Theo dõi trên

Lệ cúng đất mùng 10 tháng 3 ở Phú Long

25/03/2022, 05:19

Cứ vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, nhiều hộ gia đình ở Phú Long (Hàm Thuận Bắc) bày biện mâm lễ cúng đất. Trong đó, in sâu vào trí nhớ của tác giả là hình ảnh chiếc gùi được làm từ cái bẹ chuối hái trong vườn và những thức cúng rất dân dã của làng quê: mắm, cá khô, canh chua, cua đồng… Hồi nhỏ chúng tôi cứ nghĩ đó là lễ giỗ tổ vì ngày cúng trùng với dịp Giỗ tổ Hùng Vương; sau này mới biết lệ cúng này có tên là tá thổ.

Qua tìm hiểu chúng tôi thấy rằng tục lệ này gợi lên nhiều ý nghĩa, phản ánh lịch sử - văn hóa của địa phương.

le-cung-1-.jpg
Tranh hổ trong lễ cúng đất ở Phú Long. Ảnh: Thành Danh.

Tại sao lại tá thổ?

Theo Từ điển Hán-Việt của Trần Văn Chánh thì tá (借) có nghĩa là vay, mượn; còn thổ (土) là đất. Như vậy, cúng tá thổ là cúng mượn đất.

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh cho biết, cúng tá thổ là một phong tục rất phổ biến ở khu vực Nam Trung bộ; nó được xác lập từ sớm, ít nhất thế kỷ XV, khi mà những người Việt vượt đèo Hải Vân đi vào phía Nam hình thành nên vùng Ngũ Quảng. Và sau này, khi tiến xa hơn nữa vào phía Nam, lệ cúng tá thổ này cũng được mang theo và thực hiện khắp các tỉnh ven biển miền Trung, trong đó có Bình Thuận.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí (biện soạn thời vua Tự Đức), vùng đất Hàm Thuận – Bình Thuận xưa thuộc vương quốc cổ Champa. Cuối thế kỷ XVII, quân đội của chúa Nguyễn được lệnh tiến sâu xuống phía Nam, năm Đinh Sửu (1697) Bình Thuận chính thức thống thuộc chính quyền Đàng Trong. Theo sau các đạo quan binh của triều đình là các đợt di cư của người dân từ Ngũ Quảng, họ lần lượt ghé vào các cửa biển Bình Thuận; Phú Hài là một trong số đó.

Khi người Việt vào lập đạo Phú Hài thì vùng đất này ngày trở thành một cửa khẩu quan trọng trên tuyến giao thông đường biển Bắc – Nam. Lúc bấy giờ tàu buôn Trung Hoa vào buôn bán rất đông, tạo nên cảnh trên bến dưới thuyền. Dần về sau, theo dòng sông Cái người Việt tiến sâu hơn vào nội địa, hình thành các làng như: Thiện Mỹ, Dương Xuân, Phú Trường… thuộc Phú Long ngày nay.

Mặc dù cách xa vùng đất cội nguồn cả về không gian lẫn thời gian nhưng những phong tục tập quán xưa vẫn được duy trì. Bình Thuận lại là xứ có tiếng nhiều ma (trong câu “cọp Khánh Hòa ma Bình Thuận”), vì thế tục cúng đất/tá thổ cũng được xem là bệ đỡ tâm linh cho người dân quê trên vùng đất mới.

Như đã trình bày ở trên, người Chăm chính là chủ nhân của vùng đất này nên khi người Việt đến phải xin tá thổ. Theo tác giả Lê Hồng Khánh, “chủ đất ở đây không chỉ có nghĩa là “sở hữu chủ” về đất đai, mà còn là người nắm giữ các tri thức dân gian về sự thích nghi của con người trong điều kiện sinh thổ của vùng đất mới để sản xuất, sinh sống”.

Phẩm vật, nghi thức cúng tá thổ

Ở Nam Trung bộ ngày cúng tá thổ được tổ chức vào từ đầu xuân cho đến trung tuần tháng 3 âm lịch. Còn ở Nam bộ thì cúng vào ngày mùng 10 tháng giêng mà hiện nay nhiều người cho rằng đó là ngày vía thần tài.

le-cung-2-.jpg
Chiếc gùi làm bằng bẹ chuối trong lễ cũng đất. Ảnh: Võ Văn Hòe.

Riêng ở Phú Long và một số địa phương khác thuộc huyện Hàm Thuận Bắc thì cúng đất vào ngày mùng 10 tháng 3. Như vậy, lễ cúng đất ở Bình Thuận cũng được tiến hành vào mùa xuân, nghĩa là mốc thời gian này cũng giống như lệ ở quê gốc.

Lễ cúng tá thổ được tổ chức vào lúc xế chiều, bàn cúng được thiết trí bên hiên nhà hoặc đặt dưới đất trước sân; bên dưới trải một chiếc chiếu. Phẩm vật chia ra 2 mâm, cúng thần hoàng bổn xứ cùng các vị tôn thần cai quản xứ sở, khuôn viên gia cư và mâm cúng ông bà chủ đất cùng những cô hồn xiêu mồ lạc mả, thập loại chúng sinh không nơi nương tựa.

