Thực hiện quy định về PTDS, Phan Thiết đã xây dựng đội tàu tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo; đăng ký quản lý chặt chẽ quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật hậu cần cho quân đội đúng quy định. Hiện thành phố có 18/18 phường, xã có lực lượng dân quân thường trực được công nhận trọng điểm về quốc phòng – an ninh.
Lực lượng vũ trang thành phố luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, duy trì đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cao điểm. Đồng thời sẵn sàng cơ động thực hiện các nhiệm vụ khác, đặc biệt là khắc phục hậu quả thiên tai. Ban Chỉ huy PTDS thành phố đã xây dựng các kế hoạch ứng phó thảm họa động đất, sóng thần, phòng không nhân dân, xây dựng công trình ngầm, đường hầm.
Tại buổi làm việc, UBND TP. Phan Thiết cũng nêu một số khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác PTDS: Một số nội dung công tác phòng, chống thiên tai bị trùng và chồng chéo với PTDS, chưa có cán bộ chuyên trách tham mưu nhiệm vụ PTDS sự; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện thô sơ hoặc đã xuống cấp; kinh phí phục vụ nhiệm vụ ứng phó thảm họa còn hạn chế.
UBND TP. Phan Thiết kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật PTDS; hướng dẫn cụ thể chức năng, nhiệm vụ của PTDS cấp huyện trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý tình huống; chỉ đạo quy hoạch một số khu vực để phục vụ di dời, sơ tán nhân dân; cấp bổ sung trang thiết bị phục vụ cứu nạn cứu hộ…
Đoàn công tác Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của TP. Phan Thiết trong thực hiện các quy định về PTDS. Trên cơ sở kết quả đạt được, kiến nghị của địa phương và yêu cầu đặt ra, Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tổng hợp, đánh giá, tiếp tục đề xuất những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả quy định về PTDS, đưa vào dự thảo Luật PTDS.
Đoàn công tác Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã đi thực tế tại khu vực Cảng phòng tránh trú bão ở phường Thanh Hải và xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết.