Theo dõi trên

NSND Thu Vân cống hiến xuất sắc cho nghệ thuật múa dân tộc

25/03/2022, 05:29

Có năng khiếu bẩm sinh từ nhỏ, đam mê rồi gắn bó, miệt mài học tập, biểu diễn, dàn dựng cống hiến cho nghệ thuật múa chuyên nghiệp gần trọn cuộc đời - đó là hành trình nghệ thuật của NSND - biên đạo múa Thu Vân.

thu-van.jpg

Được tuyển vào Đoàn ca múa nhạc Thuận Hải từ tháng 4/1977, khi mới 15 tuổi, Thu Vân đã sớm bộc lộ khả năng nhạy bén trong nắm bắt ngôn ngữ múa khi tham gia các tiết mục của đoàn. Được biên đạo múa Đặng Hùng - Phó trưởng đoàn trực tiếp bồi dưỡng, đào tạo, từng bước giao cho những vị trí múa chính trong nhiều tiết mục chủ công của đoàn. Với sự cầu tiến, kiên trì học hỏi và khổ công rèn luyện đã giúp Thu Vân không ngừng tiến bộ về mặt chuyên môn. Năm 1992, Thu Vân được cử đi học lớp biên đạo múa tại Ấn Độ nhằm bổ túc và nâng cao nghiệp vụ múa dân gian dân tộc. Sau lớp bồi dưỡng này, trở về đoàn không lâu, tháng 1/1993, Thu Vân được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Để có thể tiến xa hơn trên bước đường nghệ thuật mà mình đã lựa chọn, năm 1997 Thu Vân tiếp tục theo học chương trình cử nhân nghệ thuật biên đạo múa tại Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh - Hà Nội (hệ vừa học vừa làm). Tốt nghiệp xong, chị được bổ nhiệm Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật dân gian dân tộc Chăm, trực thuộc nhà hát, rồi Trưởng phòng Nghệ thuật - Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh - Bình Thuận.

Từ điểm xuất phát là diễn viên múa tốp, rồi múa chính (solist) trong tiết mục “Khúc nhạc rừng” (Biên đạo: Nghệ sĩ Đặng Hùng) - huy chương vàng Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc tại Đà Nẵng năm 1995, Thu Vân đã vươn lên, khẳng định khả năng biên đạo qua tác phẩm “Huyền thoại Bhagavaty”, đạt huy chương vàng trong cùng hội diễn nói trên. Trên đà thành tích ấy, Thu Vân đi sâu khai thác chất liệu độc đáo của ngôn ngữ múa dân gian dân tộc Chăm Bình Thuận và cho ra đời nhiều tác phẩm đặc sắc như: “Huyền thoại sinh tồn”, “Tình yêu làng gốm” - cả 2 tiết mục đều đạt huy chương vàng trong Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc khu vực miền Trung Tây nguyên năm 2002. Nằm trong mạch nguồn cảm xúc chủ đạo này, còn phải kể đến tác phẩm “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại” được Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam trao tặng giải A năm 2017 - đây là giải thưởng tôn vinh tác phẩm xuất sắc hàng năm của hội chuyên ngành Trung ương.

Ở những tác phẩm múa tiêu biểu nêu trên, dễ dàng nhận ra dấu ấn riêng của biên đạo múa Thu Vân, đó là: Ngôn ngữ múa dân gian dân tộc được cách điệu, nâng cao mà không làm mất gốc; kết cấu tác phẩm chặt chẽ, mạch lạc; hình tượng nghệ thuật phong phú, rõ nét, giàu bản sắc. Có được những thu hoạch quan trọng như vậy là nhờ công phu học hỏi, nghiên cứu tỉ mỉ từ các nghệ sĩ bậc thầy đi trước (như NSND Đặng Hùng) và đặc biệt là các nghệ nhân dân tộc Chăm ở địa phương thông qua những đợt điền dã nghiên cứu, sưu tầm nghệ thuật dân gian các dân tộc tiêu biểu của tỉnh. Ngoài phần đóng góp chủ yếu cho nghệ thuật múa chuyên nghiệp, Thu Vân còn tham gia dàn dựng, làm Giám khảo cho rất nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn trên địa bàn của tỉnh, qua đó góp phần phát hiện, giới thiệu ngành chức năng bồi dưỡng nghiệp vụ múa cho không ít hạt nhân nòng cốt trong phong trào nghệ thuật quần chúng. Những đóng góp quý báu của chị trên lĩnh vực nghệ thuật múa chuyên nghiệp trải dài xuyên suốt 3 giai đoạn: Đoàn ca múa nhạc Thuận Hải (1976 - 1992), Đoàn ca múa nhạc Bình Thuận (1992 - 2009), Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh (2009 - 2016). Tháng 8/2019, NSƯT Thu Vân được Nhà nước phong tặng Danh hiệu cao quý NSND. Đồng nghiệp, ai cũng mừng cho chị, bởi vì sự sáng tạo không ngừng nghỉ cộng với những cống hiến xuất sắc trên lĩnh vực nghệ thuật múa dân tộc của chị đã được ghi nhận và đền đáp một cách xứng đáng.          

ĐỖ QUANG VINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
2 phương án quy hoạch Bảo tàng tỉnh
Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đang lưu giữ gần 30.000 hiện vật gốc có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ. Tuy nhiên, theo nhiều người dân trên địa bàn tỉnh, Bảo tàng tỉnh vẫn chưa đủ chuẩn và tương xứng để tổ chức trưng bày, tuyên truyền, giáo dục, quảng bá đến nhân dân và du khách những nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa, truyền thống đấu tranh cách mạng… của vùng đất và con người Bình Thuận.
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NSND Thu Vân cống hiến xuất sắc cho nghệ thuật múa dân tộc