Theo dõi trên

Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Bài 2

05/10/2022, 05:44 - Lượt đọc: 2,094

Bài 2: Nguy cơ từ những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ

Trường hợp ô nhiễm môi trường ở xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình mà Báo Bình Thuận đã phản ánh ở số báo trước không phải cá biệt. Trong thời gian vừa qua, các ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Đặc biệt, hầu hết các trường hợp vi phạm đều có quy mô chăn nuôi hộ gia đình nằm trong phạm vi quản lý của chính quyền cấp huyện, xã.

Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm

Lúc 9 giờ 30 phút, ngày 2/6, từ phản ánh của người dân, Đoàn kiểm tra của Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh phối hợp với các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra cơ sở trại chăn nuôi vịt tại thôn Lập Phước, xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam của ông Nguyễn Đình Mạnh (trú TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) làm chủ. Tại đây, đoàn đã phát hiện trang trại có hành vi xả nước thải chưa được thu gom, xử lý theo đúng quy định và vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường và thú y. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận toàn bộ nước thải chăn nuôi phát sinh từ 2 dãy chuồng được thu gom dẫn về hồ chứa biogas để xử lý sơ bộ, sau đó cho xả ra 3 hồ đất không chống thấm để tự thấm vào đất. Kiểm tra khu vực các hồ chứa nước thải bên trong phạm vi trại, đoàn kiểm tra phát hiện có nhiều bao tải trắng đã bị rã mục, bên trong các bao này có xác vịt chết đã phân hủy hoặc trong giai đoạn phân hủy, bốc mùi hôi thối. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản và yêu cầu chủ trang trại chấm dứt ngay hành vi vi phạm, không để tiếp tục phát sinh mùi hôi thối, gây bức xúc cho người dân sinh sống gần khu vực. Đến ngày 29/6, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đã ký quyết định xử phạt chủ trang trại với tổng số tiền 205 triệu đồng về nhiều lỗi vi phạm.

image_6487327.jpg
Trang trại chăn nuôi vịt của ông Mạnh đang tích cực khắc phục những thiếu sót trong hệ thống xử lý nước thải.

Trại chăn nuôi vịt của ông Nguyễn Đình Mạnh được xây dựng và đi vào hoạt động vào tháng 9/2021, với quy mô 2 dãy chuồng, loại hình chăn nuôi vịt với quy mô chăn nuôi là 19.500 con vịt/lứa và khoảng cách giữa các lứa nuôi là 55 ngày. Đến nay, sau gần 4 tháng kể từ khi bị các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra, phát hiện sai phạm về xả thải ra môi trường, chủ trang trại đã tích cực triển khai những biện pháp để xử lý nguồn nước bảo vệ môi trường. Chủ trang trại đã đầu tư thêm 1 hồ chứa biogas, 2/3 hồ chứa nước thải đã được phủ bạt, ngăn nước thải ngấm ra môi trường xung quanh. “Sau khi lực lượng chức năng chỉ ra những tồn tại trong hệ thống xử lý nước thải, chúng tôi đã và đang triển khai những biện pháp để bảo vệ môi trường được tốt hơn. Hiện tại, ngoài việc sửa chữa, củng cố hệ thống xử lý nước thải, sắp tới chúng tôi sẽ triển khai nhập hệ thống máy để tách phân ra một nơi riêng biệt và xử lý riêng không đưa vào hệ thống biogas như hiện nay. Mặc dù đang trong quá trình khắc phục nhưng so với trước đây, việc mùi hôi phát tán ra môi trường đã được khắc phục khá nhiều”, ông Mạnh cho biết.

