Theo dõi trên

Phan Thiết: Cảnh báo nguy cơ tái phát bệnh dịch tả heo châu Phi

11/07/2022, 06:05

Giá bán heo hơi không tăng tương xứng với sự tăng giá của thức ăn chăn nuôi. Người nuôi heo Phan Thiết phập phồng nếu không may xảy ra dịch bệnh sẽ trắng tay.

Thiệt hại gần 200 triệu đồng

Mới đây, một hộ chăn nuôi heo Trần T. T. tại Phan Thiết bị thiệt hại 34 con nghi ngờ bệnh dịch tả heo châu Phi, gồm 3 con nái, số còn lại trong giai đoạn chuẩn bị xuất chuồng. Khi heo vừa có triệu chứng, hộ chăn nuôi này báo ngay cho thú y xã và Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Phan Thiết. Trung tâm nhanh chóng vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; kết hợp với địa phương tiến hành tiêu hủy đàn heo bị nhiễm bệnh theo quy trình; kịp thời khống chế bệnh không để lây lan sang hộ khác.

khu-khuan-chuong.jpg
Phun khử khuẩn chuồng heo.

Ước tính thiệt hại gần 200 triệu đồng, một khoản tiền không nhỏ với gia đình chị. Chị T. chia sẻ: “Gia đình sống bằng nghề nuôi heo, sự thiệt hại này xem như trắng tay. Chị T. chưa biết xoay vào đâu để có vốn tái đàn lại. Trong khi, gia đình có 2 con nhỏ ở tuổi ăn học, 1 con trai 19 tuổi thì bệnh suy thận phải chạy thận nhân tạo, khó khăn cả chuyện chi phí sinh hoạt hàng ngày lẫn chi phí điều trị bệnh cho con”.

rac-voi.jpg
Rắc vôi vào chuồng.

Chị Nguyễn Thị Gái (xã Tiến Lợi - Phan Thiết) cho biết: Cách đây 1 tháng, lứa heo chị bán được vài chục triệu đồng, với giá heo hơi 58.000 đồng/kg. Hiện nay, chuồng của chị còn heo nái và ít heo thương phẩm. Chị Gái nhớ lại đợt bệnh dịch tả heo châu Phi năm 2019 phải tiêu hủy heo, làm thiệt hại nặng cho nhiều gia đình chăn nuôi. Vì vậy, chị khá lo lắng, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, rắc vôi, phun thuốc khử trùng theo hướng dẫn của cán bộ thú y nhằm phòng ngừa nhiễm bệnh.

Theo nhiều gia đình chăn nuôi heo, việc chăn nuôi ngày càng khó khăn, bởi chi phí thức ăn như cám gạo, bắp, cám công thức (thức ăn chăn nuôi do nhà máy sản xuất đóng bao bì sẵn) đều tăng giá khá nhanh và cao. Nhiều gia đình sử dụng hèm, cơm thừa từ các quán ăn, nhà hàng nấu lại cho heo ăn. Từ trước tết đến nay, giá bán vẫn dao động 58.000 - 60.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán heo hơi không tăng tương xứng với sự tăng giá của thức ăn chăn nuôi. Người nuôi phập phồng nếu không may xảy ra dịch bệnh sẽ trắng tay.

Vệ sinh tốt hạn chế bệnh

Từ câu chuyện 1 hộ chăn nuôi thiệt hại 34 con heo như đã đề cập do nghi ngờ mắc bệnh dịch tả heo châu Phi cho thấy: Nguy cơ tái phát bệnh dịch tả heo châu Phi có thể xảy ra tại Phan Thiết nếu người chăn nuôi không chủ động các biện pháp phòng ngừa. Hiện nay, Phan Thiết có 304 hộ chăn nuôi heo ở 13 xã phường, với tổng đàn 7.647 con, thì có 1.281 con nái. Thiện Nghiệp là xã có lượng đàn nhiều hơn so với các xã, phường khác của Phan Thiết.

Để hạn chế nguy cơ phát sinh và bùng phát dịch bệnh, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp Phan Thiết đề nghị UBND các phường, xã cử cán bộ phụ trách phối hợp với các thôn, khu phố tăng cường rà soát, kiểm tra tình hình dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn, nhằm phát hiện sớm các trường hợp đàn heo mắc bệnh để kịp thời xử lý và có các biện pháp đối phó khi có dịch xảy ra, không để lây lan trên diện rộng.

Các triệu chứng nhận biết bệnh dịch tả heo châu Phi là sốt cao, bỏ ăn, lười vận động, nằm chồng đống lên nhau, thích nằm chỗ mát gần nước. Di chuyển khó khăn, ho, khó thở, các vùng da mỏng (tai, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng) chuyển sang đỏ. Khoảng 1 - 2 ngày trước khi heo chết có biểu hiện: đi lại không vững, thở gấp khó thở, có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu. Nếu thấy heo có các triệu chứng trên thì nhanh chóng tách heo bệnh ra khỏi đàn và báo ngay cho UBND xã, phường phối hợp với trung tâm có các biện pháp xử lý không để dịch bệnh lây lan.

Thông qua các kênh thông tin chính thống, Việt Nam chính thức sản xuất được vắc xin thương mại phòng bệnh dịch tả heo châu Phi đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn và thời gian miễn dịch kéo dài 6 tháng. Dự kiến, sản phẩm sẽ ra thị trường trong năm nay, một tín hiệu vui cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, trong thời gian này, người chăn nuôi đảm bảo các biện pháp an toàn vệ sinh tại chuồng trại, khu vực chăn nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Lưu ý, trước khi đưa nước cơm, phụ phẩm vào chuồng, người nuôi thay quần áo khác, phải khử khuẩn, vệ sinh xe, thùng chứa… Không giấu bệnh, phải báo cáo kịp thời cho chính quyền địa phương biết sớm để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi tái đàn, người nuôi chọn nơi cung cấp giống uy tín, phải đảm bảo các biện pháp an toàn, vệ sinh tại chuồng trại.

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi
BTO - UBND tỉnh vừa có công văn giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi (DTHCP). Đây là những nội dung được triển khai theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Công văn số 3514/VPCP-NN ngày 6/6/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phan Thiết: Cảnh báo nguy cơ tái phát bệnh dịch tả heo châu Phi