Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Theo nhận định của đại diện lãnh đạo TP. Phan Thiết, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm năm 2021 diễn biến phức tạp, đặc biệt bệnh truyền nhiễm mới nổi như dịch Covid-19. Phan Thiết bùng phát đợt dịch Covid-19 thứ 3 từ cuối tháng 7 kéo dài đến hết năm 2021 và khó dự báo, số mắc cao đe dọa tính mạng người bệnh. Tính đến hết năm 2021, Phan Thiết ghi nhận gần 8.000 ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 6.700 ca điều trị khỏi, 64 trường hợp tử vong. Trong giai đoạn cao điểm chống dịch, UBND thành phố chỉ đạo Trung tâm Y tế thành phố thành lập 3 tổ phản ứng nhanh thường trực 24/7 sẵn sàng triển khai nhiệm vụ điều tra dịch tễ, truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch. 18/18 phường, xã và 126 khu phố, thôn (Tổ giám sát Covid cộng đồng) tham gia truy vết khi có ca F0 trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường nhân sự ngoài ngành y tế hỗ trợ chống dịch khi cần thiết. Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm khác vẫn tiếp tục lưu hành, đe dọa xảy ra dịch và khả năng gây tử vong cao như: sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng và sởi.
Theo đại diện lãnh đạo TP. Phan Thiết, công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đáng chú ý đối với dịch Covid-19, trong giai đoạn cao điểm bùng phát dịch, do mật độ dân cư đông, một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19 dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ rất cao làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đối với một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như: sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, tay chân miệng có nguy cơ bùng phát dịch nếu không ngăn chặn kịp thời. Các hoạt động phòng, chống dịch thuộc chương trình mục tiêu y tế dân số quốc gia như: Dự án Tiêm chủng mở rộng, phòng chống bệnh sốt xuất huyết, sốt rét... nguồn kinh phí được cấp không đủ để hoạt động giám sát, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các chương trình và nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.
Không để dịch bệnh bùng phát
TP. Phan Thiết rất chú trọng công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm của năm 2022 từ 5-10% so với trung bình hàng năm giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt mục tiêu đề ra, Phan Thiết sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 128 và Quyết định số 2970 của UBND tỉnh về việc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo từng cấp độ dịch áp dụng trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, củng cố hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, dịch cúm A (H5N1), cúm A (H7N9), Đội phòng chống dịch thành phố, phường, xã và nâng cao năng lực chẩn đoán, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống và ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19 để kịp thời truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch không để dịch lan rộng ra cộng đồng.
Mặt khác, chú trọng xã hội hóa công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, huy động sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân nhằm phát huy hiệu quả phòng, chống dịch một cách cao nhất. Đẩy mạnh phối hợp giữa ngành y tế với các ban, ngành, đoàn thể trong việc vận động nhân dân, tổ chức thực hiện các hoạt động của cộng đồng, chủ động phòng, chống dịch bệnh như: Thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế, tổng vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, diệt ổ lăng quăng, thu gom dụng cụ phế thải, đăng ký tiêm ngừa cho đàn gia cầm phòng chống dịch cúm, ăn uống hợp vệ sinh...
Năm 2021, Phan Thiết ghi nhận gần 8.000 ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 6.700 ca điều trị khỏi, 64 trường hợp tử vong; 131 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, giảm 25% so với năm 2020 (175 trường hợp); 64 trường hợp, tăng 42% so với năm 2020 (45 trường hợp); 16 trường hợp mắc bệnh quai bị, giảm 20% so với năm 2020; 1 ca tử vong do bệnh dại.