Theo dõi trên

Nước giếng ô nhiễm, người dân Hồng Thắng thiếu nước sạch

29/11/2023, 05:42

Nhiều năm qua các giếng nước của người dân thôn Hồng Thắng, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình không bị ô nhiễm, nhưng nay “bỗng dưng” bị ô nhiễm khiến người dân lo ngại và mong ngành chức năng quan tâm đưa nước sạch về thôn.

z4924965941883_126e723f5f91a139b6c4fc5135b6fdfd.jpg
Nước giếng dù trong nhưng có mùi hôi thối.

Hồng Thắng là 1 trong 3 thôn của xã ven biển Hòa Thắng của huyện Bắc Bình, cách trung tâm xã 14km trên trục đường ven biển Hòa Thắng – Hòa Phú. Toàn thôn có 443 hộ/1.632 khẩu, chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng khang trang, có nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, phân trạm y tế và 2 cơ sở giáo dục - điểm trường mẫu giáo và Trường TH&THCS Võ Hữu. Cuộc sống người dân nơi đây nay đã khá hơn trước kia gấp nhiều lần mặc dù thôn vẫn chưa có nước sạch, chủ yếu nhờ nước trời và giếng khoan.

Tuy nhiên, những năm qua thời tiết cực đoan, nắng hạn kéo dài, sâu bệnh cây trái cho sản lượng thu hoạch thấp. Trong khi giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, nông sản làm ra được mùa mất giá, được giá mất mùa hoặc mất cả mùa cả giá… ảnh hưởng cuộc sống nhân dân. Đã vậy người dân Hồng Thắng còn phải lo chuyện nước sinh hoạt hàng ngày.

“Hồi trước nước giếng trong veo, người dân ở đây không lo thiếu nước sinh hoạt. Từ năm qua đến nay bơm nước giếng lên sử dụng bị mùi hôi, nước vàng, đục ngòm, nhiễm vôi”, người dân Hồng Thắng chia sẻ. Nguyên nhân người dân nhận định có thể do mật độ hộ dân nhiều hơn trước nên nước thải sinh hoạt thẩm thấu xuống lòng đất làm nước giếng hôi.

Không ít hộ phải đi mua nước về sử dụng hoặc bỏ giếng cũ, khoan giếng mới tìm nguồn nước khác. Ông Nguyễn Quang Hân trong thôn cho biết, nhà có một giếng nước sâu 8m cho nước sạch sử dụng hàng chục năm nay, năm 2022 nước trong giếng bỗng dưng có mùi hôi, kiểu như mùi hầm cầu. Ông khoan một giếng khác sâu 10m nhưng cũng không thể sử dụng được vì nước vàng, khoan tiếp xuống 15m thì nước nhiễm vôi. Để có nước sử dụng, gia đình ông phải bơm bỏ lớp nước đầu, sau đó mới lấy nước thứ hai bớt nhiễm vôi, sử dụng.

Không riêng giếng nước hộ ông Hân mà nhiều hộ khác trong thôn cũng bị ô nhiễm. Trưởng thôn Hồng Thắng Nguyễn Thị Hà cho biết, ở thôn hiện nay gia đình nào có giếng thì nước trong giếng cũng màu vàng, bị hôi. Họ khoan hết chỗ này qua chỗ khác tìm nguồn nước sử dụng, nhưng kiếm được rồi, sử dụng một thời gian cũng bị ô nhiễm lại. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần với xã, huyện, thậm chí cả trong các cuộc tiếp xúc cử tri.

Trước thực trạng, UBND xã Hòa Thắng cũng kiến nghị với huyện, tỉnh xem xét việc đưa nước sinh hoạt về Hồng Thắng. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có ý kiến trả lời rõ ràng. Ông Lê Thanh Chung - Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng cho biết, thông qua kênh tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã kiến nghị với các ngành chức năng về vấn đề này. Mong muốn của xã cũng như người dân Hồng Thắng được tỉnh, huyện quan tâm đưa nước sạch về thôn mới giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở thôn.

Được biết, xã Hòa Thắng hiện có Nhà máy nước Hòa Thắng của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận. Lâu nay, lượng nước từ nhà máy này cung cấp cho Trạm bơm tăng áp của hệ thống nước Hồng Phong không đảm bảo lưu lượng theo công suất thiết kế, bình quân khoảng 120 - 150 m3/ngày, trong khi nhu cầu sử dụng nước của nhân dân xã Hồng Phong và các khu dân cư xã Hòa Thắng ngày càng tăng. Do đó, thôn Hồng Thắng ở xa trung tâm xã không thể hưởng nguồn nước của nhà máy.

Hiện UBND huyện Bắc Bình đang rà soát, cân đối và huy động các nguồn lực để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân Hồng Thắng.

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ô nhiễm nguồn nước khu vực giáp ranh Bình Thuận – Đồng Nai: Cần tăng cường giám sát, xử lý
BT- Trên địa bàn xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, giáp ranh với xã Tân Đức, huyện Hàm Tân hiện có 2 cơ sở chế biến tinh bột mì Thành Tâm và nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm hoạt động. Từ năm 2008 đến nay, người dân thường xuyên phản ánh 2 cơ sở này xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Giêng và sông Dinh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt của hơn 117.000 dân (hai xã Tân Hà và Tân Xuân, một phần thị trấn Tân Minh thuộc huyện Hàm Tân, thị xã La Gi) và gần 10.000 phạm nhân, cán bộ chiến sĩ thuộc Trại giam Z30D. Thời gian qua, UBND tỉnh đã liên tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở TNMT tỉnh Đồng Nai cùng chính quyền địa phương khu vực giáp ranh giải quyết, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn tái diễn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt phía hạ lưu.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước giếng ô nhiễm, người dân Hồng Thắng thiếu nước sạch