Tại kỳ họp thứ 10, đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận có 5/5 đại biểu dự họp, các vị đại biểu Quốc hội đã dành thời gian cho việc nghiên cứu các tài liệu trình ra kỳ họp.
Tại phiên họp toàn thể ở hội trường, đại biểu Trần Hồng Nguyên và đại biểu Bố Thị Xuân Linh - thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021. Bên cạnh những kết quả đạt được, được cử tri cả nước đồng tình ủng hộ, các đại biểu tỉnh ta đề nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quy hoạch hiện nay. Đây là điều kiện quan trọng để khơi dậy, động viên, thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước và là cơ sở để địa phương sớm triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên khu vực chồng lấn titan tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn, gây cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. UBND tỉnh đã rà soát và có báo cáo đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền đề nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng titan và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quan tâm sớm hoàn thiện hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định điều chỉnh cục bộ các quy hoạch nêu trên. Đồng thời đề nghị Chính phủ sớm ban hành và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia để địa phương triển khai thực hiện.
Mặt khác, từ tình hình bão lũ rất nghiêm trọng tại các tỉnh Trung bộ vừa qua, đề nghị Quốc hội cũng như Chính phủ cần phải đánh giá một cách sâu kỹ và toàn diện hơn về nguyên nhân của tình hình biến đổi khí hậu hiện nay là do thiên tai, nhân tai như thế nào để có đủ cơ sở tiếp tục xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch vùng, đề ra các giải pháp, nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo và ứng phó kịp thời để giảm nhẹ các loại hình thiên tai xảy ra.
Thứ hai, với chủ trương đẩy mạnh khám, chữa bệnh từ xa sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, huyện đảo Phú Quý, hiện nay gặp rất nhiều khó khăn khi khám và điều trị tại Bệnh viện Quân dân y Phú Quý do máy móc, thiết bị y tế còn thiếu thốn, trình độ của nhiều bác sĩ tại bệnh viện chưa đáp ứng được yêu cầu. Đối với một số loại bệnh thì bệnh nhân phải điều trị thường xuyên nhưng phải vào đất liền để điều trị, điều này đã gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân. Vì vậy, đề nghị Bộ Y tế sớm rà soát tổng thể việc đầu tư trang thiết bị và xây dựng đội ngũ cán bộ cho các bệnh viện tại các huyện đảo trên cả nước nói chung và huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận nói riêng, để từ đó có các biện pháp xử lý những tồn tại, khó khăn tại các địa bàn này. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm tới việc đầu tư công nghệ số trong y tế, trong khám, chữa bệnh từ xa tại các địa bàn huyện đảo để nhân dân được tiếp cận với những bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi, có nhiều kinh nghiệm trong khám và điều trị đối với những loại bệnh khó, hiểm nghèo, góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh cho nhân dân.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh phát biểu
Thứ ba, về thủy sản. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định cụ thể các chính sách đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước trong hoạt động thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017, nhất là các chính sách đầu tư của Nhà nước đối với cảng cá loại 1, loại 2, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, hạng mục hạ tầng thiết yếu cho khu bảo tồn biển và chính sách hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy sản, chuyển đổi nghề, nhằm giảm khai thác thủy sản ven bờ và hỗ trợ cho các địa phương vùng biển còn nhiều khó khăn, trong đó có Bình Thuận có điều kiện để phát triển nghề cá có trách nhiệm và bền vững. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang thực hiện các giải pháp khắc phục, khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định IUU, gỡ cảnh báo thẻ vàng. Mặt khác, thực tiễn tại nhiều tỉnh, thành ven biển trong cả nước cho thấy vấn đề quản lý, kiểm soát tàu cá hoạt động xuất bến ngoại tỉnh đang bộc lộ nhiều bất cập như không nắm được tình hình lao động trên tàu, hành trình neo đậu, xuất nhập bến khi tàu đi ra ngoài tỉnh, không khai báo với lực lượng chức năng hoặc né tránh việc kiểm tra, kiểm soát tại địa phương nơi đến. Đây là những đối tượng có nguy cơ rất cao vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài, gây nhiều hệ lụy cho cả địa phương, nơi đi nơi đến, ảnh hưởng đến nỗ lực chung của cả nước. Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua đã có một số tỉnh ký quy chế phối hợp quản lý tàu cá giữa các địa phương nhưng hiệu quả thực hiện chưa cao, vẫn còn tình trạng tàu cá tỉnh này xuất bến tại tỉnh kia, vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài. Do vậy, cần có sự chỉ đạo thực hiện thống nhất về trách nhiệm của các tỉnh, thành phố ven biển trong việc quản lý, kiểm soát tàu cá từ các tỉnh, thành phố đến hoạt động lưu trú, xuất bến tại địa phương mình. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung quy định về thủ tục quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với tàu cá hoạt động tại vùng lộng, vùng khơi. Quy định trách nhiệm cụ thể của địa phương, nơi có tàu cá đi và nơi địa phương có tàu cá ngoài tỉnh hoạt động neo đậu, xuất bến tại Nghị định số 26 ngày 8/3/2019 của Chính phủ và bổ sung các biện pháp, chế tài để xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm được quy định tại Nghị định số 42 ngày 15/4/2019 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ cần chú trọng quy hoạch và tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển, đảo và có cơ chế phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế biển, đảo. Trên cơ sở chủ trương, định hướng phát triển chung của cả nước, cần có quy hoạch tổng thể chung cũng như đối với từng khu vực, địa phương trong đó có tỉnh Bình Thuận với chiều dài bờ biển là 192km nhằm tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” dẫn đến sự phân tán thiếu tập trung giữa các địa phương với cả vùng, giữa địa phương với từng ngành. Đồng thời có các biện pháp hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản, xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến trên biển, đảo, phát triển du lịch kết hợp với việc triển khai các dịch vụ công ích trên biển.
