Theo dõi trên

Nữ bác sĩ trẻ đam mê cấp cứu

26/09/2024, 05:14

Thạc sĩ bác sĩ Đỗ Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1996) là một trong những bác sĩ trẻ đầy nhiệt huyết tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa An Phước. Với ước mơ cứu chữa bệnh nhân từ thuở nhỏ, bác sĩ Hạnh không ngừng nỗ lực biến ước mơ trở thành hiện thực và cứu sống nhiều ca bệnh “thập tử nhất sinh”.

bac-si-hanh.jpg
Thạc sĩ bác sĩ Đỗ Thị Hồng Hạnh - Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa An Phước.

Từ ước mơ đến hiện thực

Sinh ra và lớn lên ở Cần Thơ, bác sĩ Hạnh đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ cứu chữa bệnh nhân từ khi còn nhỏ. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa vào năm 2020, bác sĩ Hạnh bắt đầu làm việc tại Khoa Cấp cứu của một bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh, đồng thời theo học chương trình sau đại học và tốt nghiệp thạc sĩ vào năm 2023. Trong suốt quá trình làm việc và học tập, niềm đam mê với việc cấp cứu bệnh nhân ngày càng lớn, và bác sĩ Hạnh quyết định tiếp tục công việc tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa An Phước sau khi kết hôn với chồng quê ở Phan Thiết.

Dù nhiều người thân và bạn bè khuyên: “Nam giới làm khoa cấp cứu đã vất vả, nữ còn cực hơn rất nhiều; sao không xin làm ở khoa khác?”, bác sĩ Hạnh vẫn khẳng định: “Cấp cứu là một ngành nghề đầy cam go, nhưng mỗi lần cứu sống được một bệnh nhân, niềm vui và sự hạnh phúc của gia đình bệnh nhân là phần thưởng lớn nhất cho mình”.

bac-si-hanh-1.jpg
Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Hồng Hạnh (Bệnh viện đa khoa An Phước) khám cho bệnh nhi.

Bác sĩ Hạnh đã tham gia cứu chữa nhiều ca bệnh nặng, nhưng có những trường hợp để lại dấu ấn sâu sắc. Một bệnh nhân 49 tuổi đã nhập viện do tai nạn đuối nước, vào viện trong tình trạng kích thích, tiếp xúc chậm, với mạch 145 lần/phút, SpO2 chỉ 86%, huyết áp 160/100 mmHg, khó thở dữ dội và nôn ói liên tục. Khi nhận ca bệnh này, bác sĩ Hạnh cùng đồng nghiệp nhanh chóng chẩn đoán, cấp cứu và hồi sức kịp thời. Một trường hợp khác, 3 ca đuối nước vào cùng một lúc ngay thời điểm giao giữa hai tua trực, đã được bác sĩ Hạnh cùng đồng nghiệp xử lý nhanh chóng, cứu sống tất cả bệnh nhân.

Một ca thai phụ 35-36 tuần bị sản giật và ngưng tim cũng đã để lại ấn tượng hơn, có lẽ tới già cũng không thể nào quên. Toàn bộ bệnh viện đã đồng lòng cứu chữa bệnh nhân ngay tại Khoa Cấp cứu, mổ bắt bé trong điều kiện khẩn cấp. Bác sĩ Hạnh nhấn mạnh rằng đây là minh chứng cho sự đồng tâm hiệp lực của cả bệnh viện, với mục tiêu hàng đầu là cứu sống bệnh nhân.

Theo bác sĩ Hạnh, những khó khăn mà y, bác sĩ Khoa Cấp cứu phải đối mặt là rất lớn. Lượng bệnh nhân vào cấp cứu thường đông vào ban đêm và trong các dịp lễ, tết, tạo ra áp lực lớn trong việc sắp xếp và xử lý tình huống. Bên cạnh đó, trước sự mong manh giữa sự sống và cái chết, bác sĩ cần phải có tốc độ xử lý thật nhanh và chính xác. Thêm vào đó, áp lực từ phía gia đình bệnh nhân cũng là một yếu tố không thể xem nhẹ. Mỗi ngày, khoa tiếp nhận hơn 100 ca bệnh, trong đó đến 70% là bệnh nặng.

Tâm huyết với nghề và cộng đồng

Bác sĩ chuyên khoa I Phan Ngọc Hùng, Giám đốc Bệnh viện An Phước, cho biết: “Mặc dù Khoa Cấp cứu – nơi được coi là đầu sóng ngọn gió tại bệnh viện với áp lực càng tăng lên gấp bội, bác sĩ Hạnh cùng các y, bác sĩ khác vẫn cháy ngọn lửa nhiệt huyết với nghề. Với kiến thức chuyên môn vững vàng và tay nghề giỏi, bác sĩ Hạnh đã cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nặng như sốc phản vệ, đuối nước và xuất huyết tiêu hóa... Trong suốt thời gian làm việc tại bệnh viện, bác sĩ Hạnh không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn giữ một lối sống giản dị, chan hòa và đoàn kết với mọi người.

Ngoài công việc tại bệnh viện, bác sĩ Hạnh còn tích cực tham gia khám từ thiện cho người nghèo và những hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Bác sĩ Hạnh cho biết: “Hoạt động thiện nguyện không chỉ giúp mình có thêm trải nghiệm quý báu mà còn mang lại động lực để tiếp tục phấn đấu trong nghề. Những buổi khám bệnh là dịp để mình hiểu thêm về cuộc sống và nỗi khổ của những người xung quanh, từ đó hình thành một tâm hồn nhạy cảm, biết lắng nghe và chia sẻ với bệnh nhân”.

Hành trình học tập của bác sĩ Hạnh không chỉ dừng lại ở đại học hay sau đại học mà còn là một quá trình học hỏi liên tục. Trong thời gian tới, bác sĩ Hạnh sẽ tiếp tục theo học chuyên sâu về hồi sức cấp cứu để nâng cao kiến thức và kỹ năng, phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân. Cùng với đó, sẽ học thêm về mảng hô hấp và triển khai kỹ thuật đo hô hấp tại bệnh viện với mục tiêu tầm soát các bệnh lý mạn tính về đường hô hấp, giúp giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân. Hiện tại, tỷ lệ tử vong do bệnh lý hô hấp vẫn khá cao. Bác sĩ Hạnh mong muốn giúp nhiều bệnh nhân phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến hô hấp, từ đó áp dụng phương pháp điều trị kịp thời để ngăn ngừa nguy cơ tử vong, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng.

Bác sĩ Hạnh chọn câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ thuộc về ai” trong bài “Một đời người một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn làm châm ngôn sống của mình. Câu nói này thể hiện tinh thần, sự quyết tâm cao trong việc chấp nhận khó khăn và tìm thấy niềm hạnh phúc trong nghề nghiệp.

TRANG MINH


(1) Bình luận
Bài liên quan
 Bí thư Tỉnh ủy thăm y, bác sĩ nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
Chiều 26/2, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã đi thăm một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024).
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nữ bác sĩ trẻ đam mê cấp cứu