suối Kiết. UBND huyện Tánh Linh cũng yêu cầu người dân chằng neo lồng, bè cá trên sông (không để người ở lại trên lồng, bè), nhất là khu vực nuôi trồng thủy sản hồ Biển Lạc - xã Gia An, sông La Ngà; sẵn sàng thu hoạch cá sớm nếu không đảm bảo an toàn.

z4557232354819_2fb9533c04d6df19750f41992be8ec46.jpg
Điều tiết nước qua tràn.

Riêng các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát khu dân cư ở những vùng trũng, ven sông, suối, vùng hay bị ngập lụt, sạt lở đất để thông báo người dân chủ động di dời đến nơi an toàn. Cùng với đó, chỉ đạo lực lượng tại chỗ và huy động nhân dân nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh, khu vực hố ga đảm bảo tiêu thoát nước, tránh ngập úng khu dân cư, kê dọn đồ lên cao. Kiểm tra các địa điểm, vị trí xung yếu thường xuyên sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở đất, đá lăn, các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 55, đường ĐT 720, ĐT 717, khu vực ga Suối Kiết, đèo Tà Pứa - Đức Phú, khu phố Lạc Hà - thị trấn Lạc Tánh. Đối với các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng bị sạt lở, hư hỏng tại các xã; hướng dẫn các địa phương khắc phục tạm thời để đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân…

Tại các huyện Đức Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, chính quyền địa phương đang khẩn trương huy động lực lượng tập trung khắc phục thiệt hại. Mặt khác, cảnh báo kịp thời tình hình thời tiết nguy hiểm những ngày tới để người dân biết, chủ động phòng tránh. Để đảm bảo an toàn hồ chứa, hiện Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh đã tăng điều tiết nước qua tràn hồ Cẩm Hang, Sông Khán (Hàm Thuận Bắc) và hồ Ba Bàu (Hàm Thuận Nam). Đồng thời cảnh báo đến người dân vùng hạ du chủ động ứng phó…

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chủ động phòng, chống sạt lở trong mùa mưa lũ
BTO-Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 1/7/2023, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều địa phương thiệt hại nặng do mưa lũ