Thứ tư, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, mặc dù nước ta đã cơ bản kiểm soát tốt 2 đợt dịch vừa rồi. Tuy nhiên tác động xấu từ nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới đối với nền kinh tế trong nước là không hề nhỏ, hệ lụy của nó để lại cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh và người dân vô cùng lớn. Mặc dù Chính phủ đã ban hành các gói hỗ trợ nhằm kích thích kinh tế nhưng tình hình dịch Covid-19 vẫn đang tiềm ẩn những diễn biến khó lường. Hiện nay các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và nhiều đối tượng khác vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và sản xuất kinh doanh. Do đó, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, kịp thời giải ngân các gói hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Đồng thời cần rà soát, bổ sung một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng chưa được quy định trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng như: Thợ hồ, xe ôm, bảo mẫu, cấp dưỡng, bảo vệ trong các trường mẫu giáo, tiểu học và nhóm trẻ thuộc cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
Thứ năm, một vấn đề được rất nhiều cử tri quan tâm là về đạo đức xã hội hiện nay xuống cấp gây bức xúc trong xã hội như tình hình bạo lực gia đình, bao lực học đường và nhiều vụ án thương tâm xảy ra: Con giết cha mẹ, vợ giết chồng, anh chị em giết nhau… xảy ra thường xuyên, đáng báo động. Vì vậy đề nghị Chính phủ cần đề ra các giải pháp phù hợp phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông trong việc truyền đi thông điệp tích cực về những lối sống đẹp, những tấm lòng nhân ái trong xã hội, và hình thành một dư luận xã hội ủng hộ các giá trị chân - thiện - mỹ. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, phát động sâu rộng những giá trị tốt đẹp của phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” mà trước đây Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động.
5/5 đại biểu Quốc hội trong đoàn đã có 13 ý kiến tại tổ và 6 ý kiến phát biểu tại hội trường đóng góp vào các dự án luật, nghị quyết gồm: Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tại các buổi chất vấn tại hội trường, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh, Nguyễn Thị Phúc, Trần Hồng Nguyên, Bố Thị Xuân Linh có câu hỏi chất vấn đến Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng thành viên Chính phủ. Ngoài ra, các đại biểu trong đoàn đã gửi câu hỏi chất vấn bằng văn bản đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công thương… về những vấn đề cử tri trong tỉnh quan tâm.
Tại kỳ họp, các đại biểu của đoàn đã trả lời phỏng vấn với các cơ quan báo chí như: Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, Kênh Truyền hình Quốc hội, Báo Người Đại biểu về những nội dung liên quan tại kỳ họp.
Trong thời gian diễn ra kỳ họp đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã thường xuyên gặp gỡ và kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan về các vấn đề bức xúc của tỉnh như: Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan và khu vực dự trữ quặng titan, công tác bảo vệ môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, về hỗ trợ, đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhất là công trình trọng điểm, động lực về thủy lợi, thủy sản kết nối, tác động liên vùng và phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh... Đoàn đã có cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nhằm tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Kết thúc kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIV, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã thực hiện tốt chương trình và kế hoạch đề ra; các vị đại biểu Quốc hội của tỉnh đã kịp thời phản ảnh những ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh nhà đến với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng như những vấn đề bức xúc của tỉnh được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ghi nhận và có văn bản trả lời cho các đại biểu Quốc hội trong đoàn.
Khôi Nguyên