![]() |
Tuyến đường Lê Hồng Phong - vòng xoay Tỉnh đội không còn ngập sâu khi mưa lớn. |
Hơn 2 năm trước, mỗi lần vào mùa mưa các con đường Thủ Khoa Huân, Lê Hồng Phong, Trần Phú - Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, Hùng Vương - Trần Hưng Đạo, Từ Văn Tư… nước dâng ngập kín mặt đường, làm người tham gia giao thông đi lại khó khăn. Mặc dù mưa nhỏ, kéo dài chừng nửa tiếng đồng hồ cũng khiến các tuyến đường lênh láng nước. Các cống thoát nước dường như bị vô hiệu khiến nhiều nơi ứ đọng nước trong nhiều giờ liền. Với sự hỗ trợ của Trung ương, từ năm 2015 dự án thoát nước TP. Phan Thiết (thuộc dự án phát triển đô thị vừa và nhỏ khu vực miền Trung ADB VIE - 2272, Tiểu dự án Bình Thuận - giai đoạn 1) đã hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp cải thiện phần nào tình trạng ngập úng. Các khu vực như ngã bảy, Bến xe Bắc Phan Thiết, vòng xoay Tỉnh đội, ngã ba Hùng Vương - Trần Hưng Đạo không còn tình trạng ngập sâu. Thời gian ngập sau mưa ở một số vị trí không kéo dài như trước, chỉ còn từ 1 - 3 giờ. Cuối năm 2015, đoàn chuyên gia của ADB và Ban QLDA Bộ Xây dựng tiến hành khảo sát và kiểm tra thực tế dự án, đã đánh giá cao hiệu quả thực hiện dự án.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra kết quả xây dựng hệ thống thoát nước này. Đoàn đã làm việc với Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận (đại diện chủ đầu tư dự án). Qua khảo sát, đoàn kiểm tra nhận thấy, sau khi chính thức đưa vào sử dụng, đến nay các tuyến cống và trạm xử lý nước thải thuộc dự án đã phát huy hiệu quả thoát nước của TP. Phan Thiết. Từ khi đưa vào sử dụng không còn hiện tượng bị tắc nghẽn hoặc hư hỏng hệ thống cống thoát. Ngoài ra, dự án đã giúp cải thiện môi trường thành phố, lượng rác thải ra sông Cà Ty giảm đáng kể và giảm được mùi hôi thối từ nguồn nước thải. Bên cạnh đó, hệ thống thu gom và xử lý nước thải phát huy hiệu quả rất tốt, lượng nước thải sinh hoạt tiếp nhận về trạm xử lý tăng dần từ 2.992 m3/ngày đêm lên đến 4.265 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước vẫn còn những điểm bất cập. Các tuyến cống chung, cống cấp 3 của dự án không trực tiếp thu gom nước mưa và nước thải mà tiếp nhận từ hố ga và tuyến cống cũ của thành phố đặt theo vỉa hè của các tuyến đường. Do đó hiệu quả thoát nước phụ thuộc nhiều vào số lượng hố ga, kích thước cống và mức độ thông thoáng của hệ thống cống cũ, dẫn đến một số tuyến đường thoát nước còn chậm do hệ thống hố ga và cống cũ đã xuống cấp.
Do việc đầu tư không đồng bộ giữa hệ thống thoát nước cũ và mới, trong khi công tác duy tu, bảo dưỡng, nạo vét thường xuyên chưa được quan tâm, nên một số nơi vẫn xảy ra ngập cục bộ. Để khắc phục, UBND các phường, xã cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không xả trực tiếp vật liệu xây dựng, rác và thức ăn xuống cống. Các vi phạm lấn chiếm bịt hệ thống thoát nước cần xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật. Đồng thời, khi triển khai lập dự án cải tạo, sửa chữa hệ thống giao thông đô thị hoặc các dự án đầu tư cải tạo, chỉnh trang đô thị phải thực hiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kèm theo.
M.Vân