Nguy cơ phát sinh ô nhiễm từ hộ chăn nuôi

Trên địa bàn tỉnh hiện có 48 trang trại chăn nuôi heo quy mô công nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý về môi trường của tỉnh, đã được UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ môi trường. Đến nay, có 43 trang trại đang hoạt động, 2 trang trại đang xây dựng, 3 trang trại đã chấm dứt hoạt động hoặc chuyển đổi mô hình chăn nuôi. Hầu hết các trang trại chăn nuôi heo đang hoạt động đã xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó một số trang trại tận dụng lại nước thải sau xử lý để tái sử dụng vệ sinh chuồng trại, thực hiện biện pháp giảm thiểu mùi theo quy định.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, các ngành chức năng của tỉnh trong quá trình kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi đã nổi lên tình hình vi phạm về môi trường, gây ô nhiễm mùi hôi, nước thải dẫn đến người dân bức xúc, xuất phát từ các trại heo thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện. Điển hình trong năm 2021 là tình trạng ô nhiễm môi trường của các trại heo ở xã Sùng Nhơn, huyện Đức Linh nhưng chậm được chính quyền địa phương giải quyết, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Hay như hoạt động của trại heo ở thôn Gò Đồn, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân. Trang trại này được xây dựng tại địa điểm không phù hợp quy hoạch chăn nuôi của địa phương nhưng chậm bị phát hiện, kiểm tra chấn chỉnh. Chỉ khi người dân có phản ánh thì các ngành chức năng mới vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Thực tế cho thấy, vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải trong chăn nuôi ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Một số trang trại có quy mô nhỏ, lẻ người dân còn thờ ơ, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Những biện pháp được đưa ra, như: Xây dựng hầm khí biogas, bể lắng, sử dụng đệm lót sinh học... vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi các trang trại không tuân thủ quy trình sản xuất, vận hành hệ thống xử lý chất thải. Bên cạnh đó, hầu hết các biện pháp trên gặp không ít trở ngại do chi phí lớn, không phù hợp với những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, lẻ do diện tích trang trại còn hạn chế. Suy nghĩ chủ quan của người dân khi xây dựng trang trại là “khi nào có ô nhiễm mới tìm cách giải quyết” nên nhiều hộ không có kế hoạch đầu tư lâu dài. Những năm qua, việc xử lý các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường còn ít, nhất là còn nhiều địa phương chưa có vùng chăn nuôi tập trung, phần lớn đều mang tính tự phát, việc xử phạt khó áp dụng.

Các ngành chức năng của tỉnh cũng xác định, để xảy ra tình trạng trên ngoài nguyên nhân khách quan xuất phát từ các hộ chăn nuôi thì còn một nguyên nhân khác là địa phương buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, không kiểm tra giám sát chặt chẽ từ khâu xây dựng đến khi hoạt động, thiếu kiên quyết trong xử lý khi phát hiện vi phạm dẫn đến một số hộ chăn nuôi heo vượt quá số lượng được cho phép nhưng không đầu tư công trình xử lý chất thải theo quy định, có trường hợp xây dựng trại heo không phù hợp quy hoạch chăn nuôi của địa phương nhưng vẫn đi vào hoạt động và xả nước thải gây ô nhiễm, gây bức xúc cho người dân.

Mới đây (từ ngày 13-14/9/2022), Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 1 đợt kiểm tra công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi heo đối với UBND huyện Hàm Tân nhằm xem xét, đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi heo tại địa phương để tìm ra những tồn tại, vướng mắc, bất cập, từ đó kịp thời đề xuất, kiến nghị, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của các trang trại heo khác thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh, tổ chức lấy mẫu nước thải để đánh giá hiệu quả xử lý của hệ thống xử lý nước thải tập trung nhằm phát hiện hành vi vi phạm và có biện pháp xử lý theo quy định.

NGUYỄN LUÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phụ nữ Hàm Thuận Bắc: Góp sức bảo vệ môi trường
Bảo vệ môi trường đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác này, các cấp hội phụ nữ huyện Hàm Thuận Bắc đã tích cực tham gia nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa với nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên phụ nữ trong việc giữ gìn môi trường sống, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Bài 2