Theo dõi trên

Ổn định cuộc sống nhờ sản xuất dầu ăn

04/05/2022, 10:11

Gia đình chị Phạm Thị Hồng Vân, chủ cơ sở sản xuất dầu đậu phộng ở thôn 2, xã Đức Phú, huyện Tánh Linh đã qua nhiều đời hành nghề sản xuất dầu ăn bằng hạt đậu phộng. Cơ sở sản xuất dầu của chị Vân đã góp phần ổn định và giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Vào thời điểm đầu tháng 5, cơ sở sản xuất dầu của chị Vân rất nhộn nhịp. Bên cạnh ngôi nhà chính khang trang là ngôi nhà làm bằng tôn với diện tích khoảng 100 m2 chứa đựng nhiều máy móc, thiết bị, đậu phộng thô và cả chục con người đang tất bật với công việc sản xuất dầu, không tính những người mang đậu thô đến ép dầu về sử dụng. Chị Vân kể, năm 1999, vợ chồng chị được cha mẹ để lại cho chiếc máy sản xuất dầu ăn. Gọi là máy nhưng thật ra nó chỉ có 2 trụ bằng gỗ dựng đứng, ở giữa có một khoan tròn bằng sắt dùng dây xích sắt, bánh gai… để xoay ép dầu đậu phộng. Đã nhiều năm nay chiếc máy này không còn được sử dụng, nhưng vì là của cha mẹ để lại nên chị vẫn để nguyên đó làm kỷ vật. Ban đầu vào nghề cũng rất khó khăn, vì thời điểm đó tinh dầu làm ra không nhiều, đầu ra hạn chế, chỉ bán cho bà con lối xóm. Qua thời gian, khi nhu cầu dầu đậu phộng tăng, vợ chồng chị đã đầu tư 2 máy ép dầu thủ công bằng điện và 3 năm trước đầu tư thêm 1 máy ép dầu công nghệ có giá trị 200 triệu đồng cùng một số thiết bị khác như: cối tách vỏ, cối đánh bả và nhiều thiết bị phục vụ sản xuất dầu khác, bắt pin năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất… với tổng chi phí gần tỷ đồng.

z3376906645022_21301ae4ecd4941c30caebb1cad72733-1-.jpg

Nguyên lý hoạt động của chiếc máy thủ công là hạt đậu thô đã phơi khô sẽ được đưa vào cối tách vỏ, tiếp đó chuyển hạt đậu sang máy xay bột, tinh bột được hấp chín rồi gói thành bánh, công đoạn cuối cùng là đưa bánh vào ép ra dầu. Còn nguyên lý hoạt động của máy công nghệ thì đơn giản hơn vì chỉ cần bấm nút là máy tự hoạt động. Hạt đậu sau khi tách vỏ đưa vào máy công nghệ ép ra nước dầu, tiếp đó đưa nước dầu vào máy lọc ra dầu thành phẩm. Chị Vân vừa dẫn chúng tôi tham quan cơ sở, vừa nói vanh vách nguyên lý hoạt động của từng chiếc máy.

Mỗi ngày, một máy công nghệ sản xuất ra 600 lít dầu thành phẩm; máy thủ công cho ra 200 lít dầu thành phẩm. Vào cao điểm từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch các máy hoạt động liên tục. Trung bình cứ 2 kg đậu phộng ép được 1 lít dầu, giá bán hiện nay 80.000 đồng/ lít. Ngoài bán tinh dầu thì vỏ đậu bán làm phân với giá 30.000 đồng/ bao/15 kg; bã đậu làm thức ăn gia súc hoặc làm phân bón với giá 900.000 đồng/tấn.

Chị Vân cho biết thêm, để sản phẩm dầu của mình trụ vững trên thị trường lâu thì cơ sở đưa chất lượng lên hàng đầu. Do vậy chị phải chọn những loại hạt đậu không bị hư, mốc. Trong kho lúc nào cũng tích trữ khoảng 100 tấn đậu phộng thô. Mọi hoạt động sản xuất của cơ sở đều theo quy trình khép kín, tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, nguyên chất, chất lượng, thơm ngon và đặc biệt không sử dụng hóa chất. Chính vì vậy, ngày càng được nhiều người biết đến, tin dùng. Không chỉ xuất bán trong tỉnh mà dầu của cơ sở còn xuất bán ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai…

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phú cho biết: Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, hàng năm trong vụ đông xuân Đức Phú chuyển đổi những diện tích ruộng cao sang sản xuất cây màu, trong đó chủ yếu là cây đậu phộng. Trong vụ đông xuân 2021 - 2022 này địa phương chuyển đổi được 130 ha cây màu, nhưng có đến 120 ha là cây đậu phộng. Năng suất đậu phộng đạt trên 4 tạ/sào. Giá cơ sở thu mua 23.000 đồng/kg. Với giá này người trồng đậu phộng có lãi khoảng 5 triệu đồng/sào đã trừ chi phí. Cơ sở sản xuất dầu của chị Phạm Thị Hồng Vân không chỉ góp phần tiêu thụ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương mà còn thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản xuất nông nghiệp của xã. Đồng thời góp phần giải quyết lao động thường xuyên cho khoảng 10 lao động, với thu nhập từ 6 – 12 triệu đồng mỗi tháng/người.

UBND xã Đức Phú đã lập danh sách đăng ký sản phẩm dầu thực vật của chị Vân là sản phẩm OCOP của xã trong năm 2022.

NGỌC KHÁNH


(2) Bình luận
Bài liên quan
Làm giàu từ mô hình nuôi ốc bươu đen
BT- Nuôi ốc bươu đen thương phẩm và cung cấp nguồn giống chất lượng cho người dân ở trong và ngoài địa phương là mô hình khởi nghiệp thành công của anh Nguyễn Hữu Nhơn ở thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh.
Nổi bật

Phê duyệt hơn 9,6 tỷ đồng sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu tỉnh
BTO-Chiều 1/11, ông Huỳnh Ngọc Tâm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay, Sở kế hoạch và đầu tư đã ký quyết định phê duyệt dự án Sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh (cơ sở 2, đường Hải Thượng Lãn Ông). Dự án này sẽ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ổn định cuộc sống nhờ sản xuất dầu ăn