Phẩm vật dâng cúng có hoa quả (phải có nải chuối), trầu cau, rượu, trà. Mâm cúng thần hoàng có 1 con gà trống kiến luộc chín, dĩa tam sên (khúc thịt ba rọi, quả trứng và con cua đồng, ghẹ hoặc tôm luộc chín), 12 chén chè đậu, 6 dĩa xôi, 1 trái dừa (đã bóc sạch vỏ). Mâm Hội đồng có nhiều món hơn, được chế biến từ sản vật thổ nghi vùng đồng bằng duyên hải rất đặc trưng, gồm: 6 dĩa gỏi cá (cá trích hoặc cá mai), bánh tráng nướng, tô canh chua, cơm trắng, cá nhám khô nướng chín, con mắm, dĩa rau muống luộc, thuốc lá, bánh ngọt, chén gạo muối; và 1 “bộ đồ” (giấy cúng), trên đó có vẽ một số con vật (gà, vịt, heo, trâu, bò, ngựa, voi, cọp…), nông cụ và một số vật dụng như: ấm, chén, võng, dao, kéo, gương, lượt...

Nhà nghiên cứu Võ Ngọc Văn cho rằng các thức cúng như: mắm, cá nhám khô… có liên hệ rất gần gũi với một số tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm. Tác giả cho rằng đó là sự tiếp biến văn hóa trên vùng đất mới mà người Việt đến sinh cơ lập nghiệp; đặc biệt trong tâm thức cư dân Việt, gạo và muối là sản vật thiêng liêng do trời đất ban tặng, cho nên trong cuộc cúng đất đai, cô bác… phải có chén gạo muối. Còn tác giả Võ Tâm thì cho rằng, vợ chồng ông chủ đất rất khó tính nên lễ vật phải thật đầy đủ và kính cẩn. Cúng vào buổi chiều mát, khi ông bà chủ sau một ngày làm việc trên rẫy đã trở về nhà, và có thể thọ dụng phẩm vật mà gia chủ dâng cúng.

Sau khi thiết đặt bàn lễ xong, gia chủ đốt nhang khấn vái, nội dung đại ý nói lên lòng biết ơn của mình đối với tiền chủ khuất mặt đã cho thuê đất trong năm qua; đồng thời xin được tiếp tục mượn đất trong năm mới và hứa sẽ cúng tạ đầy đủ. Cùng với đó là cầu xin thần, chủ phù hộ cho đất đai không bị uế tạp, trồng cây nào, nuôi con gì đều sinh trưởng phát triển tốt.

Sau khi cúng xong, gia chủ lấy 1 tờ giấy cúng (trong bộ đồ thần) trên có vẽ con cọp dán lên vách hiên nhà, mặt quay ra hướng đại lợi với ý ông hổ sẽ trấn giữ, bảo vệ gia chủ và khu đất đó.

Trước khi cúng, chủ nhà còn chuẩn bị cái bẹ chuối gập lại (mí cao mí thấp, ở giữa buộc lạt cố định) giống như cái gùi, để sau khi cúng xong thì gấp 1 ít đồ cúng cho vào gùi rồi đem ra bìa đất đặt dưới gốc cây để ông bà chủ mang về cho con cháu. Gạo muối được rải đi, giấy cúng đem đốt. Lễ cúng tá thổ theo đó đã hoàn mãn.

Thay lời kết

Cúng tá thổ là một tập quán đẹp của người dân vùng đất Phú Long, nó thể hiện lối ứng xử khiêm nhường, thân thiện khi “mượn đất”, “thuê đất” để định cư, tạo dựng cuộc sống mới. Nó phản ánh thái độ trân trọng, có trước có sau với tiền chủ đã có công khai phá để người đến sau có nơi tá túc làm ăn, phát triển sản nghiệp… Lễ cúng đất góp phần hình dung về bức tranh dân cư hồi thế kỷ XVII-XVIII, cũng như quá trình giao thoa và tiếp biến văn hóa Việt-Chăm trên vùng đất Bình Thuận.

Tài liệu tham khảo

- Lê Hồng Khánh. Tục cúng tá thổ vào mùa xuân ở vùng Nam Trung bộ. Tạp chí Đất Quảng, số 209 (2/2022).

- Tạ Chí Đại Trường. Thần, người và đất Việt. NXB Tri thức: 2014.

- Võ Tâm. Tháng 3 và tục cúng đất của người Việt ở Bình Thuận. Trang thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận: 2020.

- Võ Ngọc Văn. Tìm lại dấu xưa vùng đất Hamu Lithit. Báo Bình Thuận cuối tuần, số 6981, ngày 21/1/2022.

ĐỖ THÀNH DANH


(0) Bình luận
Bài liên quan

  8 vận động viên tham dự Giải vô địch Taekwondo Đông Nam Á lần thứ XV
Ngày 23/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đồng ý cử huấn luyện viên Nguyễn Quốc Hùng và 8 vận động viên Taekwondo tham dự Giải vô địch Taekwondo Đông Nam Á lần thứ XV năm 2022 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lệ cúng đất mùng 10 tháng 3 ở Phú Long