Mục đích của kế hoạch là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng thực hiện trợ giúp người khuyết tật; đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người khuyết tật theo quy định. Từ đó tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp và hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình.
Theo đó, hoạt động trợ giúp người khuyết tật gồm tuyên truyền nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến người khuyết tật; chính sách trợ giúp xã hội; trợ giúp về: y tế, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông, tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng, giao thông, pháp lý; phòng chống dịch bệnh và giảm nhẹ thiên tai; trợ giúp phụ nữ khuyết tật; hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; hỗ trợ tiếp cận tín dụng; hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập và hòa nhập cộng đồng; nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật và giám sát đánh giá.
Kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và lồng ghép với các chính sách, chương trình, dự án khác. Đồng thời huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế thực hiện.
UBND TP. Phan Thiết giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các phường, xã tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về người khuyết tật; tuyên truyền nâng cao nhận thức về trợ giúp người khuyết tật cho cộng đồng. Ngoài ra các phường, xã phân công cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình, quản lý đối tượng người khuyết tật trên địa bàn và phối hợp đưa đối tượng đi điều trị, chăm sóc phục hồi. Chú trọng chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật nghèo, neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn…